Đóng góp ý kiến để Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển

Chia sẻ

Phương châm được nêu trong Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ TP. Hà Nội là “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển” nhằm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghịBí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghịChủ đề Đại hội gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô 5 năm tới

Sáng 30/5, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt của TP. Hà Nội qua các thời kỳ vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố.

Theo Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, về tiến độ, đến nay cơ bản các chi bộ trong toàn Thành phố đã tổ chức đại hội thành công, cả về công tác nhân sự, xác định điểm mới, thảo luận chương trình hành động. Đại hội các chi bộ trên địa bàn đều gắn với thực hiện Nghị quyết về củng cố tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là tổ chức cơ sở đảng còn cần quan tâm, yếu kém, gắn với giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Toàn Thành phố đã tổ chức xong 2 đại hội điểm tại huyện Gia Lâm và Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Về văn kiện Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tháng 1/2020 Thành phố đã hoàn thiện dự thảo lần 1. Sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý, đến nay đã hoàn thiện dự thảo lần 2.

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, Thành ủy xác định cần tiếp tục hoàn thiện văn kiện Đại hội làm định hướng để phát triển Thủ đô trong 5-10 năm tới. Vì vậy hội nghị lấy ý kiến cán bộ nguyên lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ, là những người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu Thủ đô, đóng góp ý kiến cho Thành phố từ quan điểm, mục tiêu, giải pháp phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô.

Về chủ đề Đại hội, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, đây là vấn đề quan trọng, vừa thể hiện tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoạt động, vừa xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo của Đảng bộ. Vì vậy, chủ đề cần ngắn gọn, nêu bật được những thành tố chính, những định hướng lớn, phù hợp với định hướng chung của cả nước, đồng thời gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong 5 năm tới và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Chủ đề Đại hội nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố: "Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu; phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại".

Xác định 3 khâu đột phá nhiệm kỳ tới

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đi vào cuộc sống.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới; Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết Trung ương (4, 6, 7 khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt kết quả toàn diện và quan trọng. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới. Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm trong cấp ủy và tổ chức đảng các cấp được giữ vững và phát huy.

Các khâu đột phá được tích cực thực hiện. Đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra. Đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên Hà Nội xác định, về phát triển kinh tế chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô chưa cao; chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chậm. Tiến độ và quy mô giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công còn hạn chế. Dự kiến chỉ có 15/55 công trình, dự án trọng điểm hoàn thành theo kế hoạch.

Dự thảo Báo cáo xác định các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 theo 4 nhóm: Kinh tế; văn hóa - xã hội; đô thị, môi trường; xây dựng Đảng với 20 chỉ tiêu cụ thể.

Thành phố cũng xác định 3 khâu đột phá. Trong đó ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Thủ đô.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân. Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Vị thế Thủ đô ngày càng được nâng lên

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá Dự thảo Báo cáo chính trị được xây dựng công phu, nghiêm túc, tập trung được nhiều chất xám của cán bộ, đánh giá được những việc đã làm được và việc chưa làm được. Thành ủy Hà Nội đã có chương trình nghiên cứu khoa học để xây dựng dự thảo văn kiện báo cáo chính trị, do vậy, các con số tính toán và nội dung đưa ra đều có căn cứ lý luận, thực tiễn, bảo đảm tính khoa học.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng vị thế Hà Nội ngày càng được đánh giá cao, trong kết quả này có tinh thần chủ động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Kết quả phát triển 5 năm qua của Hà Nội rất toàn diện, nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Thành phố cần kiến nghị mạnh mẽ hơn với Trung ương về vấn đề phân cấp để phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ đô. Nhấn mạnh đến vấn đề dân chủ, nguyên Bí thư Hà Nội cho rằng công việc càng khó càng nhiều càng phải nâng cao tính dân chủ, như vậy mới phát huy được thế mạnh của công tác cán bộ trong nhiệm kỳ tới.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ nguyên lãnh đạo Thành phố. Ý kiến của các đại biểu cho thấy sự hiểu biết đa dạng, tâm huyết, gắn bó với Thủ đô và cho thấy chất lượng dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết Thành ủy sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu thực hiện, bảo đảm văn kiện báo cáo chính trị sát thực tiễn, phù hợp cho sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.

Gia Huy/Chinhphu

Theo http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Dong-gop-y-kien-de-Thu-do-dap-ung-yeu-cau-phat-trien/396904.vgp

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.