Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân:

Báo chí trong tương lai phải gợi ý được những giải pháp cho xã hội

KHÁNH HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chuyển đổi số chính là cơ hội và thách thức với các đơn vị báo chí, đòi hỏi nhiều sự thay đổi và nỗ lực của mỗi tòa soạn cũng như mỗi cán bộ, phóng viên. Nhân dịp 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân.

Thưa ông, ông nhận định thế nào về những khó khăn, thách thức của báo chí Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Hội Nhà báo đã chỉ ra một trong những khó khăn của báo chí hiện nay chính là sự bùng nổ của mạng xã hội với những thông tin trái chiều; vấn đề đạo đức báo chí; câu chuyện bản quyền báo chí; hay việc hiểu và có giải pháp “chuyển đổi số” đúng hướng.

Chuyển đổi số là chiến lược chung của toàn quốc. Trong hoạt động báo chí, chuyển đổi số cũng là đòi hỏi tất cả các cơ quan báo chí đang hướng tới. Tuy nhiên, không phải cơ quan báo chí nào cũng đã có một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, cụ thể. Chúng ta hiện nay đang nhầm lẫn giữa số hóa và chuyển đổi số. Hầu hết các tòa soạn mới dừng ở việc đưa nội dung mang tính truyền thống lên môi trường số, nhưng đó chưa phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số nghĩa là phải thay đổi toàn bộ hoạt động, từ sản xuất thông tin cho đến vận hành bộ máy, kể cả hoạt động kinh doanh… Tất cả đều diễn ra trên môi trường số, sử dụng những công nghệ hiện đại, cả về phần cứng và phần mềm. Điều quan trọng hơn nữa, đó là chuyển đổi số phải là sự chuyển đổi về mặt tư duy của từ người lãnh đạo cho đến từng cán bộ phòng, ban cũng như từng nhân viên. Thông suốt được điều này thì chúng ta mới có thể chuyển đổi số thành công.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với báo chí thời gian tới là khả năng thu hút sự quan tâm của độc giả. Độc giả bây giờ có quá nhiều kênh thông tin để họ quan tâm và khiến họ xao lãng khỏi báo chí. Đấy là sự phát triển mang tính tất yếu của thời kỳ mới. Nhưng nếu chúng ta không thu hút được độc giả thì những thông điệp với nội dung tin, bài của chúng ta muốn tuyên truyền từ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ những chính sách phù hợp của Chính phủ, của địa phương sẽ không đến được với bạn đọc. Nên làm thế nào để thu hút sự quan tâm, chú ý của độc giả, khán thính giả sẽ là thách thức vô cùng lớn trong tương lai. Muốn như vậy, báo chí cần phải thay đổi, không thể tác nghiệp theo hình thức truyền thống kinh điển đã áp dụng trong hàng chục, hàng trăm năm qua. Thậm chí, những điều mà chúng ta đang làm 5 năm qua thì bây giờ cũng đã dần trở nên lạc hậu. Trong tương lai sắp tới, thách thức này càng lớn khi mà xã hội chuyển sang xã hội số và thậm chí chúng ta đang nói đến một thể gọi là thế giới ảo thì còn khó khăn hơn rất nhiều. 

Báo chí trong tương lai phải gợi ý được những giải pháp cho xã hội - ảnh 1
Nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - Tổng Biên tập báo Nhân Dân Ảnh: TTXVN

Trước những thách thức nói trên, ông cho rằng các tòa soạn và mỗi phóng viên, nhà báo cần có giải pháp nào để thích ứng phát triển?

Thực tế là chúng ta không thể bác bỏ sự đi lên cũng như tiến trình tất yếu của chuyển đổi số. Quá trình ấy sẽ dẫn đến những điều mà chúng ta bây giờ chưa lường tới được, nên mỗi cơ quan báo chí cần phải nghiên cứu, tìm hiểu, xem thế giới họ đánh giá, thực hiện như thế nào mà học tập theo. Nhưng đương nhiên, với vấn đề mang tính chất văn hóa riêng biệt thì chúng ta phải tính đến, để khi xây dựng hệ thống phù hợp với cả xu thế chung và bản sắc văn hóa của Việt Nam. 

