Tự hào, xúc động cùng câu chuyện lịch sử của “Hà Nội- Bản hùng ca phố”
(PNTĐ) - "Hà Nội - Bản hùng ca phố" diễn ra tối 10/10 tại Hoàng Thành Thăng Long với âm nhạc và những câu chuyện, đã giúp người xem nhớ đến những ngày tháng lịch sử anh dũng mà hào hoa của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hoà bình, sáng tạo và phát huy nét văn hoá của Hà Nội phố, để Hà Nội xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 không chỉ ghi dấu chặng đường phát triển của Hà Nội, mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc. “Hà Nội - Bản hùng ca phố” là một trong những chương trình trọng điểm được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội, các nhân chứng lịch sử và các tầng lớp nhân dân.
Xúc động những bản hùng ca
Chương trình “Hà Nội- Bản hùng ca phố” diễn ra tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội – một địa điểm linh thiêng gắn liền với lịch sử hình thành kinh thành Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Cũng ngay tại quảng trường sân Đoan Môn nơi diễn ra chương trình, mà trước đây là sân Cột Cờ, 15h chiều ngày 10/10/1954 đã diễn ra lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng.
Qua 7 thập kỉ, ký ức và cảm xúc của những ngày tháng 10 hào hùng ấy vẫn còn vang vọng mãi. Và chương trình “Hà Nội- Bản hùng ca phố” đã tái hiện lại chặng đường đấu tranh gian khổ mà vô cùng hào hùng, vẻ vang của dân tộc, của Hà Nội để đi được đến mùa thu lịch sử tháng 10 năm 1954.
Thông qua 3 chương nội dung chính, đó là: Trận địa trong thành phố; 9 năm rừng lòng vẫn Thủ đô; Bài ca Hà Nội, "Hà Nội - Bản hùng ca phố" kể những câu chuyện lịch sử về Hà Nội, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của 70 năm trước, và xa hơn là của gần 80 năm trước khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến, chương trình cho khán giả một lần nữa thấy rõ nét về Hà Nội với 36 phố phường, mỗi con đường, mỗi ngôi nhà, góc phố đều là những chứng nhân lịch sử, lặng lẽ và kiên cường dõi theo bao sự kiện bi hùng của Thủ đô.
Từ đổ nát khốc liệt của chiến tranh đến ngày về huy hoàng chiến thắng (10/10/1954), 12 ngày đêm bất khuất, bản lĩnh làm nên trận Điện Biên Phủ trên không (1972); hồi sinh mạnh mẽ sau 2 cuộc chiến tranh để trở thành “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO công nhận (1999) và tiếp tục là Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế (2019).
Những phóng sự chân thực trích dẫn trong chương trình được thực hiện chỉn chu, mang đến những góc nhìn thực tế, khách quan về cuộc kháng chiến hào hùng, anh dũng của cả dân tộc. Với sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và phim tài liệu, phóng sự mà âm nhạc là mạch chính nối cảm xúc và xuyên suốt, chương trình như một bộ phim sống động về lịch sử hào hùng, lắng đọng nhưng không kém phần lãng mạn.
Các phần dàn dựng được kết hợp giữa tính liền mạch của âm nhạc, bày trí sân khấu và sự trình diễn của đông đảo nghệ sĩ để tạo nên một "bản hùng ca phố" có chiều sâu cảm xúc, bề dày lịch sử của Thủ đô.
Mở đầu, chương trình đưa khán giả về chứng kiến lại câu chuyện lịch sử cũng là niềm kiêu hãnh của những người con phố, từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến những người lính, dù rất yêu Hà Nội, nhưng khi buộc phải ra đi thì vẫn rất dứt khoát "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Họ ra đi với niềm tin chiến thắng, với tâm thế của người sẽ trở về.
Sau 80 năm làm nô lệ, chúng ta hiểu được giá trị của tự do, ý thức và trách nhiệm với nền độc lập dân tộc đã thôi thúc họ hi sinh cảm xúc riêng vì những điều lớn lao hơn. Rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, rút khỏi Hà Nội cũng là để chuẩn bị cho ngày về. Những chàng trai phố đã lên đường như thế, mang theo “Ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng, lòng vẫn thủ đô", còn người ở lại, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Pháp, vẫn một lòng đồng tâm kháng chiến. Những dòng sông ngầm đấu tranh vẫn cuồn cuộn chảy dưới lòng thành phố.
Sự kiện Tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954 là kết quả của 80 ngày chuẩn bị công phu của chính quyền và người dân thành phố sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Đó là đích đến sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ với biết bao máu xương và chiến công của cả dân tộc, để làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán rút quân vô điều kiện.
Ngày tiếp quản Thủ đô 10/10 là ngày đánh dấu mốc son Hà Nội chính thức là Thủ đô giải phóng của đất nước vừa được thế giới công nhận chủ quyền độc lập. Câu chuyện ngày 10/10 - ngày vinh quang của dân tộc giành được tự do được kể lại bằng hình ảnh tư liệu và phỏng vấn nhân chứng, bằng âm nhạc và những thước phim hào hùng, lắng động đã mang lại cảm hứng lịch sử, niềm tự hào sâu sắc cho khán giả.
