Xử nghiêm người trốn cách ly y tế
Tình trạng F0 bỏ trốn để không phải đi cách ly, người thuộc diện phải cách ly y tế tập trung nhưng lại nhờ người khác đi thay, không phải là bệnh nhân nhưng vẫn thuê xe cứu thương để trốn khai báo y tế tại chốt kiểm dịch, rủ nhau bỏ trốn khỏi vùng dịch khi biết địa bàn phải cách ly xã hội... đã và đang xảy ra tại các vùng dịch.
Đây là thực trạng đáng báo động khẩn, bởi việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế, khai báo y tế đối với các trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc với người nhiễm có ý nghĩa quyết định sự thành bại trong công tác phòng chống, khoanh vùng, dập dịch Covid-19 đang không ngừng gia tăng.
Ảnh minh họa
Chỉ tính riêng trong ngày 26/6, lực lượng chức năng tại các địa phương đã liên tục phát hiện các vụ việc vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch. Điều đáng nói là các hành vi này có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu như không được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời.
Cụ thể, trường hợp bà Đ.T.S sống tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đã trốn khỏi nhà sau khi biết tin mình trở thành F0. Bà S là F2 của hàng xóm F1 đã được đưa đi cách ly tập trung. Bà S được lấy mẫu xét nghiệm và có lệnh cách ly tại nhà. Tối ngày 26/6, bà S có kết quả xét nghiệm dương tính. Khi lực lượng chức năng đến đưa đi cách ly thì bà này đã bỏ trốn. Hành vi bỏ trốn khi đã thành F0 của bà S rất nguy hiểm, làm tăng sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Bởi ngay ở tỉnh Phú Yên, trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 26/6, tỉnh này đã ghi nhận 38 ca nhiễm trong cộng đồng. Tình trạng diễn biến phức tạp khiến tỉnh Phú Yên phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ từ 0h ngày 27/6/2021.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau khi Chủ tịch tỉnh ban hành lệnh cách ly xã hội nơi ghi nhận 12 ca nhiễm thì có 50 người tại phường Phổ Thạnh (phường được áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16) đã đi theo đường biển ra khỏi địa bàn để trốn cách ly. Rất may, lực lượng chức năng tại chốt chặn đã phát hiện kịp thời. Cũng trong ngày 26/6, lực lượng CSGT thuộc đội 2 của Cục CSGT làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch trước trạm thu phí đầu cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã phát hiện 1 xe ôtô cứu thương mang BKS-34A 389.86, đi từ hướng Hải Phòng sang Quảng Ninh qua chốt kiểm dịch không dừng để khai báo y tế. Tổ công tác đã yêu cầu dừng xe kiểm tra và phát hiện ngoài lái xe, khoang sau của xe cứu thương còn chở 5 người không phải là bệnh nhân. Để trót lọt đi từ Hải Dương về Quảng Ninh mà không phải khai báo y tế, tránh cách ly do đi từ vùng dịch về, nhóm người này đã đi thuê xe cứu thương chở qua chốt.
Tại tỉnh Quảng Trị, ngày 23/6, anh Hồ Văn T. (trú tại huyện Hướng Hóa) đi từ vùng dịch Bình Dương về. Sau khi đến xã khai báo y tế, anh T được thông báo phải đi cách ly tập trung theo quy định. Anh T đã không chấp hành và bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Trước đó, ngày 4/6, một trường hợp nhờ người đi cách ly thay đã được phát hiện tại khu cách ly tập trung Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, ông Đặng Ngọc Dũng (51 tuổi, trú tại TP Đà Lạt) có lịch sử dịch tễ liên quan đến vùng có dịch Bắc Ninh. Theo quy định, ông Dũng sẽ phải đi cách ly tập trung khi về Đà Lạt (Lâm Đồng). Thế nhưng, ông Dũng đã nhờ ông Trần Đức Duy (39 tuổi, trú tại TP Đà Lạt) đi cách ly thay mình. Sau khi phát hiện ra vụ tráo người đi cách ly, UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã xử phạt ông Dũng và ông Duy 15 triệu đồng (mỗi người 7,5 triệu đồng).
Mặc dù các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức cho người dân về các quy định phòng, chống dịch; đặc biệt là quy định về khai báo y tế và thực hiện nghiêm việc cách ly nếu liên quan đến yếu tố dịch tễ của các vùng dịch. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra, thậm chí ở mức độ tinh vi hơn. Điều này rất nguy hiểm, bởi chỉ cần một người trốn tránh cách ly, không trung thực khi khai báo y tế, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Thực tế cũng cho thấy, trong những đợt dịch bùng phát trước đây, chỉ vì một số cá nhân thiếu ý thức đã khiến cả xã hội phải gánh chịu, mọi nỗ lực của lực lượng tuyến đầu cũng như các cơ quan chức năng trong phút chốc đổ sông, đổ biển.
Hơn hai tháng qua, cả nước đã chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 với mức độ phức tạp, khó lường hơn những lần trước. Số ca nhiễm lây lan nhanh tới các tỉnh/thành và không ngừng gia tăng theo từng ngày, có tỉnh thành số ca nhiễm lên tới hàng ngàn ca như: Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh… Tình trạng lây lan ra các tỉnh thành khác vẫn còn chưa dừng lại. Cùng với đó, chúng ta đang đối diện với nguy cơ thiếu giường bệnh, thiếu đội ngũ y tế chăm sóc khi số ca nhiễm liên tục gia tăng mỗi ngày. Sự quá tải đó rất đáng báo động trong bối cảnh nước ta không có tiềm lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch.
Vì vậy, bên cạnh việc Chính phủ đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vắc-xin và thực hiện các chiến dịch tiêm chủng diện rộng, thì ý thức chấp hành các quy định phòng chống dịch của người dân vẫn là yếu tố hàng đầu. Không thể vì thiếu hiểu biết, lo sợ ảnh hưởng đến kinh tế khi phải đi cách ly mà trốn tránh, khai báo gian dối, làm dịch bệnh lây lan. Những hành vi này sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.
HẠ THI