Chung tay vì một Hà Nội nghĩa tình, không để ai bị bỏ lại phía sau ​

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tối 3/10, Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo và an sinh xã hội” TP Hà Nội năm 2023 do UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô.

Dự chương trình có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan Trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch, lãnh đạo Văn phòng, các phòng, ban thuộc Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức thành viên của MTTQ Thành phố, các thành viên Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” TP; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã; các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn Thành phố…

Phấn đấu đến cuối năm 2025, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo

Tại lễ phát động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ: Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; ban hành các quy định về mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của Thành phố…

Bên cạnh những chính sách của Trung ương và Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cùng tổ chức đoàn thể các cấp, các ngành đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn,... Tất cả cùng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội phát triển của người dân Thủ đô, góp phần ổn định chính trị, xã hội và tạo động lực để phát triển kinh tế.

Chung tay vì một Hà Nội nghĩa tình, không để ai bị bỏ lại phía sau  ​ - ảnh 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát động Tháng cao điểm ''Vì người nghèo'' và an sinh xã hội TP Hà Nội năm 2023 .

Tuy nhiên, vì nhiều điều kiện hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; trong những năm qua, vẫn còn một bộ phận người dân gặp khó khăn trong cuộc sống như: nhà ở xuống cấp, thiếu phương tiện sản xuất, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo,... rất cần được quan tâm, hỗ trợ để họ có cuộc sống đủ đầy hơn, gia đình hạnh phúc hơn.

Tính đến nay, theo chuẩn nghèo đa chiều của Hà Nội giai đoạn 2022-2025, toàn Thành phố còn 2.134 hộ nghèo (chiếm 0,095% tổng số hộ dân) và 22.263 hộ cận nghèo (chiếm 0,99% tổng số hộ dân). Hà Nội đặt mục tiêu hằng năm giảm từ 25% đến 30% số hộ nghèo và 10% số hộ cận nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2025, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.

Chung tay vì một Hà Nội nghĩa tình, không để ai bị bỏ lại phía sau  ​ - ảnh 2
Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự chương trình.

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Phát huy truyền thống đoàn kết, "Tương thân, tương ái", trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tích cực đóng góp, tạo nguồn lực để cùng Chính quyền Thành phố thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 sẽ là dịp để mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và nhân dân Thủ đô tiếp tục thể hiện “Tinh thần tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”; bằng những hành động thiết thực cụ thể, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, chung tay thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, giúp người nghèo có có cuộc sống tốt hơn và cơ hội thay đổi cuộc đời.

“Chúng ta tin tưởng rằng, tại Lễ phát động hôm nay và hoạt động của Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ thiết thực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội của Thành phố. Để cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, một Hà Nội nghĩa tình, một Hà Nội không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Hơn 50 tỷ ủng hộ quỹ vì người nghèo

Từ năm 2022 đến nay, nhằm đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch Covid 19, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững giúp người dân từng bước ổn định đời sống, như: Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 315 tỷ đồng; hỗ trợ 100% học phí đối với đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thuộc hộ mới thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách của Trung ương, hỗ trợ người lao động trên địa bàn và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng với những chính sách hỗ trợ của Thành phố, Mặt trận các cấp thành phố tiếp tục triển khai vận động, sử dụng có hiệu quả các Quỹ an sinh xã hội và Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”.

Chung tay vì một Hà Nội nghĩa tình, không để ai bị bỏ lại phía sau  ​ - ảnh 3
Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ phát động.

Năm 2022 - 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố tiếp tục tiếp nhận 2,168 tỷ đồng, hàng hóa trị giá 26,4 tỷ đồng và các hàng hóa, trang thiết bị y tế ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, đã hỗ trợ tiền mặt 9,1 tỷ đồng, hàng hóa trị giá 26,4 tỷ đồng; Thành phố đã chuyển 456,62 tỷ đồng về Quỹ vắc-xin của Chính phủ. Quỹ “Cứu trợ” Thành phố đã trích 3,485 tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng do hỏa hoạn, đuối nước trên địa bàn Thành phố và Nhân dân tỉnh Nghệ An, Yên Bái bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Đặc biệt, trước những thiệt hại nghiêm trọng do vụ cháy xảy ra tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân bị thương vong với mỗi người bị thương 3 triệu đồng và người tử vong 5 triệu đồng, phối hợp với các cơ quan có liên quan và vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất, các vật dụng thiết yếu, chỗ ở tạm thời cho các gia đình bị nạn; hỗ trợ các nhu yếu phẩm, các đồ dùng cần thiết, các đồ dùng sinh hoạt, kinh phí, học phí, sách vở cần thiết, đảm bảo cho các em học sinh, sinh viên tiếp tục đến trường.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 trọng tâm: Hỗ trợ an cư và trao sinh kế giúp thoát nghèo bền vững, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố đã chi hỗ trợ trên 114 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 979 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ phương tiện sản xuất như bò sinh sản, xe máy, máy khâu, máy cày, máy ép nước mía,… giúp hộ nghèo, hộ cần nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, chống tái nghèo.

Đặc biệt, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, năm 2023, Thành phố đã hỗ trợ xây dựng 312 nhà đại đoàn kết cho các tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang, Hải Phòng với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà. Trong đó hỗ trợ tỉnh Điện Biên 15 tỷ đồng xây dựng 300 nhà đại đoàn kết, thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc do Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” nhận được sự ủng hộ cao hơn 51 tỷ đồng mỗi năm – khẳng định tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn hướng về Trường Sa bằng những hành động thiết thực.

Tính đến 21h ngày 3/10, Hà Nội đã tiếp nhận 128 tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ với tổng số tiền 50 tỷ 117 triệu đồng.

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Cần tập trung quyết liệt, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô sửa đổi

Cần tập trung quyết liệt, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô sửa đổi

(PNTĐ) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14. HĐND TP Hà Nội khoá XVI, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị thời gian tới, Thành phố cần tập trung quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương để sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/ 2024.
Chọn những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm để kịp thời tháo gỡ

Chọn những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm để kịp thời tháo gỡ

(PNTĐ) - Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khoá XVI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị HĐND Thành phố chọn các lĩnh vực được Thành uỷ tập trung chỉ đạo, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để làm nội dung giám sát, chất vấn, giải trình nhằm cùng UBND Thành phố kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.