Chương trình đã có màn tái hiện đặc biệt thời khắc lịch sử của 70 năm về trước - 15h chiều ngày 10/10/1954, khi hơn 20 vạn nhân dân thủ đô cùng hướng về Cột cờ Thành Hà Nội, thực hiện lễ chào cờ đầu tiên của Thủ đô Giải phóng. Giây phút này khiến tất cả khán giả có mặt tại Hoàng Thành Thăng Long và khán giả theo dõi qua truyền hình trực tiếp đều bồi hồi xúc động, phấn chấn tự hào.
Lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng vang lên khiến cảm xúc người xem dâng trào: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào... Chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh...."
Mãi giữ vững bản hùng ca phố
Sau giải phóng, Hà Nội bắt tay vào cùng miền Bắc xây dựng CNXH, nhưng đồng thời cũng có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới. Trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, hàng chục vạn người con của phố xung phong lên đường chiến đấu, phố lại tiễn người đi vào những chiến trường ác liệt nhất. Hà Nội viết tiếp bản hùng ca những ngày cùng cả dân tộc đứng lên chống Mỹ.
Phố đã chịu đựng biết bao vết thương sâu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ dữ dội và tàn khốc. Trước sức mạnh khủng khiếp của "siêu pháo đài bay" B52, người dân miền Bắc, người Hà Nội không sợ hãi. Tản cư cũng là một cách tham gia kháng chiến, nhưng nhiều gia đình, nhiều người Hà Nội khi ấy đã không tản cư tránh bom mà ở lại với Thủ đô, bám trụ từng cửa ngõ, nhà máy, góc phố, vừa sản xuất, vừa kiên cường chiến đấu.
Vượt trên nỗi đau thương của khói lửa chiến tranh, ta vẫn thấy một Hà Nội kiên cường mà đầy lãng mạn. Tất cả những điều này đã được ghi lại trong biết bao ca khúc nổi tiếng về Hà Nội, cho thấy quân và dân Hà Nội luôn ngời sáng biểu tượng "Lưng đao gươm tay mềm mại bút hoa", luôn vững tay súng, tay cuốc tay cày, tay bút, tay đàn quyết bám trụ kiên trung...
Chiến thắng miền Nam, đất nước thống nhất, đồng bào cả nước cùng nối vòng tay lớn, Hà Nội rộn ràng với sự sống hồi sinh trên từng con phố nhỏ. Từ khúc khải hoàn ca lịch sử tháng 10/1954, 18 năm sau là chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", đó đều là những dấu mốc mang tầm vóc thời đại, khẳng định vai trò thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội - là nơi tiên phong gánh vác, góp phần hoàn thành vẻ vang những sứ mệnh lịch sử của dân tộc.
Những sứ mệnh ấy tiếp tục được lớp lớp thế hệ người con Hà Nội gìn giữ và dựng xây qua từng giai đoạn lịch sử. Chương trình cho thấy Hà Nội vẫn luôn giữ vững bản hùng ca phố khi 70 năm qua, Hà Nội ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt và rực rỡ. Những công trình, thành tựu đáng tự hào trên mọi mặt lĩnh vực đời sống, song song với dòng chảy bền vững của hồn cốt văn hiến ngàn năm xuyên suốt từng con phố.
Sự tiếp biến giữa các giá trị văn hóa linh thiêng từ quá khứ với những giá trị anh hùng của thời hiện đại, những phẩm chất hội nhập quốc tế sâu rộng đã làm nên những nét riêng có của Thủ đô ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hòa bình, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại", phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh khu vực và quốc tế, hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô.
Sau 70 năm, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một vị thế phát triển chưa bao giờ có, từ thành phố vì hòa bình đến đô thị sáng tạo, là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Với sự tham gia nhiều ca sỹ, nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Tấn Minh, NSƯT Đăng Dương, Hồng Nhung, Tùng Dương, Trọng Tấn, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Bảo Trâm, Tạ Quang Thắng, Tố Loan, Đông Hùng, Lê Anh Dũng, nhóm nhạc Oplus, Tường Linh, Violinist Minh Hiền, Violinist Hải Ngọc… cùng những ca khúc đi cùng năm tháng, những bài hát nổi tiếng về Hà Nội gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của Thủ đô được mash-up mang màu sắc mới. “Hà Nội - Bản hùng ca phố” thực sự đã đem đến cho khán giả yêu Hà Nội nhiều cung bậc cảm xúc thiêng liêng, tự hào và sâu lắng.
Chương trình đã giúp tất cả chúng ta nhìn lại lịch sử và tri ân lớp lớp thế hệ cha ông đã hy sinh và cống hiến cho Thủ đô, từ đó tạo thành động lực mạnh mẽ cùng nhau góp sức, quyết tâm đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ và bền vững, gìn giữ sức sống và phẩm giá mãnh liệt của một Thủ đô Rồng bay.