Hà Nội đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng khoảng 6,5-7,0%
(PNTĐ) - Chiều 23/11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ TP (khóa XVII). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ mười bốn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, năm 2023, Hà Nội đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Thành phố đã thực hiện khá toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Thành phố đã cố gắng thực hiện nhiều công việc quan trọng mang tính chiến lược, dài hơi để tạo tiền đề cho sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới, như: Sửa đổi Luật Thủ đô (2012); đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của thành phố; thực hiện Đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền thuộc thành phố...”,
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như thành phố Hà Nội đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn; do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng được trình tại Hội nghị Ban Chấp hành lần này. Cụ thể, về Quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ 18 Đảng bộ Thành phố.
Liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2023, Kế hoạch năm 2024 và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm giai đoạn 2024-2026 của TP, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển Kinh tế xã hội, Ngân sách Nhà nước và đầu tư công năm 2023 của TP. Trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2024.
Đồng thời đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và thủ tục hành chính…; chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trước mắt và lâu dài...
Đặc biệt về Dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, chương trình công tác lớn trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Chương trình số 06-CTr/TU, nhiệm kỳ Đại hội XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, như: Việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử (nhất là ứng xử nơi công cộng) chưa có chuyển biến mạnh mẽ; người đứng đầu một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn tuyệt đối hóa các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn...
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
Hà Nội đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kinh tế-xã hội năm 2023 cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Theo ước tính của UBND Thành phố, GRDP tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Ước năm 2023, GRDP tăng 6,11%; đầu tư xã hội tăng 9%, vốn FDI gần 2,9 tỷ USD, tăng 62,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch trong nước và quốc tế dự kiến vượt mục tiêu đề ra. Có gần 26.500 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 6%).
Thu ngân NSNN trên địa bàn vượt dự toán, đảm bảo cân đối chi ngân sách; tổng thu dự kiến hơn 400 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20,0% so với năm 2022; tổng chi dự kiến hơn 102 nghìn tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán đầu năm (91,1% dự toán điều chỉnh). Kim ngạch xuất khẩu ước 17,3 tỷ USD, tăng 1,0%; Kim ngạch nhập khẩu ước 44,2 tỷ USD, tăng 8,0%...
Công tác quy hoạch và quản lý đô thị được đẩy nhanh tiến độ, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã xây dựng dự thảo, đang xin ý kiến hoàn thiện. Xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị được quan tâm đầu tư (hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công đường Vành đai 4…).
Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tổng quát: Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh... Tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”.
Thành phố dự kiến 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu, trong đó: GRDP tăng khoảng 6,5-7,0%; CPI dưới 4%; GRDP/người khoảng 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; giảm 300-400 số hộ nghèo...
Từ các chỉ tiêu đặt ra, Hà Nội đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024: Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong mỗi nội ngành gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS…
Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; trong đó tập trung: công nghiệp văn hóa Thủ đô; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thành phố thông minh...
Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi và triển khai thực hiện sau khi được duyệt.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, dự kiến thu ngân sách của TP 3 năm giai đoạn 2024-2026 khoảng 1.245.149 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa là 1.153.004 tỷ đồng, chiếm 92,6% tổng thu NSNN trên địa bàn, trong đó: Thu tiền sử dụng đất là 104.535 tỷ đồng; Thu từ dầu thô là 7.000 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng thu NSNN trên địa bàn; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 85.115 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng thu NSNN trên địa bàn; Thu viện trợ không hoàn lại là 29 tỷ đồng.
Dự kiến tổng chi ngân sách 3 năm (2024-2026) là 495.153 tỷ đồng (chi cân đối ngân sách địa phương là 463.283 tỷ đồng), trong đó dự kiến Chi đầu tư phát triển là 286.572 tỷ đồng; Chi thường xuyên là 180.834 tỷ đồng; Dự kiến bội chi ngân sách Thành phố cả giai đoạn 2024-2026 là 60.734 tỷ đồng. Mức bội chi và mức vay còn phụ thuộc vào hạn mức Quốc hội quyết định cho địa phương hàng năm.