Chiều nay (28/5) Quốc hội thảo luận về Luật Thủ đô sửa đổi

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 28/5, tiếp tục kỳ họp thứ 7, trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 13/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ số 825/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội

Chiều nay (28/5) Quốc hội thảo luận về Luật Thủ đô sửa đổi - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo luật

Trong đó, về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền Thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

Đồng thời, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng sắp xếp lại trật tự một số điều, khoản trong các chương II, III, IV bảo đảm logic, phù hợp hơn. 

Về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của ĐBQH, tham khảo các quy định của một số luật, nghị quyết của Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Tiếp tục quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần được áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó (khoản 2).

Để dự phòng các trường hợp luật, nghị quyết ban hành sau chưa dự liệu được đầy đủ nội dung áp dụng pháp luật liên quan đến các quy định của Luật Thủ đô, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì UBTVQH sẽ quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất (khoản 2). 

Để bảo đảm hiệu lực thi hành của các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, dự thảo Luật quy định các văn bản này được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề (khoản 3).

Về mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội, ôn Hoàng Thanh Tùng cho biết, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội xác định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; theo đó, không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố (Điều 9 và Điều 11), trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tiếp thu ý kiến của ĐBQH, các cơ quan có liên quan, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố nhằm bảo đảm để chính quyền các cấp của Thành phố đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm. 

Đối với các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao hơn cho thành phố Hà Nội so với các địa phương khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định rõ các chính sách đặc thù cần được áp dụng, quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan và trình tự, thủ tục thực hiện để vừa thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố vừa có cơ chế để tổ chức thực hiện và kiểm soát việc thực thi.

Trong đó, cho phép UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Phân quyền cho UBND Thành phố được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18). Quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn Thành phố, yêu cầu đối với việc phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm và giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng. 

Cho phép cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó.

Phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập (điểm a khoản 1 Điều 24); quy định một số cơ chế đặc thù đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại khu công nghệ cao, trong đó bao gồm cả các cơ chế áp dụng đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (khoản 2 Điều 24).

Mở rộng các lĩnh vực HĐND Thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm

Mở rộng các lĩnh vực mà HĐND Thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn Thành phố, không phân biệt nội thành, ngoại thành (khoản 1 Điều 33). Bổ sung một số thẩm quyền cho HĐND, UBND Thành phố trong việc quyết định và triển khai thực hiện một số giải pháp về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông thôn và cải tạo, chỉnh trang đô thị…

Chiều nay (28/5) Quốc hội thảo luận về Luật Thủ đô sửa đổi - ảnh 2
Quang cảnh kỳ họp

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng tiếp thu ý kiến đại biểu liên quan đến tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô. Theo đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô. 

Về liên kết, phát triển vùng, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH và từ thực tiễn triển khai các quy định về phát triển vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thiết kế có 01 chương riêng về liên kết, phát triển vùng trong đó thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước (Điều 44); xác định các chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô (khoản 1 Điều 45).

Về điều khoản thi hành, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật dự kiến thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô là từ ngày 01/01/2025, trừ 07 nội dung cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 53 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 để các cơ quan có thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung quy định chuyển tiếp tại Điều 54 để bảo đảm tính liên tục trong việc áp dụng pháp luật.

Chiều nay (28/5) Quốc hội thảo luận về Luật Thủ đô sửa đổi - ảnh 3
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu giải trình, nghiên cứu hoàn thiện dự án luật, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu chỉnh lý dự án luật này tại phiên họp thứ 31, tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách, hoàn chỉnh gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan tổ chức có liên quan. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung vào một số vấn đề lớn như: Nguyên tắc áp dụng pháp luật; các quy định về tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng, phát triển, quản lý bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô và các vấn đề khác đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tin cùng chuyên mục

Chia sẻ chiến lược tiếp thị sáng tạo về chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Chia sẻ chiến lược tiếp thị sáng tạo về chăm sóc sức khỏe cộng đồng

(PNTĐ) - “20 triệu phụ nữ chủ động hôm nay - Kiến tạo tương lai” - sáng kiến thúc đẩy ý thức và quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ là một trong những nội dung của Coffee Talk với chủ đề “Chiến lược phân phối và tiếp thị hiệu quả trong ngành Dược phẩm và Chăm sóc sức khỏe tại thị trường Việt Nam”.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Cuộc thi tìm hiểu “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 giúp cán bộ Mặt trận các cấp thấm nhuần quan điểm tư tưởng của Luật này, nhất là những quan điểm mới, cần có một đợt sinh hoạt chính trị lớn, để từ chỗ nắm vững, cán bộ có thể ứng dụng sáng tạo trong cuộc sống nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng thành công của Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029, chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô và 94 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.
Hà Nội trao tặng Bằng khen 644 tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội trao tặng Bằng khen 644 tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Chúng ta vừa trải qua những ngày tháng Mười lịch sử, với chuỗi các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật quan trọng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) mà dư âm, ký ức hào hùng về một Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trái tim, biểu tượng của lịch sử, văn hóa và phát triển của đất nước Việt Nam vẫn còn đong đầy trong tâm trí người Hà Nội, nhân dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế khi đến với Hà Nội.
"Hành trình xe đạp hữu nghị vì một Hà Nội xanh"

"Hành trình xe đạp hữu nghị vì một Hà Nội xanh"

(PNTĐ) - Sáng 17/11, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp với quận Hai Bà Trưng tổ chức chương trình "Hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh" lần thứ 4. Hoạt động nhằm tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị, nâng cao nhận thức của người dân cùng bạn bè quốc tế đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội về gìn giữ môi trường sống xanh, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thành phố vì hòa bình, xanh-sạch-đẹp, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.