Xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo nhận rõ hành vi sai phạm

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 12/7, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi nhóm bị cáo liên quan đến hành vi “Đưa hối lộ”. Các bị cáo đều nhận thức rõ hành vi vi phạm và tỏ ra rất ăn năn, hối hận.

Theo cáo trạng, 23 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng, còn 23 bị cáo khác là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226,7 tỉ đồng.

Tại phiên toà chiều 12/7, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) khai rõ Bộ Ngoại giao phân công cho Cục Lãnh sự để nắm bắt tình hình đưa công dân về nước, thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch theo tháng (chuyến bay combo)…

Về quy trình tiếp nhận hồ sơ cấp phép chuyến bay, theo ông Dũng, Bộ Ngoại giao đã phân công cho Cục Lãnh sự để giải quyết, tiếp nhận hồ sơ của doanh nghệp, xem xét năng lực, khả năng, nắm bắt tình hình, nhu cầu trong nước cũng như ở nước ngoài để xây dựng kế hoạch, trình cho bị cáo xem xét về mặt chủ trương và phối hợp với 5 Bộ để triển khai.

Xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo nhận rõ hành vi sai phạm - ảnh 1
Các bị cáo tại toà

Trong quá trình thực hiện công việc, ông Tô Anh Dũng thừa nhận “có tiếp xúc với 1 số doanh nghiệp nhưng bị cáo không chủ động, chủ yếu là doanh nghiệp có liên hệ”.

Nói theo trí nhớ của mình, ông Dũng cho rằng sau khi doanh nghiệp được tham gia và khi tổ chức xong chuyến bay, họ có liên hệ và cảm ơn. Cụ thể, bị cáo gặp đại diện của Công ty An Bình và nhận 8,5 tỉ đồng, nhận của phía công ty Blue Sky 5 tỉ đồng, nhận của bà Mai Xa khoảng 30.000 USD, của Công ty Nhật Minh 40.000 USD, nhận của Công ty Sao Hà Nội khoảng 25.000 USD… Một số công ty, ông Dũng nói không nhớ cụ thể.

“Bị cáo xin thành khẩn nhận lỗi. Trong thời gian triển khai, bị cáo không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật, bị cáo không lợi dụng, bàn bạc với ai mà chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không đòi hỏi ở họ. Đến khi các doanh nghiệp tổ chức xong, họ tới báo cáo kết quả, bị cáo nghe để rút kinh nghiệm và có nhận quà cảm ơn nhưng không mở ra xem. Sau này nhận thức ra bị cáo rất ăn năn hối lỗi”, ông Dũng nói trước tòa.

Cũng tại phiên tòa, cựu Thứ trưởng cho biết đến nay, bị cáo và gia đình đã nộp lại khoảng 16 – 17 tỉ đồng; ngoài ra, thông qua luật sư, bị cáo cũng tác động và mong gia đình cố gắng khắc phục hết hậu quả.  

Tại phiên toà, bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian thực hiện các chuyến bay, một số đại diện các doanh nghiệp đã liên hệ, điện thoại cho bị cáo để xin cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Trong đó, 15 doanh nghiệp đã liên hệ và “cảm ơn” bị cáo với số tiền hơn 12 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp An Bình “cảm ơn” 2,6 tỷ đồng; doanh nghiệp Bluesky là 2,6 tỷ đồng; công ty Sao Hà Nội là 25.000 USD; công ty công đoàn Đường sắt tổng số tiền 10.000 USD…

Những số tiền này, bị cáo nhận thức đó là việc các doanh nghiệp tổ chức xong, thực hiện tốt, thời gian sau họ gửi cảm ơn, đã nhiều lần từ chối nhưng sau đó họ gửi cảm ơn, 1 phần có ý nghĩa hỗ trợ tạo điều kiện cho việc cấp phép các chuyến bay sau.

Tại Toà, bị cáo Tùng cho biết, đã nhận thức rõ hành vi nhận tiền là không đúng pháp luật, đồng thời vô cùng ân hận. Gia đình bị cáo đã nộp 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả. “Trong quá trình làm việc, bị cáo không kiểm soát bản thân dẫn đến vi phạm pháp luật. Nay bị cáo đã nhận ra được lỗi lầm, mong HĐXX xem xét để bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật” - bị cáo cho biết.

Đối với bị cáo Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh Văn phòng, tập sự Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, có 13 cá nhân đại, diện doanh nghiệp đã tìm đã tiếp cận, đặt vấn đề để bị cáo Lê Tuấn Anh để được duyệt cấp phép các chuyến bay. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Công ty G19 và TSN) đưa 400 triệu đồng qua bị cáo Đỗ Hoàng Tùng; bị cáo Trần Tiến đưa 50 triệu đồng; nhận của bị cáo Tào Đức Hiệp 1.000 USD, nhận của bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình) 2 lần với tổng số tiền 60 triệu đồng… Theo cáo trạng, bị cáo Tuấn Anh đã nhận hối lộ 19 lần của 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp, tổng số 1.782.331.500 đồng.

“Tại thời điểm đó, bị cáo không nhận ra hành vi sai trái, bởi sau khi thực hiện chuyến bay thành công khoảng 1-2 tháng, các doanh nghiệp mới liên hệ để cảm ơn. Lúc đầu bị cáo cũng từ chối không nhận, nhưng sau khi biết các doanh nghiệp cũng liên hệ và cảm ơn bị cáo khác nên bị cáo mới nhận. Ngay khi bị bắt, bị cáo đã thấy hành vi đó là sai và đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” – bị cáo Tuấn Anh khai.