Thông tin là vấn đề quan trọng với sự phát triển của báo chí. Nhưng trong bối cảnh bùng nổ thông tin, báo chí không thể, không nên chạy đua với mạng xã hội. Do mỗi cơ quan báo chí chỉ có nhân lực giới hạn nhưng người sử dụng mạng xã hội là vô hạn và ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách. Báo chí có thế mạnh là khả năng kiểm chứng, kiểm định thông tin đa chiều, khả năng tạo ra những nội dung mang tính chuyên nghiệp. Tương lai sắp tới, thay vì chạy đua với mạng xã hội tạo ra những nội dung hời hợt, không kiểm chứng, thậm chí là không có ích cho xã hội thì báo chí nên đầu tư vào nội dung chuyên sâu để phát huy năng lực, sở trường của các nhà báo chuyên nghiệp. Thay vì vội vã chụp những bức ảnh mang tính thời sự nhưng chất lượng không cao thì nhà báo nên có những bức tranh, bức hình, những đoạn video, những bài viết mà người bình thường thì không có khả năng tiếp cận thông tin hay không có khả năng để viết ra. 

Báo chí trong tương lai cần phải đi theo hướng không chỉ phản ánh sự việc, phản ánh những gì xảy ra mà thậm chí phải gợi ý được những giải pháp cho xã hội. Cho nên, bây giờ xu hướng báo chí giải pháp trên thế giới đang nổi lên rất mạnh mẽ. Báo chí cũng nên đi theo hướng báo chí xây dựng: Tuy phản ánh, phản biện, hoặc nêu những vấn đề bất cập nhưng với tinh thần xây dựng xã hội. Đấy mới là điều người dùng sẽ cần ở báo chí.

Đạo đức báo chí là vấn đề quan trọng được quan tâm hiện nay. Ông đánh giá thế nào về vấn đề đạo đức báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số? 

Trong quá trình chuyển đổi số tất yếu sẽ liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo hay là máy móc để viết tin bài. Khi mà máy móc viết tin bài, nếu mắc sai lầm thì liệu lúc đấy vi phạm đạo đức nhà báo ai sẽ chịu trách nhiệm? Hay khi chúng ta sử dụng những hệ thống trả lời tự động, hệ thống động thu thập thông tin mà có thể không tin đúng, có thể có thông tin sai thì ai chịu trách nhiệm? Lúc này, câu chuyện đạo đức báo chí nó không chỉ từng nhà báo mà nó ở cả hệ thống máy móc nữa và rất khó để phân định trách nhiệm của của nhà báo, của tòa soạn. Đây cũng là câu chuyện đang gây tranh cãi và nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo chí thế giới.

Cũng liên quan tới đạo đức báo chí, từ lâu, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những quy định cụ thể nhưng thực tế vi phạm trong vấn đề này vẫn xảy ra. Có một số người thì cho rằng nguyên nhân là do các cơ quan báo chí gặp những khó khăn về mặt kinh tế báo chí. Nhưng không thể vì bất kỳ lý do nào mà báo chí với sứ mệnh phụng sự người dân, phụng sự độc giả, khán thính giả, lại có thể viện cớ để gây khó dễ và thậm chí liên quan đến những vấn đề về pháp lý. Có những phóng viên, nhà báo thậm chí đã bị pháp luật xử lý. 

Tôi nghĩ đội ngũ sáng tạo là yếu tố rất là then chốt cho sự phát triển, không chỉ trong lĩnh vực báo chí mà tất cả mọi lĩnh. Và muốn phát triển được thì đoàn kết cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong mọi đơn vị, dù quy mô nhỏ hay lớn, nếu không đoàn kết sẽ dẫn đến nhiều đổ vỡ và không thể hoạt động một cách hiệu quả. Đương nhiên hoạt động phải có kỷ cương, nhất là trong lĩnh vực báo chí. Sứ mệnh cao cả nhất của báo chí là phụng sự độc giả, trên hết là phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Muốn như vậy phải thực hiện kỷ cương nghiêm túc, phải đảm bảo đạo đức báo chí của mỗi nhà báo, của cơ quan báo chí. 

 Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Trung tâm Báo chí Thủ đô phải thực sự là trung tâm “mở” - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối

Trung tâm Báo chí Thủ đô phải thực sự là trung tâm “mở” - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối

(PNTĐ) - Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị Trung tâm Báo chí Thủ đô phải thực sự là trung tâm “mở” - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối, thông tin được chia sẻ minh bạch - chính xác - kịp thời. Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương xác định truyền thông là một phần trong công cụ quản trị, không né tránh truyền thông mà chủ động hợp tác, cung cấp thông tin, đối thoại và xử lý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”

Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”

(PNTĐ) - Cách đây 80 năm, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết. “Giặc dốt” trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm, cùng với “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Người từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

(PNTĐ) - Thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với 126 xã, phường. Hầu hết người dân cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.