Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới

Chia sẻ

Ngày 28/12, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

2020: Năm thành công nhất trong nhiệm kỳ 2016-2020

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật.

Cụ thể, nước ta đã ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Đồng thời, đã nỗ lực duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất có thể, được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Nền kinh tế cả nước cũng tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD/năm.

Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi dịch Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ “đại suy thoái” 1929-1932, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi đạt được “mục tiêu kép”: Dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm; văn hoá, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông tin truyền thông đạt nhiều kết quả ấn tượng; giáo dục, y tế được đầu tư mạnh mẽ; công tác tuyên giáo, dân vận chính quyền phát huy được nhiều ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cán bộ-công chức và nhân dân…

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, chúng ta cũng đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là nước chủ nhà APEC, Chủ tịch ASEAN 2020, AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Bên cạnh thành tựu đạt được, Chính phủ cũng nhận diện những hạn chế, khó khăn nước ta đang gặp phải: Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững; công ăn việc làm của một bộ phận người dân chưa được đảm bảo; chất lượng giáo dục, y tế và các chính sách xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập; ô nhiễm môi trường và tác động do biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện rõ; tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại và đuối nước còn nhức nhối...

Không chủ quan, thỏa mãn với thành tựu đã đạt được

Về phương phướng, nhiệm vụ năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là năm có nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030. Bởi vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn vì mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là rất cao.

Với tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên 4 nhóm phương hướng, nhiệm vụ lớn.

Theo đó, Chính phủ và các địa phương cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn công cuộc đổi mới; Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt kế hoạch hằng năm, cũng như Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 gắn với Chiến lược 10 năm về phát triển KT-XH theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến về chất trong việc tổ chức thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới theo hướng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng, sau hội nghị này, với khí thế mới, niềm tin mới, Chính phủ, các địa phương tiếp tục đoàn kết, năng động sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2021 và cả nhiệm kỳ, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.