Vận hội mới của phong trào Phụ nữ Thủ đô

Chia sẻ

Khi sôi động, khi tưởng như bình lặng, nhìn lại 5 năm qua từ Đại hội Đại biểu Phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XV đến Đại hội Đại biểu Phụ nữ Hà Nội lần thứ XVI vừa diễn ra, từ Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đến Đại hội lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) là biết bao thay đổi trong cuộc sống của người phụ nữ, từng gia đình và cả xã hội.

Biết bao phụ nữ đã cống hiến hết mình trong các hoạt động xã hội, làm việc thiện, “việc tử tế” làm đẹp xã hội và cả những chịu đựng, hy sinh mất mát vì dịch bệnh Covid-19 gần đây là không thể kể hết. Sống như những đóa hoa, sự vươn lên, tỏa sáng của phụ nữ Thủ đô đã là thực tế trong mỗi nếp nhà, mỗi làng quê, phố phường, cơ quan, doanh nghiệp. Chính là sự yêu thương đùm bọc, là sự chia sẻ cưu mang của những người phụ nữ đã góp phần đắc lực giúp cho cả xã hội không ai bị đói rét, cô đơn, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, cuộc sống của mỗi người dân có hạnh phúc, có thêm niềm tin chính từ trong lúc khó khăn, vất vả nhất.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng các đại biểu thăm gian hàng của phụ nữ Thủ đô tại Ngày hội “Phụ nữ Thủ đôsáng tạo” năm 2021 	Ảnh: PVPhó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng các đại biểu thăm gian hàng của phụ nữ Thủ đô tại Ngày hội “Phụ nữ Thủ đô sáng tạo” năm 2021 Ảnh: PV

Tâm thế, vị thế và cơ hội mới

Chúng ta đang sống trong những năm tháng đặc biệt với những biến động khôn lường của đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu cùng nhiều diễn biến phức tạp trên mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế và nhiều mặt của đất nước.

Trong bối cảnh đó chúng ta hoàn toàn có thể tự tin và tự hào về tinh thần đoàn kết chia sẻ cùng vượt khó, thái độ sống tích cực cùng những nỗ lực đóng góp hiệu quả của các cấp Hội Phụ nữ, của mỗi người phụ nữ và cả hệ thống chính trị, của nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế.

Không chỉ vậy, ngay trong khó khăn, thiếu thốn mà phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã về đích với 100% số xã đạt chuẩn, mà các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ vẫn hoàn thành các đơn hàng giúp cho xuất khẩu đạt hiệu quả cao. Và nữa, sự ứng biến linh hoạt, kịp thời đã giúp xã hội và phụ nữ không bị khó khăn kiềm giữ mà tiếp tục tiến một bước dài trong vận hành ứng dụng công nghệ số, làm việc học hành từ xa, trực tuyến, kết nối các chuỗi cung ứng, xây dựng kinh tế xanh, cuộc sống xanh, bảo vệ môi trường và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực làm trong sạch bộ máy Nhà nước và xã hội…

Dù trong hoàn cảnh nào thì Hà Nội vẫn là nơi tụ họp, phát triển hàng đầu của đất nước. Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hội nhập quốc tế gắn với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và vẫn luôn tạo nên môi trường thuận lợi cho mọi người lao động trong tìm kiếm công ăn việc làm, kiếm sống và làm giàu. Thực tế, từ mỗi góc phố đô thị đến xóm nghèo nông thôn, từ người phụ nữ giỏi giang học rộng đến người ít học, ít giao lưu, ai cũng có thể tham gia lao động, có thu nhập. Đó là cơ sở cho sự bình đẳng giới, giảm hẳn đi vị trí phụ thuộc trong gia đình và giành được sự tôn trọng trong xã hội.

Trong đà đi lên của Hà Nội và đất nước, rõ ràng tâm thế, vị thế của phụ nữ Thủ đô đã nâng cao, trở thành điểm tựa cho phụ nữ và phong trào phụ nữ bứt vượt lên.

