Việt Nam thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải nhà kính
(PNTĐ) - Việt Nam tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu qua gần 50 cuộc họp và 3 vòng tham vấn.
Ngày 29/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và Nhóm nòng cốt gồm 18 nước, trong đó có Việt Nam.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng Thủ tướng Vanuatu đã tham dự và phát biểu tại phiên họp.
Với tư cách Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã chủ trì phiên thảo luận và thông qua Nghị quyết.
Theo Nghị quyết, các nước thành viên Liên hợp quốc đề nghị ICJ đưa ra ý kiến về nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ môi trường trước vấn đề phát thải khí nhà kính, cũng như về trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhiều nước khác.
Với Nghị quyết này, lần đầu tiên ICJ sẽ đưa ra ý kiến về mặt pháp lý liên quan đến biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề cấp thiết nhất, được quan tâm thảo luận rộng rãi nhất tại rất nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế hiện nay.
Việc Nghị quyết được 132/193 nước thành viên Liên hợp quốc đồng bảo trợ và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này.
Tham gia Nhóm nòng cốt ngay từ đầu, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết qua gần 50 cuộc họp của Nhóm và ba vòng tham vấn chính thức với toàn bộ các nước thành viên Liên hợp quốc.
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc tích cực tham gia thúc đẩy sáng kiến này giúp tái khẳng định các cam kết quốc tế của Việt Nam, cũng như đề cao hơn vai trò của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay.
Tại phiên thảo luận, Việt Nam nhấn mạnh dù nhiều biện pháp ứng phó đã được đưa ra để giảm thiểu các tác động tiêu cực, tình hình biến đổi khí hậu vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Do đó, các nước cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa, bao gồm việc làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nói chung, các điều ước quốc tế liên quan nói riêng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cho rằng việc thông qua Nghị quyết mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình còn tiếp diễn thời gian tới, đồng thời kêu gọi các nước tích cực tham gia vào tiến trình xem xét vấn đề tại ICJ trong tương lai.
Nhóm nòng cốt về việc xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế về biến đổi khí hậu có 18 nước, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý gồm Angola, Antigua & Barbuda, Bangladesh, Costa Rica, Micronesia, Liechtenstein, Đức, Maroc, Mozambique, New Zealand, Bồ Đào Nha, Romania, Samoa, Sierra Leone, Singapore, Uganda, Vanuatu và Việt Nam.
Theo quy định, chỉ Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an có quyền yêu cầu ICJ cho ý kiến tư vấn về tất cả các vấn đề pháp lý.
Bên cạnh việc đưa ra các phán quyết về giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, ý kiến tư vấn của tòa án nhìn chung được cộng đồng quốc tế coi trọng, có thể làm rõ hơn nhiều vấn đề pháp lý quốc tế chưa rõ ràng, qua đó giúp thúc đẩy hành xử của các nước theo hướng phù hợp hơn với các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.