Thi vào trường Chuyên tại Hà Nội: Con thức 2h sáng để ôn thi, bố mẹ đứng ngồi không yên
(PNTĐ) - Sáng nay, 12/6, các thí sinh đăng ký vào các trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên bắt đầu làm bài thi tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 của Hà Nội.
Không tạo áp lực cho con
Theo lịch, thí sinh sẽ làm bài thi các môn như Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học trong thời gian 150 phút hoặc Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn (môn thay thế) trong thời gian 120 phút buổi sáng, bắt đầu từ 8h.
Buổi chiều, từ 14h, các thí sinh sẽ làm các bài thi môn Vật lý, Lịch sử, Địa lý trong thời gian 150 phút hoặc Hóa học, Tiếng Anh trong 120 phút.

Thí sinh muốn dự tuyển vào lớp 10 THPT có dạy hệ chuyên phải bảo đảm các điều kiện: Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp THCS từ khá trở lên; Xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên. Khi đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chuyên, học sinh phải căn cứ vào nguyện vọng và khả năng học tập môn chuyên, lịch thi các môn chuyên để đăng ký cho phù hợp. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng chuyên đã đăng ký. Học sinh của Hà Nội được chọn tối đa 2 trong số 4 trường dưới đây để đăng ký dự thi (2 NV).
Hà Nội hiện có 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên gồm: Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Sơn Tây. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 sắp tới, học sinh có thể chọn tối đa 2 trong 4 trường nói trên để đăng ký dự tuyển.
Năm 2023, số lượng học sinh đăng ký vào các trường chuyên trực thuộc TP Hà Nội là 11.283 thí sinh. Để đảm bảo công tác tổ chức thi, Hà Nội đã bố trí 17 địa điểm thi với gần 500 phòng thi. Năm nay, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ có 4.127 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ tiêu là 525, tỷ lệ “chọi” dao động từ 1/4 đến 1/29. Trường THPT Chu Văn An, hồ sơ dự tuyển vào hệ chuyên là 3.222. Lớp chuyên Anh của trường lấy 35 chỉ tiêu nhưng nhận được tới 1.084 hồ sơ. Tỷ lệ “chọi” của lớp này là 1/31, cao nhất trong nhóm 4 trường chuyên của Hà Nội. Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam nhận được 2.805 hồ sơ dự thi vào 16 lớp chuyên của 12 môn chuyên, trong đó các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh (mỗi môn có 2 lớp chuyên); các môn: Tin học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung (mỗi môn 1 lớp chuyên). Tỷ lệ chọi của trường dao động từ 1/1 đến 1/10. Cao nhất là lớp chuyên Anh, thấp nhất là lớp chuyên Nga. Trường THPT Sơn Tây có 9 lớp chuyên của 9 môn chuyên: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh. Tỷ lệ “chọi” dao động từ 1/2 đến 1/5.
Ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô tại điểm thi trường THCS Trần Duy Hưng, các học sinh đã đến đúng giờ, không có học sinh đến muộn. Chị Oanh (trú tại Hà Đông, Hà Nội) đưa con gái Trần Ánh Dương đến dự thi chuyên môn Ngữ văn trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam hồi hộp đợi con trước cổng trường thi. Chị cho biết, hai ngày thi đầu tiên, dù con làm bài rất tốt song áp lực thi trường chuyên vẫn khiến con gái Trần Ánh Dương rất hồi hộp, lo lắng. Tối qua, để ôn bài kỹ hơn, Dương đã thức đến hơn 2 giờ sáng, đến khi bố mẹ khuyên đi ngủ sớm để có sức khỏe và tinh thần cho ngày thi hôm sau, Dương mới chịu đi ngủ.
Theo chị Oanh, con gái đi thi, chị cũng áp lực rất nhiều, không phải vì lo cho lực học của con, mà vì sợ con thi không đỗ thì con sẽ buồn và ảnh hưởng tâm lý. “Con gái tôi đã đăng ký thi 3 trường chuyên trước đó là trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, trường THPT chuyên Ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội và trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn. Con nói là làm tốt các bài thi của mình, song con vẫn thích vào trường Hà Nội – Amsterdam và đăng ký thi hai môn chuyên là Ngữ văn và Tiếng Anh. Thi vào trường Amsterdam tỉ lệ chọi cao, áp lực lớn nên mẹ cũng lo lắng, dặn con lượng sức chọn trường cho phù hợp nhưng con bảo đây là sở thích của con và con sẽ cố gắng” - chị Oanh cho biết.
Để giúp con giảm bớt áp lực, chị Oanh đã đưa con đi chùa cầu may trước kỳ thi, chọn màu quần áo phù hợp với mệnh,… “Các con thi vào trường đều có học lực tốt như nhau, nên chỉ sơ sẩy một chút là trượt” – chị Oanh nói.
Chị Oanh cho biết, Dương thường tự áp lực về thành tích cho mình trong quá trình học tập. Có hôm, con học từ 8 giờ sáng đến 2h sáng hôm sau, uống 5 gói cà phê để thức ôn bài. Chị Oanh cứ sợ con ốm và ảnh hưởng sức khỏe nên luôn khuyên con gái không nên tự áp lực quá mà ảnh hưởng đến kỳ thi. “Hôm thi tiếng Anh, con bảo làm sai 3 câu mà cả tối hôm đó, con gái tôi cứ dằn vặt, buồn rầu cả tối” - chị Oanh kể.
Chờ con trước cổng trường, chị chỉ lo tâm lý của con sau khi thi, dù con có cố gắng hết sức nhưng thi cử nhiều khi may rủi, có lúc sơ sẩy thì lại kết quả không được tốt. Lúc đó, con lại buồn nhiều.
