Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội: Đề xuất các giải pháp về lưu thông tiền tệ và gỡ khó cho bất động sản

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 7/12, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội, các đại biểu HĐND Thành phố (TP) đã thảo luận tại tổ về các nội dung liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội: Đề xuất các giải pháp về lưu thông tiền tệ và gỡ khó cho bất động sản - ảnh 1
Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ 

 

Thảo luận đề xuất nhiều vấn đề "nóng" về giao thông, tiền tệ và bất động sản

Thảo luận tại tổ 5, Giám đốc Sở GT&VT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, chúng ta cần phải có kịch bản để ứng phó với các vấn đề đổ vỡ trái phiếu và bất động sản; cần đặt ra kịch bản so với tình hình dị biệt kinh tế hiện nay. Những tháng cuối năm, thị trường lao động, thu ngân sách chững lại; một loạt doanh nghiệp FDI, dệt may, da giày chưa ký được hợp đồng, phải cho công nhân nghỉ việc. Chúng ta phải lường thêm, tính toán thêm về vấn đề này.

Về lĩnh vực giao thông, cuối năm cũng rất cần được quan tâm. Thành phố hiện có 10 triệu dân, với 7,7 triệu phương tiện ô tô xe máy, trong đó ô tô 1 triệu phương tiện. Mỗi năm số phương tiện tăng 350.000 xe, tăng 4-5% trong khi đó chỉ tiêu đất giao thông đô thị mỗi năm chỉ tăng 0,28%, nay mới đạt 10,07%. Đây là biểu hiện sinh động lý giải vì sao tắc đường. Hiện, cầu Thanh Trì lưu lượng xe tăng gấp 8 lần so với thực tế, cầu Vĩnh Tuy tăng 6 lần, đường Vành đai 3 với thiết kế cao tốc...

Đề cập tới vấn đề lưu thông tiền tệ, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu quận Hoàng Mai), nhà nước, chính quyền cần có chính sách tháo gỡ lưu thông bởi tiền tệ giống như mạch máu, phải thông suốt và bất động sản khó khăn đang cần có giải pháp tháo gỡ.  Đối với chính sách về phát triển nông nghiệp, đề nghị HĐND thành phố có giám sát trong năm 2023, các chính sách ưu đãi với người nông dân làm trang trại. Về di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, Chính phủ đã có nghị quyết về việc di dời, nhưng cơ chế tài chính cho việc di dời thế nào, và thời hạn di dời chưa quy định rõ. Do đó, Thành phố cần rà soát lại, có quy định rõ về thời gian. Về cấp nước sạch ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nhà đầu tư đầu tư sẽ bị lỗ, khó thu hồi vốn, trong khi người dân vẫn có thói quen dùng nước giếng, chưa mặn mà với nước sạch bởi sử dụng phải mua. Do đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và trợ giá cho người dân ở khu vực đó. Nếu không có cơ chế, chính sách, nhà đầu tư sẽ không mặn mà với các khu vùng sâu vùng xa; dẫn đến khó đạt được chỉ tiêu về nước sạch.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng đề nghị thành phố tháo gỡ về việc thiếu trường công lập ở khu đô thị như ở khu vực quận Hoàng Mai, về quy hoạch có vấn đề, một số dự án triển khai nhưng đang “tắc” thủ tục, chưa xây được trường.

Tiếp tục đề xuất gỡ khó cho đầu tư công và dự án chậm triển khai

Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho hay, một trong các hoạt động quan trọng là đầu tư. Tuy nhiên, nhiều công trình trọng điểm không đạt tiến độ đề ra, ít công trình đi vào sử dụng cho thấy sự dàn trải, kém hiệu quả. Những điểm nghẽn rất lớn của đầu tư công vẫn chưa giải quyết được. Là vấn đề khó, Hà Nội phải là địa phương đi đầu cùng Chính phủ tháo gỡ. Có tiền đầu tư đã khó mà không sử dụng được là vấn đề.

Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm cũng nêu về những điểm nghẽn trong giao đất, đấu giá, đấu thầu. Trong đó, có những dự án mặt bằng đất sạch nhiều năm nhưng chưa được giao đất...

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Quí Tiên thừa nhận, qua các ý kiến, cho thấy cơ chế, thể chế còn chậm. Qua giám sát của HĐND Thành phố, có 404 dự án chậm triển khai, và qua rà soát của các quận, huyện, có thêm 173 dự án chậm triển khai phát sinh. Trong khi, các dự án này thu hồi cũng khó, triển khai cũng khó, ở đây là do thể chế; và xử lý như thế nào thì chưa có lời giải.

Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn – Tổ trưởng Tổ 5, đối với một số tồn tại hạn chế lịch sử để lại, nếu không có căn cơ, xây dựng phương án tổng thể, chi tiết cụ thể thì chúng ta không giải quyết được. Trong đó, đối với các dự án chậm triển khai, nếu không xây dựng chi tiết từng dự án, cơ chế báo cáo Thủ tướng, Thành phố thì sẽ không giải quyết được.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.