Thành phố cũng đang khẩn trương phối hợp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 4/7, tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ những ý kiến của đại biểu HĐND Thành phố.

Thành phố cũng đang khẩn trương phối hợp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi - ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo tại kỳ họp

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Thành phố trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND Thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, tài chính, ngân sách.

Làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Thành phố đang triển khai quyết liệt các giải pháp để tạo cơ chế và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn.

Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ theo Chương trình của Chính phủ phục hồi và phát triển KTXH: Ưu đãi về thuế, phí, tín dụng... (hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các gói tín dụng ưu đãi cho vay theo Chương trình của Chính phủ, Gói tín dụng nhà ở xã hội (120.000 tỷ đồng); các chương trình cho vay kết nối ngân hàng – doanh nghiệp;…); Hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp theo quy định của Thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các quỹ trên địa bàn: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Nhóm các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cùng với định hướng Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung vai trò, vị thế của Thủ đô đã được làm rõ trong mối liên hệ vùng trong định hướng Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành, lĩnh vực và tiếp tục được luận chứng cụ thể hóa chi tiết trong các đồ án quy hoạch đang được triển khai, theo đó thực sự xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành trung tâm hội tụ, lan tỏa của khu vực, là một trong 2 cực tăng trưởng của đất nước và là vùng động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.

Đồng thời tiếp tục triển khai mạnh việc lập quy hoạch chi tiết để phủ kín các phân khu đô thị, lập thiết kế đô thị hai bên tuyến đường, các quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn nhằm tạo bộ mặt đô thị văn minh hiện đại.

Về chuyển đổi số, Thành phố xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số. Tới đây, UBND Thành phố sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung cơ bản của chuyển đổi số: Số hóa thực thể (định danh cá nhân, đất đai, nhà cửa, định vị, bản đồ số, thông tin tài liệu hành chính công….) phục vụ người dân, doanh nghiệp; số hóa quy trình (phương thức phối hợp các hoạt động trong hệ thống); rà soát, xây dựng cơ chế, hoặc kiến nghị những quy định không thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố; Chuyển đổi số chính là thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm dịch vụ với 3 nền tảng (hạ tầng truyền thống được thông minh hóa, hạ tầng truyền thống, văn hóa số) hướng tới hình thành 3 trụ cột: Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số.

Những vấn đề liên quan đến thu ngân sách và khơi thông nguồn lực của nền kinh tế, nguồn thu từ đất đai là tồn tại hạn chế năm 2023. Thành phố sẽ nỗ lực triển khai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất; nguồn thu từ quỹ đất quy hoạch 2 bên tuyến đường Vành đai 4; nguồn thu từ phát triển mô hình đô thị TOD - Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng và nguồn thu từ quản lý, khai thác tài sản công.

Thành phố cũng đang khẩn trương phối hợp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi - ảnh 2
Quang cảnh kỳ họp

Thành phố sẽ tập trung quyết liệt kiểm tra, thu hồi các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai (hơn 712 dự án, tổng diện tích đất được cấp cho các dự án trên là hơn 5.000ha) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung thu hút các nguồn lực để phát triển (qua rà soát, đã giảm được 419 dự án (tương đương 58,8%) của tổng số 712 dự án chậm triển khai).

Số dự án còn lại cần tiếp tục xử lý vẫn còn khá lớn: 50/135 dự án chưa được giao đất; 150/404 dự án đã được giao đất tiếp tục cần các cơ quan hậu kiểm, giám sát việc xử lý; 93/173 dự án do các quận, huyện, thị xã phát hiện đề xuất.

Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp chủ trì làm việc với các sở, ngành để xem xét, chỉ đạo xử lý, giải quyết cụ thể đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã.

Thời gian qua, đã làm việc với các quận, huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Ngay sau kỳ họp HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm, như: Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức....

Về việc chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn sau, Thành phố cần thiết có cơ chế đặc thù để khắc phục tình trạng chậm trễ trong triển khai công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị tốt cho các dự án giai đoạn sau, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm, quan trọng của Thành phố giai đoạn 2026-2030. Xác định đây là một trong những chính sách đặc thù, đột phá của Thành phố trong thời gian tới, nhất là để chuẩn bị thực hiện đối với các dự án trọng tâm, trọng điểm, dân sinh bức xúc.