Bị cáo Tuấn Anh đã nộp 320 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Lưu Tuấn Dũng, nguyên Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự khai, từ tháng 4/2021 đến tháng 01/2022, có 9 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề và đưa hối lộ 14 lần cho bị cáo để giải quyết cấp phép các chuyến bay, tổng số trên 527 triệu đồng. Bị cáo cho biết, do nghĩ là các doanh nghiệp cảm ơn và tạo mối quan hệ nên đã nhận.

Đối với bị cáo Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, theo cáo buộc, tháng 10/2020, khi được bổ nhiệm Tổng Lãnh sự tại Osaka, Nhật Bản, trong quá trình tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước, đầu tháng 3/2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Travelsky đã bàn bạc với bị cáo về việc tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Osaka, Nhật Bản về nước theo thỏa thuận. Bị cáo Hà đã ký công văn gửi Cục lãnh sự Bộ Ngoạỉ giao xin tổ chức chuyến bay và 2 lần nhận tiền của Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Theo bị cáo Hà, do Nguyễn Thị Thanh Hằng nói đó là “quà công ty làm ăn được” nên bị cáo đã gửi số tài khoản cho bị cáo Hằng gửi hơn 1,4 tỷ đồng. Chuyến bay thứ hai thành công, bị cáo Thanh Hằng gọi bị cáo Hà ra quán cà phê Hà Nội Club, số 76 đường Yên Phụ, Hà Nội để “đưa quà”. “Sau khi vụ án được khởi tố, bị cáo đã chuyển khoản trả lại hơn 1,49 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Thanh Hằng và nộp 600 triệu đồng cho cơ quan điều tra” - bị cáo cho biết, đồng thời mong Hội đồng xét xử xem xét vì đã bồi hoàn toàn bộ số tiền hối lộ. “VKS truy tố bị cáo là không sai” - bị cáo Hà cho biết.

Bị cáo Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khai, trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức 57 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước. Do số lượng công dân Việt Nam tại Nhật Bản có nhu cầu về nước rất lớn, nên bị cáo Vũ Hồng Nam đã gửi nhiều công điện, điện mật về nước đề nghị Chính phủ tăng cường các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

“Lúc đó có nhiều doanh nghiệp gọi điện xin nhưng bị cáo chỉ nhận lời với ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công tỵ Nhật Minh bán vé máy bay và đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước cách ly tại khách sạn của Nghĩa tại Khánh Hòa. Bị cáo thấy khách sạn đó có đủ kiều kiện thực hiện cách ly nên đồng ý” – ông Nam nói.

Theo cáo trạng, từ tháng 11/2020 đến cuối tháng 9/2021, Vũ Hồng Nam đã xin phê duyệt được 06 chuyến bay combo, đưa khoảng 1.490 công dân từ Nhật Bản về nước, giao cho Công ty Nhật Minh của Lê Văn Nghĩa tô chức thực hiện (05 chuyên do Đại sứ quán cung cấp danh sách, 01 chuyến do Công ty Nhật Minh tự bán vé). Như vậy, trong quá trình tồ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021, Vũ Hồng Nam đã nhận hối lộ 02 lần, tồng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng của Lê Văn Nghĩa. Trong quá trình điều tra, Vũ Hồng Nam đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ của Lê Văn Nghĩa để khắc phục hậu quả.

“Anh Nghĩa đưa 2 lần với danh nghĩa quà biếu, nhưng sau đó, bị cáo nhận ra là tiền nên đã gửi trả nhưng lại không kiên quyết. Đó là sai lầm và bị cáo đã phải trả giá cho hành vi của mình. Bị cáo đã rất ân hận và biết mình sai, đồng thời nộp hết số tiền đã nhận cho cơ quan điều tra” - bị cáo cho biết, đồng thời cho rằng, mục đích thực hiện các chuyến bay cho công dân là hoàn toàn không vụ lợi.

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 168, hành vi tham gia giao thông chuyển biến tích cực, rõ rệt

Hơn 1 tháng thực hiện Nghị định 168, hành vi tham gia giao thông chuyển biến tích cực, rõ rệt

(PNTĐ) - Tại họp báo Chính phủ chiều 5/2, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ý thức và hành vi tham gia giao thông của người dân, những lái xe dịch vụ, lái xe tải, xe khách… đều chuyển biến tích cực và rõ rệt.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh: Người nghỉ việc khi thực hiện sắp xếp có số tiền hưởng khác nhau

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh: Người nghỉ việc khi thực hiện sắp xếp có số tiền hưởng khác nhau

(PNTĐ) - Chiều 5/2, tại họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 2/2025, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc rà soát, đánh giá công chức, viên chức, người lao động sau khi tinh gọn bộ máy, nguồn kinh phí giải quyết các trường hợp nghỉ chế độ nghỉ khi thực hiện sắp xếp.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 8%, mỗi người phải làm việc gấp 2

Để đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 8%, mỗi người phải làm việc gấp 2

(PNTĐ) - Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, mục tiêu tăng trưởng hơn 8% rõ ràng liều lượng, giải pháp trong Nghị quyết 01 thì tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện ở mức cao hơn, thậm chí gấp đôi, hiểu một cách đơn giản là mỗi người phải làm việc gấp 2 mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

(PNTĐ) - Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/1, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định mức tăng trưởng 8%, hướng tới 10% của năm  2025 được Chính phủ căn cứ vào các điều kiện thực tiễn để đặt ra  hết sức tính cực và để đạt được cần sự nỗ lực, cố gắng đồng bộ quyết liệt của tổng thể nền kinh tế.