Trong nấc thang phát triển mới, cơ hội cho chị em bứt thoát khỏi tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu ngàn đời ngày mỗi mở mang. Quá trình doanh nghiệp hóa, hợp tác hóa, công nghệ hóa thực tế đã phát huy tiềm năng lớn của phụ nữ, tạo điều kiện để họ trở thành những doanh nhân, nhà kỹ thuật có khả năng tiếp thu khoa học, công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Rất nhiều người trong số họ đã thành đạt, trở nên giàu có, trong đó có cả những người trở thành tỷ phú (và đã có những tỷ phú đô la). Nhiều phụ nữ đã trở thành các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, những nhà quản lý, lãnh đạo uy tín…

Cùng với vị thế trong kinh tế, chính trị, xã hội, tự thân người phụ nữ đã vươn lên đạt được những tiến bộ trong lối sống văn minh vừa phát huy truyền thống thanh lịch của người đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay, vừa tiếp nhận những cái mới của cuộc sống hiện đại, nhiều tiện ích. Chỉ nhìn vào nết ăn nết mặc thôi đã thấy giờ đây người phụ nữ nông thôn đâu mấy kém thua so với chị em thành thị… Biết sống đẹp, biết làm đẹp theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã là cơ hội cho tất cả phụ nữ Thủ đô.

Thách thức bộn bề

Cơ hội nhiều đã rõ nhưng thách thức thực sự là bộn bề, nhiều mặt.

Đó là tác động của kinh tế thị trường gắn với sự cạnh tranh nhiều khi khốc liệt, doanh nghiệp nào, người sản xuất, kinh doanh không đủ lực, đủ vốn, không nhạy bén với thị trường, cách làm mới họ sẽ bị tụt lại. Đó là sự tồn tại (dù không nhiều) của lối làm ăn chộp giật, bóc ngắn cắn dài, là sự nảy nở của tệ nạn, giả dối, lừa đảo, gian lận, lợi dụng kẽ hở của pháp luật thậm chí bất chấp pháp luật để kiếm lời, làm giàu bất chính.

Đó là quá trình đô thị hóa diễn ra tự phát, xô bồ, ở nhiều nơi, nhiều thời đoạn không những phá vỡ qui hoạch chung, tác động xấu đến môi trường cảnh quan mà còn ảnh hưởng đến cả các quan hệ, nếp sống xã hội cả trước mắt và lâu dài. Sự tập trung lao động, dân cư trong các khu công nghiệp, các đô thị với số phụ nữ lên đến hàng triệu người đã giải quyết được công việc làm cho chị em, song kèm theo đó là các vấn đề xã hội.

Bị bứng khỏi môi trường xã hội truyền thống vốn đã có độ ổn định cao gắn với gia đình, họ hàng, xóm giềng tại nông thôn, họ đã đến thành thị để cùng ăn cùng làm hoặc tự kiếm tiền, tự sống, thân phận họ không thể không ít nhiều rơi vào cảnh cô đơn, tạm bợ. Họ cùng nhiều đối tượng phụ nữ yếu thế khác dễ bị tổn thương, ngược đãi, xâm hại, dễ bị lợi dụng như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” và sa ngã.

Cần phải nhắc đến những con số rất đáng lo ngại. Theo một khảo sát đối với 300 phụ nữ bị bạo lực ở Hà Nội năm 2020, tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực tinh thần, kinh tế, thể xác và tình dục đã tăng lên trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, lần lượt lên đến 91%, 72%, 93% và 79%. Cùng đó là hiện tượng xâm hại trẻ em gái vẫn tồn tại.

Dù chỉ là cá lẻ, nhưng chúng ta vẫn không khỏi bận tâm trước những biểu hiện sa đà, thái quá trong kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, trong vi phạm trật tự, vệ sinh chung, trong thực hành tâm linh tín ngưỡng, đặc biệt là nhiều tệ nạn xã hội vẫn tiếp diễn… Đằng sau những hiện trạng đó là lối sống vị kỷ, bon chen, là sự lệch hướng, lệch chuẩn trong quan niệm hưởng thụ, trong văn hóa tiêu dùng…

Những trọng tâm trước mắt và lâu dài của phong trào Phụ nữ Thủ đô

Đất nước, xã hội cần gì, có vấn đề gì đều liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Đó là lý do phong trào phụ nữ luôn phải tạo nên động lực trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Thực tế phong trào phụ nữ đã phát triển phong phú, đa dạng với hàng trăm, hàng ngàn sáng kiến, giải pháp, khẩu hiệu, mục tiêu, tiêu chí tại tất cả các cấp Hội.