Thành phố cũng đang khẩn trương phối hợp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi - ảnh 3
Các đại biểu tham dự kỳ họp

UBND Thành phố sẽ chỉ đạo Sở KH&ĐT sớm rà soát để đề xuất, bổ sung vào cơ chế chính sách trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng thời cũng giao Sở KH&ĐT và các sở ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất thêm những giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực là một trong những kế hoạch lớn của Thành phố. Từ nay đến giữa năm 2025 là phải tập trung cao độ triển khai thực hiện để chuẩn bị cho đánh giá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, đặc biệt là gắn với việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu Đại hội. Kế hoạch này do rất nhiều đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo. Phải khẩn trương xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII trong lĩnh vực di tích, giáo dục, y tế; xác định đây là nội dung quan trọng, cần phải thực hiện ngay (giai đoạn 2023-2025 phải công nhận mới là 410 trường, công nhận lại cần là 1.150 trường...). Thành phố sẽ tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt trong nội dung này.

Đối với các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị, vệ sinh môi trường, dân sinh bức xúc, UBND Thành phố xác định tiếp tục tập trung hoàn thành 3 nội dung quan trọng trong năm 2023: Xây dựng Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô; Luật Thủ đô sửa đổi nhằm xây dựng thể chế phát triển đồng bộ. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, hạ tầng KHCN, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường sắt đô thị, các cầu vượt sông Hồng…

Hiện nay, các bộ đang tập trung xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, trong bối cảnh UBND Thành phố đang tổ chức triển khai lập đồng thời Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô theo phương pháp tích hợp quy hoạch. Trong quá trình triển khai, các nội dung về hạ tầng, liên kết vùng, các vấn đề xử lý ô nhiễm nguồn nước, môi trường, và các vấn đề xã hội dân sinh sẽ được tập trung tích hợp vào các quy hoạch làm căn cứ huy động nguồn lực để đầu tư giải quyết.

Đồng thời, UBND Thành phố cũng đang khẩn trương phối hợp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, nhằm tạo hành lang pháp lý đặc thù cho xây dựng và phát triển Thủ đô.

Ngoài ra, đối với các vấn đề dân sinh bức xúc và các đại biểu có ý kiến như vấn đề như chung cư cũ, ô nhiễm môi trường… UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành tiếp tục triển khai giải quyết với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, và phục vụ Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Singapore, lên đường thăm chính thức Nhật Bản

Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Singapore, lên đường thăm chính thức Nhật Bản

(PNTĐ) - Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore, chiều 3/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rời sân bay Changi Singapore, lên đường thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 3-7/12/2024.
Nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức, giúp dân tộc Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới

Nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức, giúp dân tộc Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 284-KH/TU ngày 29/11/2024 về việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong toàn Đảng bộ thành phố.
Xây dựng một giai cấp nông dân mang bản sắc riêng, thể hiện tầm vóc Thủ đô

Xây dựng một giai cấp nông dân mang bản sắc riêng, thể hiện tầm vóc Thủ đô

(PNTĐ) - Trước yêu cầu mới, đòi hỏi phải xây dựng nông dân Thủ đô khác biệt về tư duy và nhận thức. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị: “Xưa chúng ta vẫn có suy nghĩ là nông dân nghĩ nhỏ, làm việc nhỏ nay nông dân phải nghĩ lớn và làm lớn. Nông dân Hà Nội sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường khoảng 10 triệu dân của Thủ đô mà còn hướng tới thị trường toàn cầu”.
‘Giáo dục toàn diện’ xu hướng mới của ngành công nghiệp giáo dục Thủ đô

‘Giáo dục toàn diện’ xu hướng mới của ngành công nghiệp giáo dục Thủ đô

(PNTĐ) - Với cách tiếp cận sáng tạo trong việc học tập, phát triển của trẻ em thông qua cách kết hợp câu chuyện, tương tác và bài học, bộ sách Zookiz ScholarVerse do NXB Phụ Nữ cấp phép đang thu hút sự chú ý của đông đảo giáo viên và phụ huynh thủ đô những ngày gần đây bởi sự toàn diện. Đây được xem là xu hướng mới của ngành công nghiệp giáo dục.