Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đời đời bất diệt
(PNTĐ) - Tuyên ngôn độc lập bất hủ 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Cũng với Tuyên ngôn 2/9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cuối tháng 1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám do Hồ Chí Minh chủ trì, đã khẳng định rằng cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, theo tinh thần dân chủ mới; và chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới sẽ là của chung của toàn thể dân tộc.
Năm 1945, tình hình trong nước biến chuyển rất mau lẹ. Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh. Quân đồng minh chuẩn bị kéo vào nước ta để giải giáp vũ khí của Nhật. Thực dân Pháp cũng đang ráo riết chuẩn bị quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tình thế lúc này là vô cùng khẩn cấp, nhưng cũng là thời cơ ngàn năm có một, nếu để trôi qua thì sẽ không bao giờ trở lại. Cần phải chớp thời cơ, dũng cảm và kiên quyết, kịp thời tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chiếm thế thượng phong trước các thế lực đang nhăm nhe thôn tính Việt Nam, xác lập địa vị làm chủ đất nước của chính quyền nhân dân trước khi Đồng minh kéo vào nước ta và thực dân Pháp quay trở lại. Với nhãn quan cách mạng vô cùng sáng suốt, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Lúc này dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho bằng được nền độc lập cho Tổ quốc
Trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Tổng bộ Việt Minh tổ chức khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đại hội đã thông qua chủ trương phát động tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Đại hội cũng thông qua nhiều chính sách lớn về đối nội, đối ngoại; thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, bao gồm 15 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch.
Với sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh, tổng khởi nghĩa mùa thu tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi vang dội, xoá bỏ ách thống trị của phong kiến, thực dân; quyền làm chủ đất nước lần đầu tiên được trao về tay nhân dân lao động.
Sau khởi nghĩa, Uỷ ban dân tộc giải phóng đã đã bổ sung thêm nhiều nhân sỹ, trí thức có tâm huyết và tinh thần yêu nước, thành lập Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, bao gồm hàng trăm ngàn đồng bào Hà Nội và cả nước đổ về tụ hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời. Tuyên ngôn nhấn mạnh: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới. Tuyên ngôn khẳng định: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xit mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!
... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Cũng với Tuyên ngôn 2/9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà mình dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Và cũng bắt đầu từ Tuyên ngôn 2/9, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. 66 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân tộc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
Ngày nay đất nước ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần; Việt Nam đã trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế. Kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2/9, mỗi người Việt Nam dù đang bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2/9/1945 lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng nói ấm áp của Người, đọc Tuyên ngôn 2/9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đời đời bất diệt