Điều dưỡng chăm sóc người có công để tỏ lòng biết ơn sâu sắc
(PNTĐ) - Những ngày tháng 7 – tháng có nhiều hoạt động tri ân với trọng tâm là kỉ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), trên khắp cả nước hàng triệu tấm lòng đang hướng về những con người, những địa danh lịch sử để thành kính tri ân bằng những cuộc gặp đầy cảm xúc, những phần quà trân trọng, những chăm sóc thể chất và tinh thần đến từng người có công và gia đình.
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80km về hướng Tây Bắc, tại miền đất xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ - nơi có nguồn nước khoáng nóng tự nhiên vô cùng quý giá - tốt cho sức khỏe, Trung tâm Điều dưỡng Người có công số I Hà Nội, đơn vị trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội đã được đóng tại đây để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Đó là nơi thực hiện tập trung điều dưỡng luân phiên, chăm sóc sức khỏe Người có công, gia đình chính sách của thành phố Hà Nội.
Chia sẻ về công tác đón người có công vào điều dưỡng, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công số I Hà Nội Trần Đăng Khoa cho biết, qua 19 năm (2004-2023) đi vào hoạt động, về cơ sở vật chất, tài sản, trang thiết bị, hệ thống nhà của Trung tâm đã xuống cấp, nhiều năm chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Sở Lao động TB&XH Hà Nội, hiện nay đơn vị đang thực hiện sửa chữa các hạng mục công trình.
Ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm đã kết nối, phối hợp tích cực với các bên liên quan để xúc tiến việc cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác điều dưỡng của đơn vị. Từ ngày 10/5/2023, Trung tâm đã tiếp nhận một phần cơ sở hạ tầng để đưa vào sử dụng điều dưỡng với công suất 100 giường.
Trung tâm được giao chỉ tiêu điều dưỡng năm 2023 tăng so với năm 2022 và các năm trước. Năm 2022, chỉ tiêu được giao là 1.883 người; năm 2023 được giao thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng 3.465 người.
Trong công tác chuẩn bị, trước khi đón đoàn về điều dưỡng, Trung tâm đã triển khai thực hiện tốt công tác tổng vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan đơn vị, xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi thời tiết giao mùa để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đại biểu người có công.
Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công số I Hà Nội cho biết, từ ngày 30/3 đến 19/7/2023, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng 17 đợt đảm bảo an toàn, chu đáo đối với 1.829 lượt người, đạt 52,8% kế hoạch năm. Hướng về kỷ niệm 76 năm ngày TBLS (27/7/1947 –27/7/2023), song song với công tác điều dưỡng, Trung tâm tiếp tục cải tạo, sửa chữa các hạng mục công trình và để thể hiện sự tri ân, chăm sóc tốt cho những người có công, thân nhân người có công với cách mạng. Trung tâm đã chú trọng thực hiện nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa, tạo sân chơi lành mạnh, tạo cảnh quan, môi trường làm việc đổi mới khang trang, sạch đẹp. Tạo tình cảm gần gũi, gắn bó giữa cán bộ Trung tâm với đại biểu người có công, mang lại sự hài lòng của các đại biểu người có công khi đến điều dưỡng tại Trung tâm.
Các đại biểu người có công lên với Trung tâm được chăm lo về sức khỏe, chăm sóc tỷ mỉ từng bữa ăn, giấc ngủ, no đủ về vật chất, ấm áp về tinh thần. Hằng ngày, đại biểu người có công đến điều dưỡng được cán bộ Trung tâm hướng dẫn, tham gia các hoạt động như: Thăm quan các khu di tích lịch sử, thủy trị liệu bằng nước khoáng nóng, khám sức khỏe tổng thể, uống thuốc bổ đông y, kết hợp ngâm chân thuốc bắc, chạy máy vật lý trị liệu, luyện tập thể dục tại nhà tập đa năng, đọc sách báo, giao lưu cờ tướng, thể thao, văn hóa văn nghệ,...
Trong các đợt điều dưỡng, có nhiều các hoạt động đa dạng, cán bộ Trung tâm luôn phục vụ bằng tinh thần chu đáo cử chỉ thân thiện, lễ phép, lời nói nhẹ nhàng của cán bộ làm công tác “đền ơn đáp nghĩa” đã chiếm cảm tình của các cụ, các bác, để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp cho các cụ, các bác sau mỗi đợt đến với Trung tâm.
“Với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng và những lời động viên chân thành của các cụ, các bác về điều dưỡng tại Trung tâm luôn là động lực to lớn tới Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên đang làm việc tại Trung tâm để tập thể Trung tâm ngày một cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác “đền ơn đáp nghĩa” để tiếp tục kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ đi trước, phấn đấu hết mình trong học tập, lao động để sống xứng đáng với sự hy sinh của các Anh hùng cách mạng - Người có công với đất nước”- ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Cả nước có hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn, với trên 800.000 người (chiếm gần 10% của cả nước). Trong đó, có hơn 6.500 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 60.000 thương bệnh binh; hơn 80.000 liệt sĩ, hơn 13.000 người hưởng chế độ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 500.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Thành phố luôn xác định công tác chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ cao quý, là tình cảm và ân nghĩa sâu sắc.