Những dấu ấn nổi bật của ngành Tuyên giáo Thủ đô năm 2024
(PNTĐ) - Năm 2024, ngành Tuyên giáo Hà Nội đã làm tốt vai trò tham mưu chỉ đạo, định hướng hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, nhất là tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố Hà Nội, của đất nước.
Sáng 2/1, tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo thành phố năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn biểu dương, ghi nhận và chúc mừng ngành Tuyên giáo Thủ đô.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên giáo
Năm 2024, ngành Tuyên giáo Thủ đô tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, địa phương, đơn vị và tạo những dấu ấn nổi bật.
Trong đó, ngành đã nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu cấp ủy xây dựng, ban hành các chủ trương, định hướng lớn về công tác tuyên giáo; tích cực tham gia các nội dung Tổ Biên tập tổng hợp và xây dựng Văn kiện và triển khai các nội dung tuyên truyền, phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ Thành phố... bảo đảm kịp thời, sáng tạo, hiệu quả.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên toàn thành phố được triển khai từ sớm, đồng bộ, rộng khắp với các hình thức phong phú, đa dạng, trang trọng, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, kết hợp nhuần nhuyễn tuyên truyền miệng, cổ động, trực quan, định hướng trong giao ban định kỳ, tập huấn, gửi tài liệu, tổ chức các cuộc thi, hội thảo... Qua đó góp phần nâng cao tính thuyết phục và hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa lớn.
Trong đó, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô đã chủ động nắm tình hình và định hướng dư luận xã hội, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật. Thông qua đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy sức sáng tạo, cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển thành phố.
Một trong những dấu ấn nổi bật năm qua là Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu hiệu quả, tạo sức lan tỏa cao trong triển khai các kế hoạch của Thành ủy tổ chức 4 đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về: Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”; bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”; nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đặc biệt là đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” được tổ chức sớm nhất cả nước. Qua đó khẳng định vai trò gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước trong triển khai thực hiện chủ trương lớn này của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Hội nghị cán bộ toàn thành phố được tổ chức với hơn 54.000 đảng viên tham dự.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm qua, công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị trong triển khai công tác tuyên truyền có lúc còn chưa đồng bộ. Trong khi đó, việc cập nhật, cung cấp thông tin còn hạn chế; việc giải đáp, định hướng một số vấn đề thời sự, vấn đề mới nảy sinh... được dư luận quan tâm còn chưa kịp thời.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyên giáo; đồng thời, kiến nghị các giải pháp để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên giáo năm 2025.
Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm trong phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2024, đặc biệt là 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đồng chí Nguyễn Lê Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ tham luận với chủ đề “Tạo dựng các không gian văn hóa sáng tạo mới nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Tây Hồ”, chia sẻ kinh nghiệm tạo dựng các không gian sáng tạo mới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.
Qua quá trình triển khai xây dựng không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn, đồng chí rút ra một số kinh nghiệm như: Để các không gian văn hóa hoạt động thật sự hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa, cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và toàn thể người dân.
Do đó, cần tuyên truyền sâu rộng để toàn xã hội nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, từ đó thấy được sự cần thiết của các không gian sáng tạo văn hóa. Việc nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của không gian văn hóa sẽ tạo điều kiện cũng như cơ hội cho các không gian văn hóa phát triển, thu hút đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nghiệp cùng người dân tham gia giữ gìn, sáng tạo, lan tỏa, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa.
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý giúp cho hoạt động sáng tạo văn hóa được thông suốt theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn. Đổi mới tư duy lãnh đạo và phương pháp quản lý của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trong đó có hoạt động của các không gian văn hóa sáng tạo.
Tăng cường truyền thông quảng bá và tiếp cận. Quảng bá các sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hoá của Tây Hồ thông qua các kênh truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình giáo dục truyền thống để tăng cường hiểu biết và nhận thức về truyền thống văn hoá lịch sử và lễ hội của quận.
Đầu tư, triển khai số hoá dữ liệu di sản, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truyền thông quảng bá văn hoá, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hoá và xu hướng du lịch thông minh trong giai đoạn hiện nay.
Kêu gọi các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển các không gian văn hoá sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo và phát triển văn hoá nghệ thuật địa phương và các hoạt động phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn.
Đồng chí Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU ngày 16/8/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố”; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố dịp Tết Ất tỵ sắp tới.
Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình 26-CTr/TU, Chỉ thị 34-CT/TU, Kế hoạch số 352/KH-UBND đến toàn thể cán bộ của cơ quan và các đơn vị trực thuộc ngành.
Thực hiện tốt công tác tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác ATTP của Thành phố theo chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy. Thực hiện tốt công tác hoạt động về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố dịp Tết Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp, đa dạng về nội dung phù hợp cho từng đối tượng.