Còn anh Nguyễn Phương Đông, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cũng không tạo áp lực cho con trước kỳ thi. “Là phụ huynh đưa con đi thi, tôi cũng rất lo lắng, nhưng con gái tôi có học lực tốt và nguyện vọng thi vào trường chuyên nên tôi để cho con tự quyết định theo lực học của mình. Con vào thi, bố mẹ ở ngoài xốn xang, lo lắng lắm. Khi con ra mà tâm trạng phấn khởi, tươi tỉnh thì bố cũng vui vì nghĩ là cháu làm được bài” – anh Đông cho biết.
Theo anh Đông, Phương – con gái anh là cô bé tự giác, học lực tốt. Các môn thi trước con đều làm bài tốt. Trước đó, Phương đã đăng ký và thi vào THPT chuyên của đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Lần này, Phương đăng ký thi chuyên sinh của trường chuyên Hà Nội – Amterdam, dự liệu kết quả tốt. “Ở nhà, ngoài thời gian học tập, tôi muốn con giảm áp lực và căng thẳng bằng việc tham gia các hoạt động xã hội, làm việc nhà, nghỉ ngơi. Dù đều là công chức nhà nước, nhưng nếu con học tốt các môn và con yêu thích thì chúng tôi sẽ cố gắng để con được đi học” – anh Đông nói.
Quyết tâm đỗ trường chuyên để tạo đà xây dựng ước mơ của mình
Mang theo pano đến để cổ vũ cho hai bạn thân dự thi Chuyên Văn trường Amsterdam, Nguyễn Hoàng Bảo Linh, cựu học sinh trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, hai bạn của em đều là Hồng Minh hôm nay thi vào chuyên Ngữ văn của trường. Từ sáng, Linh đã nhờ mẹ đi in pano để cổ vũ các bạn thi tốt. “Con đăng ký thi vào trường THPT Việt Đức và tự tin là sẽ đỗ. Trước khi đi thi, em quay video hát cổ vũ bạn” – Linh nói. Xúc động trước tình bạn của các con, chị Vân Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị rất vui vì các con có tình bạn tốt, dám thể hiện tình yêu tình bạn của mình.

Vượt gần 30km để dự thi vào chuyên Văn trường Amsterdam, rm Đặng Yến Nhi, học sinh trường THCS Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, do đường xa, tối hôm qua, 11/6, Yến Nhi đã sang ở nhờ tại nhà cô giáo dạy thêm môn Văn để kịp đi thi cho đúng giờ.
Bố mẹ Yến Nhi bận rộn công việc mưu sinh, nên những ngày Nhi đi thi vào trường Amsterdam, em đều tự đi thi. Dù không có bố mẹ bên cạnh đợi mỗi ngày, nhưng Yến Nhi đã luôn tự tin và nỗ lực làm tốt bài thi của mình. Đánh giá điểm thi của những ngày trước, Yến Nhi tự tin hoàn thành tốt bài thi hơn mức mong đợi.
Trong ngày thi cuối, Yến Nhi thi tiếp đề thi chuyên Ngữ văn của trường chuyên Amsterdam. Theo Yến Nhi, đề thi nghị luận văn học trong phạm vi ôn, phần thi nghị luận xã hội phù hợp với mạch cảm xúc của em nên Nhi đã làm khá tốt bài thi của mình. Gửi lời cảm ơn đến bố mẹ đã luôn ủng hộ và tạo động lực cho em, cũng như cảm ơn cô giáo dạy thêm môn Văn đã đưa đi thi mỗi ngày, Yến Nhi mong sẽ đỗ vào trường để viết tiếp những ước mơ của mình sau này.
Yến Nhi cho biết, vì đam mê với môn văn, nên em luôn cảm nhận tác phẩm theo hướng riêng của mình. Nhi đã đạt nhiều giải thưởng văn của huyện và của thành phố, trong đó có giải Ba văn cấp thành phố năm học 2022-2023 vừa qua. Để có thể thi đỗ vào trường Amsterdam, Nhi đã đăng ký học thêm môn Ngữ văn ở nội thành Hà Nội từ năm lớp 8. Hai năm nay, đều đặn 2 buổi mỗi tuần, Nhi vượt 30km, đi 2 tuyến xe buýt đến nhà cô giáo để ôn luyện. “Trường amstẻrdam là môi trường lý tưởng với nhiều bạn giỏi để em có thể học hỏi, cũng là nơi có thể cho con nhiều kiến thức, kỹ năng, tạo đà cho con trưởng thành hơn, thực hiện ước mơ của mình” - Yến Nhi cho biết.
Cô giáo Thanh Hoài Thanh, giáo viên dạy thêm môn Ngữ văn của Nhi cũng tự hào: Tôi luôn khâm phục học sinh Yến Nhi bởi ý chí và nghị lực của em. Mặc dù nhà xa, nhưng em đã nuôi dưỡng ước mơ được bước chân vào một ngôi trường tốt nên đã không quản ngại đi xa, vất vả để ôn luyện và đăng ký thi. Nếu sau này em đỗ vào trường, em sẽ tự thuê trọ, tự lập ở xa nhà để vừa học vừa lo cho cuộc sống của mình. “Trong khi các bạn cùng trang lứa vẫn còn phụ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ thì Nhi đã vượt ra khỏi vùng an toàn để dám thử thách với chính mình, lựa chọn xa nhà để tìm một ngôi trường học phù hợp, tạo đà cho sự phát triển sau này. Đó là quyết định táo bạo và mạnh mẽ đáng được nể phục” – cô Hoài Thanh nói.