Vụ MV Sơn Tùng: Dấu hỏi lớn về trách nhiệm của nghệ sỹ với xã hội

Chia sẻ

Trước khi bị xóa, video ca nhạc (MV) mới của Sơn Tùng M-TP đạt khoảng 8 triệu lượt xem cùng hơn 600.000 lượt thích, nhanh chóng leo lên vị trí Top 1 Trending của YouTube. Sự việc cũng đã đặt ra dấu hỏi lớn về trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ đối với xã hội

Lo ngại tác động tiêu cực đến tâm lý giới trẻ

"There's No One At All" – MV mới của Sơn Tùng M-TP sau khi ra mắt đã gặp nhiều phản ứng  của dư luận và bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Tối 29/4, ca sỹ Sơn Tùng M-TP đã chính thức lên tiếng xin lỗi và tuyên bố sẽ chủ động ngừng phát hành video ca nhạc mới.

Tuy nhiên, điều đáng nói là MV này chỉ bị ngừng phát sóng ở Việt Nam và vẫn tồn tại trên nền tảng YouTube ở các quốc gia khác. Việc "There's No One At All" ra mắt đã làm dấy lên nhiều lo ngại về sự ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và lệch lạc lối sống của giới trẻ.

Trong MV mới, Sơn Tùng M-TP vào vai một kẻ lang thang, ương ngạnh, coi việc tấn công mọi người vô cớ là cách để khẳng định sự tồn tại của bản thân. Cuối cùng, nhân vật đã chọn tự sát bằng cách nhảy lầu.

Với nội dung mang tính tiêu cực như vậy, "There's No One At All" đang khiến dư luận dậy sóng. Công chúng bày tỏ lo lắng nội dung video có thể gây ảnh hưởng xấu đến khán giả trẻ, đặc biệt là khi nó lại được truyền đi từ một ca sỹ có lượng fan “khủng” như Sơn Tùng M-TP.

Bản thân đang là một người bị trầm cảm phải điều trị, chị H ở Hà Nội cho biết, video mới của Sơn Tùng M-TP không khiến chị cảm thấy  đồng cảm. Bởi, xuyên suốt video chỉ có hình ảnh của một thanh niên thích gây rối, đập phá, oán trách người khác, và “cái kết thì quá kinh khủng”. “Tôi không nghĩ những đứa trẻ bị tổn thương thì được quyền hành động như vậy. Cái kết của video như là hành động cổ vũ tự tử vậy”, chị H nói.

Snh Trung Hiếu (quận Đống Đa, Hà Nội) thì bày tỏ, anh có hai con đều đang học cấp 2, cấp 3 và đều là “fan” của ca sỹ Sơn Tùng. Anh Hiếu cho rằng cách xây dựng video của Sơn Tùng không phù hợp với  trẻ. Đặc biệt là gần đây, tình trạng trẻ tự tử do các vấn đề về tâm lý đang ở mức báo động. “Với việc nhận thức còn chưa đủ chín chắn của trẻ, cộng với tâm lý muốn được thể hiện mình. Nếu gia đình không giáo dục con một cách khéo léo, con sẽ có nguy cơ hành động theo nhân vật trong video”, anh Hiếu lo lắng.

Tiến sỹ Đàm Quang Minh, Tổng Giám đốc Khối phổ thông, Giám đốc Dự án Phát triển Giáo dục Phổ thông của Tổ chức Giáo dục EQuest đồng quan điểm. Ông cho rằng đây là một clip hoàn toàn không phù hợp cho giới trẻ. Đáng tiếc là môi trường mạng khiến cho các nội dung được phát tán rất nhanh, rất nhiều người đã xem clip này.

Sản phẩm hiện đã bị chặn khi truy cập tại Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)MV "There's No One At All" hiện đã bị chặn khi truy cập tại Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Cần kiểm soát chặt chẽ các tác phẩm văn hoá

Chia sẻ với phóng viên về sự việc, Phó giáo sư, tiến sỹ Tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc Sơn Tùng không gỡ MV khỏi YouTube mà chỉ ẩn tại Việt Nam đồng nghĩa với việc khán giả ở nước ngoài vẫn xem được. Thậm chí, chỉ bằng vài thủ thuật đơn giản, khán giả ở Việt Nam cũng không khó để xem được MV này. Ông Nam cho rằng đây là cách giải quyết mang tính đối phó với dư luận và cơ quan chức năng. Về lâu dài, ông cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải có những giải pháp tổng thể để Việt Nam có một môi trường văn hóa, môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Trong đó cần chú trọng các tiêu chí cụ thể như phải thay đổi cơ chế quản lý với các sản phẩm sáng tạo và yêu cầu những người tham gia sáng tạo nội dung trên nền tảng số phải tham gia lớp học bắt buộc, phải có “chứng chỉ hành nghề” để nắm được luật, quy tắc ứng xử và nâng cao nhận thức về những tác động, nguy cơ có thể gây ra cho cộng đồng.

Dưới góc độ luật pháp, thạc sỹ Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng kênh YouTube của ca sỹ Sơn Tùng M-TP đã vi phạm quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ: “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.”

Theo đó, kênh này sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng và phải thực hiện biện pháp khắc phục như: Buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.

Các cơ quan liên quan đã vào cuộc rất nhanh nhưng nhìn vào số view của MV, nhiều chuyên gia cho rằng đã có quá nhiều người, trong đó rất có thể có nhiều học sinh tiếp cận với MV này và tác hại mà MV gây ra cho tâm lý của các em là điều dễ nhận thấy. Do đó, cha mẹ cần giải thích cho con biết rằng nội dung này chỉ là hư cấu, không phải là trải nghiệm thực tế của nam ca sỹ. Bên cạnh đó các bậc phụ huynh cần giải thích với con em mình dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta cũng luôn có những cách giải quyết tích cực hơn. Việc giới thiệu những những tấm gương vượt lên hoàn cảnh cũng là cách truyền cảm hứng tích cực cho con trẻ.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.