Miếu Bản làng Giang Cao xã Bát Tràng được công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 10/10, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử miếu Bản làng Giang Cao.

Miếu Bản làng Giang Cao xã Bát Tràng được công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố - ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử miếu Bản làng Giang Cao cho xã Bát Tràng.

Thông tin về di tích, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: Miếu Bản làng Giang Cao được xây dựng vào thời nhà Trần - là nơi thờ hai vị Thành hoàng là Lê Huệ và Lê Kiêm. Tương truyền, vào khoảng gần cuối đời nhà Trần (1225-1440) có hai vị theo học Nho giáo dòng Khổng Tử để làm thầy, lại có tài bốc thuốc.

 Lúc bấy giờ dân trong vùng có dịch bệnh hoành hành. Hai vị dựng lều trên khu đất cao có tên là Hoàng Xà, sát bờ sông Hồng, bốc thuốc cứu giúp trị bệnh cho nhân dân qua khỏi nhiều tai ương dịch bệnh và trở nên nhộn nhịp... Sau này, dân làng đã xây dựng miếu thờ hai vị và tôn làm Thành hoàng, được phong là: Đệ tam vị Lê Huệ đại vương, Đệ tứ vị Lê Kiêm đại vương.

Trải qua chiến tranh và biến cố lịch sử, miếu Bản xưa không còn nữa. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khu vực miếu Bản là nơi “trên bến - dưới thuyền”, nơi họp chợ sầm uất, thuyền bè cập bến giao lưu đông nhất vùng.

Miếu Bản làng Giang Cao xã Bát Tràng được công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố - ảnh 2
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi phát biểu.

Từ năm 2002 đến 2017, miếu Bản được tôn tạo 3 lần toàn bộ các công trình kiến trúc. Tổng kinh phí các lần trùng tu hơn 5 tỷ đồng, do nhân dân đóng.

Miếu Bản làng Giang Cao hiện tọa lạc trên diện tích đất 800m2. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, miếu Bản đã có nhiều thay đổi về kiến trúc công trình, nhưng vẫn giữ được không gian cảnh quan chung, thế đất, sự liên kết giữa các di tích trong làng Giang Cao, mang dáng dấp của kiến trúc cổ truyền Việt, gồm: Lầu chiêng, gác trống, nghi môn ngoại, nghi môn nội, tiền tế, Hậu cung.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, miếu Bản còn là nơi hội họp bí mật của cán bộ du kích để tránh tai mắt của địch. Sau khi miếu được dựng lại, các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng bắt đầu được khôi phục.

Miếu Bản làng Giang Cao xã Bát Tràng được công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố - ảnh 3
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển Di tích lịch sử miếu Bản

Từ những giá trị đó, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, các phòng ban liên quan của huyện Gia Lâm và chính quyền, nhân dân xã Bát Tràng, lập hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội trình và được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích Miếu Bản làng Giang Cao là di tích lịch sử cấp Thành phố.

 
Miếu Bản làng Giang Cao xã Bát Tràng được công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố - ảnh 4
Lãnh đạo xã Bát Tràng bàn giao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử miếu Bản cho thôn Giang Cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết: Xã Bát Tràng từ xa xưa đã nổi danh là làng nghề truyền thống lâu đời. Người dân Bát Tràng cần cù, chịu khó làm ăn và luôn có ý thức trong việc gìn giữ những di sản văn hóa, tín ngưỡng của cha ông truyền lại. Miếu Bản là một trong những di tích nằm ven sông Hồng, kết hợp với những di tích khác ở xã Bát Tràng như đình Giang Cao, chùa Tiêu Dao, đình Bát Tràng… tạo nên một tuyến di tích tôn giáo tín ngưỡng ven sông khá đặc biệt.

Cùng với giữ gìn truyền thống văn hoá tốt đẹp, Giang Cao hôm nay cũng đã và đang phát triển mạnh về thương hiệu gốm sứ. Cùng với sự năng động sáng tạo và sức bật vào nghề của đội ngũ thợ trong làng, sản phẩm gốm Giang Cao đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường, kế thừa và phát huy được những tinh hoa trong nghề làm gốm của những người đi trước, tiếp tục phấn đấu đưa sản phẩm của làng có mặt ở rất nhiều thị trường trong nước và trên thế giới.

Miếu Bản làng Giang Cao xã Bát Tràng được công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố - ảnh 5
Làng Giang Cao vui mừng đón nhận Bằng di tích lịch sử miếu Bản

Lãnh đạo huyện Gia Lâm chỉ đạo các phòng, ban chức năng huyện, UBND xã Bát Tràng, Ban quản lý di tích xã, Tiểu ban quản lý di tích cần tiếp tục bảo tồn các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gắn với di tích; tuyên truyền sâu rộng cho các thế hệ trẻ hiểu được những giá trị của di tích, từ đó giáo dục truyền thống lòng yêu nước, yêu quê hương. Đồng thời, quan tâm công tác tu bổ, tôn tạo, quản lý các công trình xây dựng xung quanh di tích, tránh tình trạng gây ảnh hưởng xấu đến không gian, cảnh quan di tích, lưu ý, công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với di tích và hiện vật, đồ thờ tự tại di tích.

 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu từ 1/7/2026, Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1

Thủ tướng yêu cầu từ 1/7/2026, Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1

(PNTĐ) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 20 ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Hà Nội gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến tiêu biểu của Công an Thủ đô

Hà Nội gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến tiêu biểu của Công an Thủ đô

(PNTĐ) - Chiều 11/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến tiêu biểu của Công an Thủ đô và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).
Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp thêm niềm tin, tự hào dân tộc

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với thành phố Hà Nội và một số ban, bộ, ngành liên quan. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Hà Nội chăm lo chu đáo cho người có công

Hà Nội chăm lo chu đáo cho người có công

(PNTĐ) - Chiều 10/7, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí Thành phố tháng 7. Đồng chí Nguyễn Huy Cường - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, bà Lê Thị Ánh Mai - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, ông Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội chủ trì hội nghị.