25 tỉnh, thành phố phía Bắc góp ý về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi:

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 25/2, tại tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Văn phòng Chính phủ tổ chức. Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất - ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo luật.

Dự thảo luật là kết quả của sự đóng góp chung của người dân, nhà khoa học, chuyên gia… và đến nay đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo Phó Thủ tướng, Dự thảo luật khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay được các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy vai trò của bộ luật nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu chúng ta làm được điều đó, đây chính là thước đo về năng lực, thể chế hóa các chủ trương của Đảng. Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn nhân dân, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân.

Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng, tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất, hiện nay và xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân. Trong đó, Nhà nước làm tốt quy hoạch, tức phân bổ nguồn lực đất đai cho các lĩnh vực kinh tế, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, đảm bảo sự phân bổ này bền vững cho kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng và môi trường…

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất - ảnh 2
Quang cảnh hội nghị

Theo Phó Thủ tướng, khi bộ luật đưa ra, giá đất phải sát giá thị trường, bài toán đặt ra là xác định đúng giá đất đai, trong đó, tập trung làm rõ làm sao để có chủ trương, phương pháp, thông tin dữ liệu đầu vào đúng. Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, Nhà nước - với vai trò chủ sở hữu đất đai thì phải thu hồi, định giá.

Hiện có 2 hình thức là các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có thể tự thỏa thuận hoặc thống nhất thỏa thuận giá rồi nhà nước quyết định thu hồi; nhà nước thu hồi.

Những bất cập nếu có 2 mặt bằng về giá là gì trong khi nhà nước phải chịu trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội, hài hòa các lợi ích cũng như các chính sách xã hội? Phải tạo ra thống nhất về giá, chính sách hỗ trợ đền bù tái định cư; từ đó điều chỉnh hài hòa lợi ích 3 bên, vùng này với vùng khác?

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở về việc phân cấp mạnh mẽ cho người dân và nhà nước thực hiện quyền của mình; giải pháp để đất nông nghiệp vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa là không gian sinh thái.

Nhiều kiến nghị về quy hoạch sử dụng đất và thu hồi đất

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất - ảnh 3
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh phát biểu

Thẳng thắn góp ý tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho rằng, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (quy định tại Chương V, từ điều 60 đến điều 76), để đảm bảo nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất tại khoản 4 Điều 60 Dự thảo Luật Đất đai “Được lập từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên...”, và thời gian hoàn thành quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 Điều 67), cần kiến nghị đưa vào Luật một số nội dung: Quy định cụ thể trong Luật Đất đai về thời gian lập và hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp (cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh) để đảm bảo thời gian và đỡ tốn kém kinh phí cho việc lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp nhiều lần như hiện nay.

Về thu hồi đất, trưng dụng đất (quy định tại Chương VI, từ điều 77 đến điều 88), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh kiến nghị làm rõ hơn tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Khái niệm về các trường hợp Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo như Điều 78 dự thảo Luật, đang liệt kê các trường hợp dự án Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, liệt kê như vậy có thể vẫn còn thiếu một số trường hợp khác khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung nội dung này theo hướng Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh để Luật Đất đai có thể bao trùm được hết các các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sau khi triển khai thi hành Luật.

Cũng tại Điều 78 của dự thảo Luật quy định cụ thể có quy định về các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời đã quy định về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất. Đối chiếu với Luật hiện hành có thể thấy rằng quy định của dự thảo Luật có phạm vi mở rộng và cụ thể hơn.

Tuy nhiên, thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm thời gian qua nảy sinh nhiều phức tạp, khiếu kiện, tiêu cực. Do vậy để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện cần làm rõ hơn về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi, việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.

Theo ông Lương Trọng Quỳnh, cũng cần quy định rõ việc bồi thường khi thu hồi các loại đất không phải là đất ở để thực hiện các dự án “nhà ở thương mại” được quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 78 của dự thảo Luật. Vì thực tế đã từng xảy ra việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, người dân có đất bị thu hồi được đền bù hàng trăm mỏ đất ở nhưng không mua được đất trên chính mảnh đất của họ bị thu hồi, dẫn đến bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài...

