Đổi mới, sáng tạo để vươn ra biển lớn

Hoàng Nhất
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Đổi mới sáng tạo đang là một xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, đòi hỏi khách quan và ưu tiên hàng đầu của đất nước ta để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc” – quan điểm này được người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Đổi mới, sáng tạo để vươn ra biển lớn - ảnh 1
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày 
sản phẩm đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Năm 2023, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ để hội nhập cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ và các địa phương trong cả nước đã có những bước chuyển mình, đột phá trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo khoa học, công nghệ. Điều này giúp Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023.

Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu 
Với quan điểm coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã sớm có những chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt qua các thời kỳ về khoa học, công nghệ và đổi mới.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chú trọng vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời khẳng định đây là một trong những đột phá chiến lược quan trọng nhất để tiến tới phát triển đất nước bền vững trong giai đoạn tới.

Văn kiện Đại hội đã đưa ra yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Chiến lược). Trong đó quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đổi mới, sáng tạo để vươn ra biển lớn - ảnh 2
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định đổi mới, sáng tạo là không có giới hạn.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, vùng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống.

 Ngày 9/1/2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được khởi công xây dựng. Sau gần 3 năm triển khai, ngày 28/10/2023, Trung tâm đã được khánh thành đưa vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) - một dấu mốc quan trọng trong quá trình kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. 

Đặc biệt là chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế.

 Mục tiêu tổng quát của Chiến lược, đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.

Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.

Mục tiêu cụ thể, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người/1 vạn dân. Đến năm 2030 đạt 12 người/1  vạn dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp. Hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ được cơ cấu lại gắn với định hướng ưu tiên phát triển quốc gia, ngành và lĩnh vực theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Đến năm 2025, có 25 - 30 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới. Đến năm 2030, có 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới.

Năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp. Phát triển được hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới.

Đổi mới sáng tạo: Xu thế tất yếu
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Không nằm ngoài xu thế đó, Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm 2021 - 2030 của đất nước xác định chủ đề “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. 

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với chức năng phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của các doanh nghiệp.

Với mục đích, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày 9/1/2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được khởi công xây dựng. Sau gần 3 năm triển khai, ngày 28/10/2023, Trung tâm đã được khánh thành đưa vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) - một dấu mốc quan trọng trong quá trình kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Với diện tích 4,96ha, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được xem là không gian dành cho đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam, với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các tập đoàn doanh nghiệp công nghệ lớn, các tổ chức hỗ trợ, tạo uy tín thế giới, các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước. Các lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và y tế.

Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc hoàn thành đưa vào khai thác Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là sự khởi đầu của giai đoạn phát triển mới trong việc cung cấp hạ tầng đồng bộ để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. 

“Chúng ta tin tưởng việc khánh thành cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc tạo ra không gian đổi mới sáng tạo mới cho đất nước ta; thể hiện rõ nét tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển, trở thành hình mẫu đổi mới sáng tạo cho đất nước. Đồng thời góp phần tạo nên một biểu tượng mới cho Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo”- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Kiến tạo đổi mới từ sự phát triển không giới hạn
Thế giới đang chuyển mình cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khoa học, công nghệ trở thành “chìa khóa” của những đột phát trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên toàn cầu. Một minh chứng rõ nét nhất mà thế giới đang chứng kiến là sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á trong những thập niên gần đây như: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Và yếu tố để các quốc gia, vùng lãnh thổ này phát triển vượt bậc là nhờ vào khoa học, đổi mới sáng tạo để tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Đổi mới, sáng tạo để vươn ra biển lớn - ảnh 3
 NIC cơ sở Hòa Lạc với thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, là biểu tượng cho sứ mệnh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển vươn xa - Ảnh: NIC

Việt Nam là một nước “đi sau” nhưng trong mọi chiến lược phát triển của chúng ta luôn đề cập đến yếu tố “đi sau nhưng sẽ về trước”. Vì thế, chiến lược đổi mới, sáng tạo trong khoa học, công nghệ luôn được đặt lên hàng đầu.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, trong vai trò là diễn giả, khách mời của lễ Khai khóa năm 2023 Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ngày 16/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: “Đổi mới sáng tạo là không có giới hạn”.

Theo Thủ tướng, để tạo động lực tăng trưởng mới, cần khuyến khích tư duy sáng tạo và đổi mới; tạo ra môi trường thúc đẩy việc thử nghiệm ý tưởng mới, khám phá các phương pháp tiếp cận khác nhau và khuyến khích tinh thần sáng tạo trong mọi khía cạnh của đời sống.

Nhờ những quyết sách nhanh chóng, kịp thời, Việt Nam đã có sự phát triển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và được thế giới ghi nhận. Ngày 27/9/2023, tại Thụy Sĩ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) năm 2023; trong đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Báo cáo này cũng đánh giá Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng sớm ngày 26/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp nối. Những gương mặt trang nghiêm, những đôi mắt hoe đỏ luôn hướng về tấm di ảnh người con ưu tú của mảnh đất Đông Hội, Đông Anh được đặt trang trọng giữa lớp hoa vàng.