Tăng cường công tác thanh ,kiểm tra về ATTP, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP, công khai minh bạch các vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nghiên cứu xây dựng mô hình mới về ATTP, đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP đã được phê duyệt; Phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng nội dung hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ mất ATTP và hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân về các vi phạm ATTP.
Hoàn thành tốt và xuất sắc nhiều hoạt động, nổi bật
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn biểu dương, ghi nhận và chúc mừng ngành Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc nhiều hoạt động, nổi bật hơn năm 2023 được thể hiện qua 6 điểm nhấn.
Cụ thể, chủ động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tham mưu Thành ủy ban hành 50 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực tham mưu xây dựng, lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII và các nội dung phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Công tác tham mưu về học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết có nhiều đổi mới về nội dung, điểm nổi bật trong năm là sự chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của cấp ủy các cấp.
Ngành Tuyên giáo Hà Nội đã làm tốt vai trò tham mưu chỉ đạo, định hướng hiệu quả công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, nhất là tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố Hà Nội, của đất nước.
Đồng thời, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động xây dựng đề án sắp xếp, hợp nhất Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo trình Thường trực Thành ủy.
Nhấn mạnh, năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước, đồng chí Lại Xuân Môn đề nghị ngành Tuyên giáo Hà Nội phải xây dựng kế hoạch cụ thể vừa tham mưu, vừa định hướng, vừa tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tập trung tham mưu làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, định hướng, tuyên truyền tạo sự thống nhất, đồng thuận trong sắp xếp hợp nhất các tổ chức, bộ máy.
Cùng với đó là tham mưu chỉ đạo định hướng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tổng hợp ý kiến, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và văn kiện Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ Thành phố. Trong đó, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương xử lý những vấn đề khủng hoảng thông tin, thông tin chưa kiểm chứng để cán bộ, đảng viên yên tâm về nhận thức, tư tưởng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương những kết quả mà hệ thống Tuyên giáo Thủ đô đạt được một cách toàn diện trên các lĩnh vực trong năm 2024, trong đó có nhiều việc khó, việc mới. Trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội vừa công bố, hệ thống tuyên giáo có những đóng góp trực tiếp, gián tiếp hoặc phối hợp tổ chức thực hiện.
“Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ dừng lại ở các sự kiện văn hóa, thể thao mà còn có các hoạt động tri ân, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trong thành công chung đó có sự đóng góp của hệ thống tuyên giáo Thủ đô”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Điểm lại những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm qua, đồng thời ghi nhận cách làm mới, thiết thực, hiệu quả của hệ thống tuyên giáo Thủ đô khi phát huy vai trò chủ thể của mỗi người dân trong từng hoạt động của thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thông qua các hoạt động này nhằm tạo khí thế niềm tự hào dân tộc và quan trọng hơn là để mỗi người dân cảm thấy tự hào vì được tham gia, đóng góp một phần vào thành công chung của thành phố.
Đánh giá cao sự tham mưu của Ban Tuyên giáo Thành ủy trong các hoạt động, sự kiện lớn của Thủ đô năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Phong đặc biệt nhấn mạnh việc lần đầu tiên, thành phố Hà Nội tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng kéo dài 3 tháng về chủ trương lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Những ngày tới, các chi bộ trong toàn Đảng bộ thành phố tiếp tục sinh hoạt chuyên đề lần thứ 2 về chủ đề này, với sự tham mưu của hệ thống tuyên giáo thành phố.
Cơ bản nhất trí với 5 nhóm hạn chế trong năm 2024 như báo cáo, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp thu các nhóm nhiệm vụ mà đồng chí Lại Xuân Môn đã phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, trước hết, năm 2025 là năm cụ thể hóa Luật Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là những căn cứ pháp lý đặc biệt quan trọng để Thủ đô chúng ta phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, vì thế, hệ thống tuyên giáo Thủ đô cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng về nội dung này.
Năm nay, cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Vì thế, đề nghị các cơ quan khi tuyên truyền phải gắn chặt với những đóng góp, vai trò quan trọng của Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hà Nội với vai trò vừa là hậu phương lớn, vừa là Thủ đô đã chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước này với hơn 65 nghìn liệt sĩ đã hy sinh.
“Trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hà Nội của chúng ta có vai trò quan trọng trong lịch sử như vậy, còn hiện nay thì đang đứng ở đâu, với vị trí Thủ đô, Đảng bộ lớn nhất cả nước. Đây là vấn đề mà ngành Tuyên giáo cần tập trung triển khai để mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị phải cụ thể hóa bằng công việc cụ thể. Qua đó khẳng định trách nhiệm, tính gương mẫu của mỗi đảng viên và toàn Đảng bộ thành phố trong kỷ nguyên mới này”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.