Chủ tịch Hồ Chí Minh và tầm nhìn hội nhập phát triển đất nước

Tiến sĩ Tống Đức Thảo - Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là sự kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa Việt Nam về hội nhập quốc tế; kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin về hội nhập cho phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam; là cơ sở nền tảng, kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong các giai đoạn cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và tầm nhìn hội nhập phát triển đất nước - ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Liên Xô và quốc tế tham dự Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô, tháng 10/1961.     Ảnh: TTXVN

Nhờ vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong thế kỷ XX; góp phần hoạch định đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế có hiệu quả trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Chính sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế mà “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Đại hội XIII khẳng định.

Hội nhập để tiếp thu những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới nhất 
Trong hội nhập quốc tế, Người nhấn mạnh những yêu cầu đối với việc hội nhập, nhấn mạnh tính tất yếu, logic khách quan của hội nhập trong tiến trình khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hội nhập quốc tế thể hiện sự tham gia của quốc gia, dân tộc vào quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa với tính cách là một xu thế lịch sử của thế giới hiện đại. Quan sát sự biến động của thế giới, Hồ Chí Minh đã có một nhận xét mang hàm nghĩa triết lý: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường” và “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra hai yêu cầu căn bản cho hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Yêu cầu thứ nhất, hội nhập là để tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài giúp đỡ dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Người đã sớm nhận thức, chủ nghĩa đế quốc là một hệ thống thế giới, chúng vừa tranh giành, xâu xé thuộc địa, vừa vào hùa với nhau để nô dịch các dân tộc nhỏ yếu trong hệ thống thuộc địa của mình. Cho nên để đánh thắng chủ nghĩa đế quốc thì phải liên kết các dân tộc thuộc địa, các đảng cách mệnh trên thế giới. 

Trong mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, Người nhìn nhận đó là mối quan hệ biện chứng, hai chiều tương tác với nhau: Việt Nam không chỉ tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của cách mạng thế giới mà Việt Nam cũng có nghĩa vụ quốc tế - giúp bạn là tự giúp mình: “Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới”.

Yêu cầu thứ hai, hội nhập là để tiếp thu những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới nhất của các nước để phục vụ cho công cuộc chấn hưng đất nước và xây dựng CNXH: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình”. Việc đầu tiên Hồ Chí Minh xúc tiến để hội nhập cho nền khoa học Việt Nam đó là cử một nhóm thanh niên Việt Nam sang Mỹ học tập khoa học - kỹ thuật. 

Trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 1/11/1945, Người đề nghị Hoa Kỳ tiếp nhận 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với mong muốn một mặt, thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác, xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác; có thể nói, với hai yêu cầu của hội nhập quốc tế, Người đã thể hiện một tầm nhìn xa, trông rộng và bản lĩnh chính trị khi hội nhập quốc tế. 
Chiến lược hội nhập phù hợp với thời đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh và tầm nhìn hội nhập phát triển đất nước - ảnh 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp 
ký bản Tạm ước Việt - Pháp, ngày 14/9/1946       Ảnh: Tư liệu

Trong tiến trình hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của nước ta với thế giới, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế giúp cho Đảng và Nhà nước ta hình thành những chiến lược và chính sách hội nhập quốc tế phù hợp với thời đại, phù hợp với bối cảnh thế giới luôn biến động và phức tạp khó lường. Hội nhập quốc tế phải dựa trên những yêu cầu nền tảng và nguyên tắc định hướng.  

Đó là luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; tranh thủ các điều kiện thuận lợi để gia tăng nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước và làm giàu bản sắc dân tộc. Đảng ta khẳng định rõ hơn mục tiêu của hội nhập và hợp tác là “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với khẳng định sức mạnh mềm văn hóa, văn hiến và truyền thống hùng cường của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc yêu chuộng hòa bình, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Trong hội nhập quốc tế, vận dụng sáng tạo trên cơ sở giữ vững nguyên tắc định hướng chiến lược. 

Hội nhập trên cơ sở tự nguyện và tôn trọng lẫn nhau. Phải luôn chủ động, không trông chờ ỷ lại, không phụ thuộc, phải căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế để quyết định mức độ, lộ trình hội nhập. Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh, ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực mang tính quyết định. Đảng ta luôn nhấn mạnh nguyên tắc phát huy vai trò quyết định của nội lực; nội lực ở đây bao gồm thực lực kinh tế và quốc phòng, về kinh tế là tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới một cách cơ bản thể chế kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài; phát triển nhanh đi đôi với việc nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài đi đôi với tăng cường quốc phòng an ninh và quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Đại hội XIII của Đảng xác định, trong bối cảnh cục diện khu vực và quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, công cuộc hội nhập cần được tiến hành trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và điều kiện hòa bình để phát triển, giữa yêu cầu giữ vững độc lập, tự chủ với chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Môi trường quốc tế hòa bình là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia dân tộc.

Đối với việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị bền chặt với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, quan điểm của Hồ Chí Minh là đoàn kết và tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”.
Cùng với đó là phải xây dựng chính sách mềm dẻo, linh hoạt, đặc biệt là với các nước lớn. Đồng thời phải kiên trì đấu tranh, không để các nước lớn thỏa hiệp về lợi ích của quốc gia - dân tộc mình, luôn giữ vững lập trường, nguyên tắc theo mục tiêu chiến lược của cách mạng, giữ vững độc lập, tự chủ, không dao động trước bất cứ thế lực nào với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đây là nguyên tắc được Người đúc kết từ chính thực tiễn chính trị, từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ, phong phú của Người. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.