Các địa phương ở Hà Nội chủ động ứng phó với cơn bão số 3

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (bão YAGI) được dự báo có cường độ mạnh, nguy hiểm, ngày 5/9/2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký Điện của Thường trực Thành ủy gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội. Tại các địa phương, công tác ứng phó với cơn bão số 3 cũng đang được triển khai rất tích cực.

Chủ động ứng phó với bão số 3

Điện của Thường trực Thành ủy nêu rõ: Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão YAGI trên Biển Đông hiện đang di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, có khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hà Nội. 

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của Thành phố khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tăng cường công tác thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3. Tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là. Qua đó, đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.

Chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Các cơ quan, đơn vị chủ động phương án sẵn sàng hiệp đồng với lực lượng quân đội, công an để làm tốt công tác phòng, chống bão, lũ.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Ban cán sự đảng UBND thành phố, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố chủ động nắm sát tình hình bão để tập trung kịp thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão và tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Chủ tịch UBND thành phố. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, phải huy động tối đa đảm bảo có điện cao nhất và khắc phục sự cố nhanh nhất, duy trì cung ứng điện khi có mưa, lũ xảy ra; đặc biệt đảm bảo điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ. Theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng khai thác và ngăn nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang; đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân. Chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu để đón trước các khu vực trọng điểm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất...

Các địa phương ở Hà Nội chủ động ứng phó với cơn bão số 3 - ảnh 1
Lực lượng chức năng quận Ba Đình chú trọng giải tỏa cây đổ do mưa to, gió lớn. Ảnh: Mai Hữu

Đối với các Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh Hà Nội, Chiếu sáng và thiết bị đô thị cần phải ứng trực 100% nhân lực, thiết bị theo phương án phòng chống thiên tai, xử lý úng ngập nội đô, khu vực nông nghiệp, hỗ trợ xử lý úng ngập các quận, huyện giáp ranh. Lưu ý kiểm tra tất cả các trạm bơm do Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; hạ mực nước các hồ chứa về mức tối thiểu nhất. Kịch bản nếu trường hợp bị ngập úng sâu thì phải ưu tiên chống ngập cho các trạm bơm trước (bảo đảm 100% trạm bơm phải có điện). Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn công trình xây dựng đang thi công và nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, bệnh viện, nhất là những nơi ven sông và các vị trí xung yếu khác. Có biện pháp hiệu quả để phòng chống úng ngập khu đô thị; chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa các cây có nguy cơ gẫy, đổ, ứng phó mưa to, gió lớn.

Xây dựng phương án kịp thời và kiên quyết sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, các hộ dân đang cư trú ở những khu nhà chung cư xuống cấp, chung cư cao tầng, nhà ở nguy hiểm, nhà riêng lẻ có nguy cơ sụp đổ để di chuyển đến trụ sở UBND phường, xã, trường học, nơi kiên cố, an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Đối với các công trường xây dựng, phải có biện pháp chống rơi vật liệu từ trên cao; cần trục tháp phải hạ cần và cố định cần trục.

Triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ. Theo dõi số lượng khách du lịch, thông tin đến các doanh nghiệp du lịch về tình hình bão để chủ động ứng phó.

 

Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo, điều phối các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố. Tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với tinh thần ở mức cao nhất. Có thể hoãn các cuộc họp, hội nghị, sự kiện không cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão. Đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão thì người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.

Thường trực Thành ủy, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy chủ động bố trí thời gian trực tiếp xuống các đơn vị được phân công phụ trách, cùng bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão trên địa bàn.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị phân công lãnh đạo và các lực lượng chức năng ứng trực nghiêm túc 24/24h, kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền về thành phố (qua Văn phòng UBND thành phố). Về chế độ báo cáo: yêu cầu Thủ trưởng các tổ chức đảng, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị định kỳ trước 16h hằng ngày báo cáo tình hình công tác phòng, chống bão, lũ, sạt lở trên địa bàn, cơ quan, đơn vị mình về Thành ủy (qua Văn phòng Thành ủy), UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời.

Các cơ  quan, đơn vị tích cực vào cuộc chống bão

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, UBND huyện  đã có Công điện nhằm chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với bão số 3 và các ảnh hưởng của bão có thể xảy ra; thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện Thanh Oai yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, thủ trưởng các ngành chức năng huyện; chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với cơn bão số 3; phân công người thường trực tại trụ sở 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra tại các địa bàn của xã, thị trấn để có biện pháp kịp thời ứng phó với sự cố do cơn bão số 3 gây ra. 

Các địa phương, đơn vị phải tiến hành rà soát phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị bảo đảm sát, phù hợp thực tiễn tại địa phương; chủ động kiểm tra khu vực trọng yếu, có biện pháp tăng cường các khu vực khi có nguy cơ bị ảnh hưởng như nhà ở xuống cấp, hệ thống điện, công trình đang thi công, mái che, mái vẩy...

UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn ven tuyến đê tả Đáy, sông Nhuệ, kênh Yên Cốc, kênh Vân Đình... thực hiện nghiêm công tác trực, tuần canh gác đê, kênh theo quy định.

Tại huyện Mỹ Đức, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng cũng đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại các khu vực trọng điểm phòng, chống thiên tai. Qua kiểm tra, trước sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các đơn vị, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng đồng thời cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, tình hình mưa lũ để có phương án ứng phó kịp thời, tránh để bị động... 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tự hào, xúc động cùng câu chuyện lịch sử của “Hà Nội- Bản hùng ca phố”

Tự hào, xúc động cùng câu chuyện lịch sử của “Hà Nội- Bản hùng ca phố”

(PNTĐ) - "Hà Nội - Bản hùng ca phố" diễn ra tối 10/10 tại Hoàng Thành Thăng Long với âm nhạc và những câu chuyện, đã giúp người xem nhớ đến những ngày tháng lịch sử anh dũng mà hào hoa của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hoà bình, sáng tạo và phát huy nét văn hoá của Hà Nội phố, để Hà Nội xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.
Xây dựng Thủ đô xứng tầm trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước

Xây dựng Thủ đô xứng tầm trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước

(PNTĐ) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", sớm trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đặc sắc, hài hòa, thật sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, văn minh của nhân loại; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước

Mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước

(PNTĐ) - "Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hơn bốn mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức, hân hoan trong rừng cờ hoa, hừng hực khí thế “Trùng trùng quân đi như sóng/lớp lớp đoàn quân kéo về…/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui từ đây”.
​  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

​ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) là Chương trình có quy mô cấp quốc gia, là hoạt động chính, quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.