Thị trường làm đẹp: Mê hồn trận !

Chia sẻ

Khi nhu cầu làm đẹp, thẩm mỹ ngày càng tăng cao đã kéo theo thị trường các sản phẩm làm đẹp "nở rộ". Trên các trang mạng xã hội, facebook, fanpage… tràn ngập thông tin quảng cáo với những lời giới thiệu như “rót mật” vào tai. Đồng thời thổi phồng các công dụng trong khi chất lượng và hiệu quả của nó vẫn còn là câu hỏi để ngỏ câu trả lời…

Quảng cáo thổi phồng công dụng

Chỉ cần gõ từ khóa về làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, giảm béo, cắt mí, tiêm filler… trên google hoặc facebook chúng ta dễ dàng thấy rất nhiều trang web, tài khoản đăng quảng cáo, giới thiệu về các dịch vụ này với những lời “có cánh”.

Đơn cử trên trang facebook “Giang Lee Beauty Center”, người đọc thấy rất nhiều hình ảnh, clip ghi lại quy trình tiêm giảm mỡ bụng, kèm tư vấn: “Khách nên tiêm 1 liệu trình để giảm theo ý muốn, hiệu quả lắm luôn. Công thức bên em tiêm là giảm. Mỡ nhiều cỡ nào cũng giảm”.

Cụ thể, các dịch vụ tiêm tan mỡ được quảng cáo gồm: Tiêm tan mỡ bắp tay, giảm cơ bắp tay, tiêm tan mỡ đùi, tiêm tan mỡ bụng, tiêm tan mỡ nọng cằm… mà không cần nghỉ dưỡng, không phẫu thuật, không đau, không để lại sẹo, hiệu quả duy trì lâu dài theo thời gian.

Cũng với mục đích giảm cân, nhiều trang web lại giới thiệu giải pháp tiêm tinh chất giảm béo. Theo đó, bác sĩ sẽ đưa tinh chất vào vùng cần giảm béo, từ đó mỡ sẽ được hóa lỏng và đào thải ra ngoài theo hệ bài tiết tự nhiên của cơ thể hoặc đường mồ hôi. Phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều vùng ví dụ như bụng, đùi, mông, bắp chân, bắp tay, nọng cằm… mà rất an toàn.

Tuy nhiên theo ThS.BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt (bệnh viện E): Ở nước ta, chưa có loại tinh chất giảm cân, giảm mỡ bụng nào được cấp phép. Lời quảng cáo nghe có vẻ hợp lý, hiệu quả như “mỡ được hóa lỏng, đào thải ra ngoài theo hệ bài tiết”… thực tế lại hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Nhưng nhiều người vì chủ quan, dễ dãi, tin vào những quảng cáo “nổ” như vậy dẫn tới “tiền mất, tật mang”.

Như trường hợp của một khách hàng tên A.N (trú tại Hà Nội) mới đây đăng thông tin “bóc phốt” Viện giảm béo có địa chỉ tại phố Hòa Mã (Hai Bà Trưng, Hà Nội), kèm lời cảnh báo: “Các chị em đừng tin những gì họ quảng cáo trên mạng. Tất cả đều là giả mạo, là lừa đảo.

Khi đến đây, đầu tiên bạn sẽ được bác sĩ (rởm) tư vấn bằng nhiều chiêu bài nhử khách với những gói giảm béo nghe rất bùi tai. Khách đến làm giảm béo sẽ được họ giới thiệu là xuyên chỉ vaser tiêu mỡ, xiết eo nhưng thực tế là bị họ tiêm chất gì đó vào người, để lại vài vết bầm thâm hai bên sườn. Sau đó họ phát cho một gói thuốc nửa trắng nửa xanh và nói đấy là detox do Viện sản xuất. Thực chất đó là những viên thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, uống vào sẽ hại gan thận rất dã man”…

Hình ảnh quảng cáo về cách thức thực hiện thủ thuật tiêm filler tại một số spa trên trang mạng xã hội 	Ảnh: PVHình ảnh quảng cáo về cách thức thực hiện thủ thuật tiêm filler tại một số spa trên trang mạng xã hội  Ảnh: PV

Biển hiệu “mập mờ” đánh lừa khách hàng

Cũng theo ThS.BS Nguyễn Đình Minh, việc bùng nổ quảng cáo dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hiện nay đang gây ra hệ lụy tiêu cực kinh khủng. Nhiều bác sĩ vừa ra trường hoặc đang là sinh viên chưa ra trường chỉ chăm chăm xây dựng thương hiệu bằng quảng cáo, không lo học hành, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Đó là chưa nói đến nhiều người “tay ngang” từ nhân viên văn phòng, thợ cắt tóc, gội đầu… chỉ trải qua một vài khóa học của các “viện thẩm mỹ” đã tự mở spa để “hành nghề”.

Mặt khác, việc các cơ sở làm đẹp đăng ký với tên gọi chung là thẩm mỹ viện cũng dễ khiến người dân hiểu lầm nơi đây có thể thực hiện các phẫu thuật làm đẹp. Để đối phó với cơ quan chức năng và “lấy lòng” khách hàng, một số cơ sở làm đẹp thường trưng ra những “giấy chứng nhận”, “bằng khen” do các tổ chức hội không rõ ràng trao tặng. Tuy nhiên, các loại khen thưởng đó không thể thay thế được giấy tờ theo quy định pháp luật như: Giấy phép hành nghề, giấy phép đăng ký kinh doanh. Để rồi vì đặt niềm tin nhầm địa chỉ nên không ít người đã phải trả giá đắt, trở thành nạn nhân của những ca phẫu thuật xẻ mí, hút mỡ, nâng ngực, tiêm filler… không thành công.

Một trường hợp bị mất thị lực, suýt mù mắt trái, co giật vì tiêm filler nâng mũi tại spa được cấp cứu thành công mới đây tại bệnh viện Việt Đức là một minh chứng. Bệnh nhân là chị B (47 tuổi, ở Hà Nội) tiêm filler nâng mũi tại một spa của người quen ở địa phương. Vì thân quen nên chị tin tưởng vào lời giới thiệu của spa này. Tuy nhiên sau tiêm filler khoảng 10-15 phút, khi đang được người của spa nắn sống mũi, chị B bắt đầu có biểu hiện nóng đầu, hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật.

Chia sẻ với báo chí PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ (bệnh viện Việt Đức) bức xúc: Mặc dù thời gian qua các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều thông tin, cũng như khuyến cáo về hậu quả khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo, nhưng gần đây, tuần nào Khoa cũng tiếp nhận ca bệnh gặp tai biến, từ tai biến do tiêm filler đến tai biến nhiễm trùng sau mổ.

Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo những người đi làm đẹp nên tìm hiểu kỹ các dịch vụ về lĩnh vực này. Ngoài thông tin từ đội ngũ tư vấn viên spa, nên tham khảo thêm thông tin khuyến cáo từ ngành y tế. Riêng với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… không được phép làm tại thẩm mỹ viện. Chỉ có các bệnh viện lớn như bệnh viện 108, Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Đức, Đa khoa Xanh Pôn, bệnh viện E…; cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép tiến hành những thủ thuật này mới có thể thực hiện.

PHÙNG THU

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.