Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XVI:

Thông qua các giải pháp quản lý, sử dụng tài sản công

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 10/3, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Thông qua các giải pháp quản lý, sử dụng tài sản công - ảnh 1
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết 

Nghị quyết thông qua Đề án, HĐND TP lưu ý về giải pháp đối với từng nhóm tài sản công, cụ thể về Nhà, quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao các tổ chức, đơn vị kinh doanh nhà quản lý, khai thác: Rà soát, thống kê toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố đang giao đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác, tổ chức phân loại làm cơ sở đề xuất kế hoạch, lộ trình xử lý, biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Kiên quyết thu hồi đối với phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về Thành phố quản lý (quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...), diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định. Trường hợp vi phạm phức tạp, kéo dài nghiên cứu áp dụng biện pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.

Trên cơ sở kết quả phân loại nợ nghĩa vụ tài chính đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố, tập trung triển khai giải pháp xử lý dứt điểm từng nhóm nợ đọng.

Xây dựng Đề án khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Từng bước áp dụng các hình "đấu giá cho thuê" thay cho hình thức "cho thuê chỉ định" nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch theo hướng thị trường.

Trên cơ sở quy định của Trung ương về cơ chế quản lý, khai thác quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước và Luật Thủ đô, nghiên cứu hoàn thiện mô hình hoạt động của tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố theo hướng tập trung 1 đầu mối theo từng nhóm quỹ nhà nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý theo đúng quy định và cơ chế thị trường.

Thông qua các giải pháp quản lý, sử dụng tài sản công - ảnh 2
Quang cảnh kỳ họp

Về trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp giao cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng: Xây dựng Đề án tổng thể khai thác tài sản công là nhà, đất tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất, khẩn trương hoàn thành rà soát, lập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Rà soát, ban hành đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng. Nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ rà soát, xây dựng Đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Về Đất đai, xây dựng Đề án tổng thể khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Xây dựng Đề án khai thác các quỹ đất phụ cận các dự án giao thông trọng điểm, quỹ đất dự kiến đối ứng cho các Dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Tập trung hoàn thành các quy hoạch tổng thể và chi tiết của Thành phố, vùng, phân khu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch Thành phố, Kế hoạch sử dụng đất theo giai đoạn của Thành phố.

Tập trung thực hiện Danh mục dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất phòng hộ (được HĐND Thành phố thông qua), Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đảm bảo chất lượng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện từ quy hoạch, đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định nghĩa vụ tài chính.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất.

Thường xuyên rà soát, đôn đốc để tiếp nhận quỹ nhà 30% - 50%, quỹ đất 20% - 25% tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn phải bàn giao lại cho Thành phố theo các Quyết định của UBND Thành phố.

Khẩn trương đôn đốc công tác di dời đối với những cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch theo quy định của Luật Thủ đô.

Đối với quỹ đất đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng hoặc cơ sở nhà, đất tiếp nhận sau khi di dời, thu hồi, khẩn trương lập phương án và tổ chức thực hiện khai thác hiệu quả theo quy định.

Kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các dự án có sử dụng đất nhưng chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng, có nguyên nhân chủ quan; trường hợp cố ý chây ỳ, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi theo quy định pháp luật. Công khai, minh bạch thông tin đối với dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật bị cưỡng chế, thu hồi, chấm dứt hoạt động để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Tài sản kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ rà soát, phân loại, xác định giá trị và giao tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố theo các Nghị định của Chính phủ. Đẩy mạnh xã hội hóa khai thác nguồn lực tài chính tài sản kết cấu hạ tầng bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

Về tài nguyên, tiếp tục xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ, hiện trạng rừng, điều chỉnh quy hoạch rừng, phân định ranh giới rừng trên bản đồ và thực địa; thiết lập hồ sơ quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.

Về ô tô và tài sản khác, rà soát, ban hành đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng theo quy định của Trung ương. Khuyến khích thực hiện khoán kinh phí sử dụng tài sản công.

Thông qua các giải pháp quản lý, sử dụng tài sản công - ảnh 3
Quang cảnh kỳ họp

Trước đó, trong báo cáo Thẩm tra của HĐND TP nhấn mạnh, việc UBND TP xây dựng Đề án là cần thiết nhằm đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Thành phố; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất các giải pháp kịp thời quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, huy động thêm các nguồn lực tài chính từ tài sản công để đẩy mạnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Ban Kinh tế ngân sách cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn của Đề án. Các giải pháp đề xuất (gồm 5 nhóm giải pháp chung và các nhóm giải pháp cụ thể đối với 4 loại tài sản công: nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng, tài nguyên, ô tô và tài sản khác) không chứa nội dung quy phạm pháp luật và mang tính định hướng, vừa là các giải pháp cần triển khai ngay, vừa là các giải pháp lâu dài để thực hiện trên cơ sở bám sát yêu cầu thực tiễn trong quá trình nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công của Thành phố.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.