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất - ảnh 4
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam phát biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam kiến nghị, bỏ Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và sửa Khoản 2 Điều 61 "Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh" do Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã có rồi, kế hoạch của tỉnh rất chung chung, trong khi hàng năm lập Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến từng dự án thực hiện. Sửa nội dung của Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo hướng Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ cần tổng hợp danh mục các dự án thực hiện trong năm trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, do vậy, Khoản 7 Điều 65 sửa "Hàng năm UBND cấp tỉnh chỉ đạo lập danh mục các dự án thực hiện trong năm trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua".

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất - ảnh 5
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn phát biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn kiến nghị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo Luật quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất (tại Điều 60, Điều 65): Theo khái niệm quy định tại Điều 3 thì quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của các ngành đối với từng vùng kinh tế xã hội và đơn vị hành chính ..; kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong quy hoạch sử dụng đất.

Tại khoản 5 Điều 60 quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện đến từng thửa đất. Tại khoản 7 Điều 65 yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính. Quy định này sẽ rất khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện (nhất là các công trình theo tuyến).

Quy hoạch sử dụng đất được lập cho thời kỳ 10 năm mang tính chất định hướng, chưa xác định rõ mục đích cụ thể tại thời điểm lập quy hoạch. Quá trình thực hiện quy hoạch, thường xuyên có sự thay đổi như: Quy hoạch chi tiết các dự án; các quy định về quy hoạch giao thông, thủy lợi, hành lang an toàn các công trình....

Nếu quy hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất dẫn đến khi quy hoạch xây dựng điều chỉnh phải điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất trước khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm mới có căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Định giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất - ảnh 6
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng phát biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho rằng, theo điểm a, khoản 3, điều 154, Dự thảo Luật đất đai: “Bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp sau: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân, chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, về nội dung này theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 thì có quy định rõ “Bảng giả đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức". Như vậy, dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã bỏ phạm vi áp dụng là đối với phần diện tích trong hạn mức.

Để đảm bảo tính công bằng đối với diện tích trong và ngoài hạn mức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đề nghị giữ nguyên như quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 114 Luật đất đai năm 2013, (Thực tế tại Nam Định khi được công nhận quyền sử dụng thường có diện tích lớn hơn hạn mức, thì phần diện tích trong hạn mức được áp dụng theo bảng giá đất phần vượt hạn mức áp dụng theo giá đất cụ thể; nếu theo Dự thảo Luật đất đai sửa đổi thì toàn bộ diện tích đó sẽ được áp dụng chung theo Bảng giá đất, dẫn đến sự mất công bằng đối với các trường hợp đã thực hiện theo Luật đất đai 2013).

Việc xác định giá đất phổ biến quy định tại Khoản 2 Điều 153 Dự thảo Luật đất đai: “Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giả giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác”.

Tuy nhiên, thực tế việc xác định giá đất phổ biến rất khó khăn, phức tạp do giá đất phụ thuộc vào từng thời điểm và số lượng giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường (một số khu vực không phát sinh giao dịch, chuyển nhượng).

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đề nghị không quy định khoản này tại Luật đất đai mà quy định tại Nghị định, Thông tư kèm theo hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất - ảnh 7
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, liên quan đến quy định khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất như đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên. Tuy nhiên, đối với tỉnh Bắc Kạn có đến 56% diện tích của tỉnh là đất tự nhiên/đất rừng tự nhiên, nếu quy định như trên thì rất khó cho các tỉnh miền núi do nếu cứ chuyển mục đích sử dụng đất thuộc đất tự nhiên/đất rừng tự nhiên phải được Quốc hội cho phép. Như vậy, tất cả các công trình đầu tư của Bắc Kạn mà liên quan đến loại đất trên đều phải xin phép Quốc hội, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, thu hồi và định giá đất - ảnh 8
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các địa phương triển khai lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần, nghiêm túc, kỹ lưỡng và nhiều hình thức phong phú và quan trọng nhất là rất trách nhiệm, thiết thực, khoa học và hiệu quả để từng người dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước về đất đai, cụ thể là Nghị quyết 18-NQ/TW.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là phong trào sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng để các tầng lớp nhân dân cả nước hiểu được nhiệm vụ xây dựng các chính sách về đất đai ngày càng tiến bộ để phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển, từng bước bảo đảm công bằng, bình đẳng, tiến bộ, không để ai ở lại phía sau, người dân luôn được thụ hưởng thành quả phát triển”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).