Sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025

TTĐT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 11 khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng cho biết, Ban chấp hành T.Ư đã thảo luận xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt và thống nhất rất cao về các nguyên tắc, tiêu chí thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Trình bày chuyên đề 3 “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030”, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng cho biết, việc xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, về lịch sử truyền thống văn hóa dân tộc, kinh tế địa chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025 - ảnh 1
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị tại điểm cầu T.Ư (Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội).

Ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính có vị trí liền kề giữa miền núi đồng bằng với các địa phương có biển với mục tiêu cao nhất là mở rộng không gian phát triển, đáp ứng định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Việc đặt tên cần dễ nhận diện, ngắn gọn, khoa học có giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ, ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới. Trung tâm chính trị hành chính, đơn vị hành chính mới cần có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thuận tiện kết nối với các khu vực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xem xét, lựa chọn trung tâm chính trị hành chính của một trong số các tỉnh hiện nay làm trung tâm chính trị hành chính mới. Sau khi tỉnh mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch lựa chọn xây dựng các trung tâm chính trị hành chính mới hợp lý phù hợp.

Trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí nêu trên, T.Ư đã đồng tình thống nhất rất cao và thông qua chủ trương định hướng như sau: Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cấp tỉnh gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Cấp xã gồm xã, phường trực thuộc tỉnh, thành phố. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc T.Ư.

Đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực. Cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Bộ Chính trị và Ban Bí thư giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc T.Ư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Trong đó căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương chủ động nghiên cứu phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, tiết giảm chi phí, không hình thành cấp huyện thu nhỏ.

Sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025 - ảnh 2
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng trình bày chuyên đề 3 tại Hội nghị.

Trong đó, căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương, các tỉnh, thành phố chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện việc sắp xếp, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở xã, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân, tiết giảm chi phí.

Đồng thời, triển khai tổ chức hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định pháp luật bảo đảm đúng lộ trình, tiến độ đề ra, đạt mục tiêu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng quán triệt kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp cấp xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp từ nay đến ngày 31/10/2025 với 121 nhóm nhiệm vụ được phân công cụ thể cho các cơ quan từ T.Ư xuống cơ sở.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết, một trong những nội dung quan trọng nhất được sửa đổi nhằm bảo đảm ở đâu có tổ chức Đảng, đảng viên thì ở đó có công tác kiểm tra, giám sát.

Tiếp đó, Trưởng ban Tổ chức T.Ư đã công bố và quán triệt nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.

Chỉ thị số 45-CT/TW có nhiều nội dung mới kịp thời cụ thể hóa các nội dung đã được thông qua tại Hội nghị T.Ư 11 (khóa XIII), bảo đảm triển khai tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp đồng bộ gắn với sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm đồng bộ, chất lượng, đổi mới và đúng tiến độ.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng đã quán triệt Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

(PNTĐ) - Chiều 2/7, tại Trụ sở phường Đống Đa, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri 11 phường (Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ, Đống Đa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Láng, Ô Chợ Dừa, Hai Bà Trưng, Vĩnh Tuy, Bạch Mai), báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Hà Nội: Ngày đầu tiên thực hiện chính quyền 2 cấp, người dân phấn khởi vì thủ tục nhanh gọn

Hà Nội: Ngày đầu tiên thực hiện chính quyền 2 cấp, người dân phấn khởi vì thủ tục nhanh gọn

(PNTĐ) - Sáng 1/7, Hà Nội chính thức bước vào ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 126 xã, phường mới. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số phường trên địa bàn Hà Nội, công tác chuyển tiếp được diễn ra suôn sẻ, đúng kịch bản, không gây xáo trộn đời sống người dân.
Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẵn sàng phục vụ người dân ngay ngày đầu bộ máy chính quyền hai cấp

Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẵn sàng phục vụ người dân ngay ngày đầu bộ máy chính quyền hai cấp

(PNTĐ) - Ngày 1/7/2025, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền khi Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền đô thị hai cấp. Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội đã hoàn tất toàn diện công tác chuẩn bị, chủ động kết nối liên thông với 126 UBND xã, phường trên toàn địa bàn và 30 Chi nhánh trực thuộc, sẵn sàng phục vụ người dân, doanh nghiệp không gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính.