Xử lý nghiêm hành vi tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Chia sẻ

Trong khi cả nước đang gồng mình phòng chống dịch Covid-19 thì trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận đã phát hiện nhiều trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, thuê nhà cư trú, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Liên tiếp phát hiện người Việt tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Ngày 5/5, Công an tỉnh Phú Yên vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thu Trang (35 tuổi, nhân viên bến xe Thượng Lý, TP Hải Phòng) và Nguyễn Anh Tuấn (35 tuổi, trú tại tỉnh Phú Yên) về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Theo cơ quan điều tra, từ vụ 9 người Trung Quốc đi xe khách từ bến xe Thượng Lý (TP Hải Phòng) vào các tỉnh miền Nam bị phát hiện tại Phú Yên, cơ quan chức năng đã điều tra và phát hiện Trang là một mắt xích trong đường dây tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tại cơ quan điều tra, Trang khai nhận đã cùng một số người khác tổ chức đưa 25 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Ngày 3/5, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Thanh Xuân đã bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Thị Phương Thảo (SN 1999, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ), Đinh Thị Huệ (SN 1999, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) và Ou Guo Pei (quốc tịch Trung Quốc) để điều tra về hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”.

Cùng ngày, công an quận Nam Từ Liêm đã tiến hành rà soát, phát hiện 46 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, thuê nhà tại một chung cư trên phố Trần Hữu Dực. Trong khi đó, tại quận Cầu Giấy, trong quá trình rà soát, các lực lượng chức năng quận và phường Trung Hòa đã điều tra, phát hiện 4 trường hợp nhập cảnh trái phép lưu trú tại phường Trung Hòa...

Tại Vĩnh Phúc, ngày 3/5, cũng phát hiện 39 người Trung Quốc nghi nhập cảnh trái phép sau đó đến cư trú tại TP Vĩnh Yên.

Theo báo cáo của công an 39 tỉnh, thành phố, ngày 5/5, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có 199 vụ với tổng số 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Lực lượng công an đã khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng.

Nhóm người Trung Quốc bị bắt giữ về hành vi nhập cảnh và cư trú trái phép trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP Hà NộiNhóm người Trung Quốc bị bắt giữ về hành vi nhập cảnh và cư trú trái phép trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP Hà Nội

Cần tăng mức xử lý hình sự để răn đe

Mới đây, Bộ Công an đã ra công lệnh tổng rà soát, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc để phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng cũng tăng cường kiểm tra khu vực biên giới, lực lượng công an truy vết, khởi tố người nhập cảnh trái phép, người môi giới… Người nhập cảnh trái phép không bị Covid-19 sẽ đưa trở lại nơi xuất phát. Những nhà nghỉ không thực hiện đúng quy chế có thể bị rút giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, Điều 5 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định: Những hành vi vi phạm quy định về nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự kèm theo hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi Việt Nam.

Với hành vi nhập cảnh, cư trú trái phép sẽ bị xử phạt hành chính đối với người vi phạm. Còn đối với người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy trong số những người này đã có người từng bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh phải ở lại Việt Nam trái phép thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể lên đến 3 năm tù...” – luật sư Cường cho biết.

Tuy nhiên, Ths. Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an khẳng định, cần tính toán xử lý hình sự đối với các đối tượng nhập cảnh trái phép mới đảm bảo tính răn đe. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang gặp “vướng” về khung pháp lý xử lý vi phạm đối với nhóm người nhập cảnh trái phép. Cụ thể, biện pháp trục xuất nhóm đối tượng này về nước thường không thực hiện được ngay do vướng quy chế hợp tác biên phòng 2 nước. Trung Quốc chỉ tiếp nhận công dân khi trao trả công khai, trong khi đó, việc xác minh nhân thân các đối tượng nhập cảnh trái phép rất mất thời gian.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam chỉ có thể xử lý hình sự theo Điều 347 BLHS nếu trong thời hạn 12 tháng, đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về đúng hành vi xuất cảnh hoặc nhập cảnh, hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Nếu trước đó đối tượng bị xử phạt hành chính về hành vi xuất cảnh trái phép, lần này bị bắt về hành vi nhập cảnh trái phép, thì cũng không xử lý hình sự được. Nếu chỉ xử lý hành chính rồi trục xuất về nước thì không đủ sức răn đe. Vì thế chúng ta cần phải siết chặt quản lý, tăng mức hình phạt để ngăn ngừa tội phạm – Ths Hiếu nói.

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.