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội và mỗi người phụ nữ Thủ đô đã, đang và sẽ tiếp tục tự hào bởi sự đóng góp quan trọng, bởi những thành tựu của mình trong việc tham gia xây dựng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến - Thành phố hòa bình, Thành phố sáng tạo hôm nay và mai sau. Trong thời gian tới để sự trăm hoa đua nở đồng đều, mạnh mẽ vào những trọng tâm, hơn nữa rất cần tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm, những mũi nhọn làm cơ sở cho sự phát triển toàn diện.

Trước hết, không gì khác là việc tiếp tục xây dựng, củng cố niềm tin. Đó là niềm tin vào sự phát triển nhanh và bền của đất nước và tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đó là niềm tin vào vai trò, tiềm năng tích cực và sung mãn của phong trào phụ nữ và lực lượng phụ nữ trong xây dựng gia đình, quê hương và đất nước, bồi đắp giá trị tốt đẹp của con người Hà Nội, con người Việt Nam trong thời đại mới. Có niềm tin tất có thể làm được mọi việc. Đó là lý do công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động về chính trị tinh thần đối với phụ nữ và xã hội, cần phải mở rộng, nâng cao và đi vào chiều sâu hơn nữa, gắn với từng bộ phận, từng đối tượng và từng mục tiêu, nhiệm vụ, từng công việc cụ thể.

Nói đi đôi với làm, tuyên truyền vận động đi cùng hành động thiết thực, hiệu quả mới thuyết phục được số đông phụ nữ. Kinh nghiệm từ những thành công và chưa thành công cho thấy chỉ khi bắt tay vào việc, dám nghĩ dám làm chị em chúng ta mới phát hiện, bộc lộ hết khả năng của mình.

Và khi có đề án, chương trình và cách làm hiệu quả, sự tự tin trong chúng ta càng nâng cao. Kinh nghiệm quý từ cách làm của Thủ đô Hà Nội kiên trì thực hiện phương châm “4 rõ: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” đã giúp cả bộ máy công tác của nhiều ngành, trong đó có tổ chức Hội Phụ nữ đạt được thành công.

Cán bộ là yếu tố quyết định, có cán bộ tốt mới có phong trào tốt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cán bộ các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội qua các thế hệ đã xây dựng nên những kiểu mẫu của người lo trước, đi trước, miệng nói tay làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Xã hội không ngừng đổi thay, thách thức mới đến mỗi ngày, phải có đội ngũ cán bộ vững vàng, nhạy bén, sẵn sàng gương mẫu, đi đầu luôn là mối quan tâm xây dựng trọng điểm và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng Hội Phụ nữ Hà Nội. Đó là cơ sở, là nền tảng để phong trào phụ nữ Thủ đô, để Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã và luôn là lực lượng chính trị, tinh thần hàng đầu, đã và vẫn là chỗ dựa, là cái đẹp của cuộc sống mỗi gia đình và toàn xã hội. Và giá trị, cách sống “như những đóa hoa” của mỗi người phụ nữ, mỗi công dân Thủ đô có sức lan tỏa, sức sống trường tồn trong xã hội.

NGUYỄN THỊ THU THỦY
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Quận Tây Hồ: Phấn đấu "đường sạch, cây xanh, Hồ Tây không rác"

Quận Tây Hồ: Phấn đấu "đường sạch, cây xanh, Hồ Tây không rác"

(PNTĐ) -  Sáng 27/4, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức Lễ phát động ra quân đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), trật tự đô thị (TTĐT) với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các lực lượng, đơn vị trên địa bàn quận. Hoạt động nhằm  đảm bảo công tác VSMT, TTĐT trên địa bàn Quận nói chung và xung quanh Hồ Tây nói riêng từng bước đi vào nề nếp.
Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

(PNTĐ) - Tối 26/4, tại Quảng trường thành phố Điện Biên Phủ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”; tổng kết Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và 70 năm Ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 – 21/7/2024).
Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ tấn công mã hóa dữ liệu, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đầu tư hơn vào an toàn thông tin. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã ráo riết chỉ đạo công tác này.