Sáng nay, hơn 1 triệu thí sinh thi môn đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
(PNTĐ) - Sáng nay (27/6), 7h35 phút hơn 1 triệu thí sinh sẽ bắt đầu thi môn Ngữ văn - môn thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trong thời gian 120 phút. Buổi chiều từ 14h30 thí sinh làm bài thi môn Toán (thời gian 90 phút).
Hai ngày thi chính thức của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra từ ngày 27-28/6 với hơn 1 triệu thí sinh tham gia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, trong buổi làm thủ tục thi chiều ngày 26/6, tổng số thí sinh đăng kí dự thi: 1.071.393.
Tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi: 1.060.356, đạt tỷ lệ 98.96%.
Tổng số thí sinh không đến làm thủ tục dự thi: 11.037, chiếm tỷ lệ 1.04%.
Ghi nhận và đánh giá chung, buổi làm thủ tục dự thi diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng Quy chế.
Một số thí sinh chưa đến làm thủ tục sẽ tiếp tục làm thủ tục vào đầu buổi sáng ngày 27/6/2024.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đánh dấu một mốc quan trọng của giáo dục phổ thông - đây là Kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Về tổ chức kỳ thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Nếu xét về quy mô, tính chất, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoàn toàn không có gì khác biệt với những kỳ thi năm trước. Kỳ thi vẫn được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô hơn một triệu thí sinh dự thi vào cùng thời điểm và cùng đề thi. Về công tác tổ chức, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023.
Mục tiêu của Kỳ thi cũng không thay đổi. Kết quả thi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Tương tự như mọi năm, với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, Kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, năm 2024 là năm việc chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ sớm mà còn hết sức chủ động. So với những năm trước, hệ thống văn bản chỉ đạo Kỳ thi năm 2024 như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch, quy chế, hướng dẫn của Bộ GDĐT và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan được ban hành sớm hơn. Đây chính là cơ sở để các tỉnh/thành phố chủ động triển khai công tác chuẩn bị tại địa phương.
Qua kiểm tra thực tế, các địa phương đã có sự chuẩn bị cho Kỳ thi từ sớm, từ xa, thể hiện cụ thể trong 6 nhóm công việc như sau:
Thứ nhất, các địa phương đã chủ động ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Có địa phương đã ban hành Chỉ thị của UBND tỉnh về Kỳ thi từ rất sớm.
Thứ hai, ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, địa phương còn thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, thể hiện sự quan tâm của địa phương cho Kỳ thi này.
Thứ ba, Ban Chỉ đạo kịp thời phân công, làm rõ trách nhiệm, tiến hành thanh tra, kiểm tra với tinh thần rà soát tháo gỡ, chủ động trong công việc.
Thứ 4, UBND cấp tỉnh, cấp huyện chủ động tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tốt nhất cho Kỳ thi.
Thứ 5, chủ động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt công tác tập huấn được triển khai nghiêm túc với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia Kỳ thi đều phải được tập huấn.
Thứ 6, các địa phương cũng rất chủ động trong công tác truyền thông, truyền thông đúng, đủ, kịp thời.