Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cách đây 80 năm, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết. “Giặc dốt” trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm, cùng với “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Người từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ là một sáng kiến giáo dục mà còn là nền tảng để xây dựng một xã hội giàu tri thức và sức mạnh công nghệ

Ý nghĩa lịch sử của phong trào không chỉ nằm ở sự kế thừa mà còn ở cách nó mở ra một hướng đi mới. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhận định: "Đây là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, không chỉ là một sáng kiến giáo dục mà còn là nền tảng để xây dựng một xã hội giàu tri thức và sức mạnh công nghệ." Với tinh thần đó, phong trào không chỉ hướng tới việc "xóa mù" về kỹ năng số mà còn khơi dậy tinh thần tự học, tự chủ và đoàn kết của toàn dân, như cách mà phong trào cũ đã làm được trong những ngày đầu lập quốc.

Trong buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 diễn ra vào ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Phong trào “Bình dân học vụ” với chính sách “cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền” sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tương ứng sau 13 năm và 20 năm, đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi phía Bắc - hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược. Thành tựu xóa nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước”.

Cũng tại buổi gặp mặt, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, một trong những công việc cần làm ngay đó là phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra hết sức cấp thiết”.

Với tinh thần "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", phong trào năm xưa đã giúp hàng triệu người dân biết đọc, biết viết chỉ trong thời gian ngắn, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Nay, trong kỷ nguyên số, "giặc dốt" mang một hình hài mới - sự thiếu hụt kỹ năng số - và phong trào "Bình dân học vụ số" ra đời để đối mặt với thách thức này. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Nếu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là động lực phát triển, thì không thể thiếu một xã hội số toàn diện, và điều đó bắt đầu từ việc phổ cập tri thức số cho mọi người dân."

Để triển khai phong trào hiệu quả, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương đóng vai trò then chốt. Bộ Công an, với vai trò cơ quan thường trực của Đề án 06, đã phối hợp chặt chẽ với Đại học Bách khoa Hà Nội để xây dựng nền tảng "Bình dân học vụ số". Trong tương lai, Bộ sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để thiết lập các quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo nền tảng này kết nối mượt mà với các hệ thống số khác trên toàn quốc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ phối hợp xây dựng khung năng lực số và tài liệu học tập phù hợp cho từng nhóm đối tượng, từ học sinh, sinh viên đến người lao động và cán bộ công chức. Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sẽ giám sát, đôn đốc và định hướng truyền thông để phong trào lan tỏa sâu rộng.

Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số” - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

UBND TP Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng được yêu cầu hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc phát triển cơ sở vật chất, trong khi tỉnh Hưng Yên sẽ đồng hành trong dự án xây dựng cơ sở 2 của trường. Vai trò của chính quyền địa phương còn thể hiện ở việc triển khai mô hình "đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người", đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Thủ tướng nhấn mạnh rằng phong trào cần mang lại lợi ích thiết thực, hài hòa giữa cá nhân và tập thể, đồng thời gắn với các ngày lễ lớn trong năm 2025 và chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Hà Nội: “Không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số

Tại Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã ký ban hành Kế hoạch số 05-KH/BCĐ57 của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số” - ảnh 2
Bạn trẻ trai nghiệm khoa học công nghệ

Kế hoạch được ban hành với mục đích nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số, khơi dậy động lực tự thân của mỗi người trong học tập, rèn luyện kỹ năng số và tham gia đầy đủ vào tiến trình chuyển đổi số của Thủ đô. Triển khai sâu rộng phong trào "Bình dân học vụ số" trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TƯ.

Thông qua đó, nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số; mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

 Hiện nay, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ. Nhằm phát huy tinh thần xung kích, Đoàn Thanh niên quận Tây Hồ đã triển khai đội hình “Bình dân học vụ số” với 22 đoàn viên, hội viên có kiến thức vững về công nghệ số, thường trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Chi nhánh số 1 thành phố Hà Nội để hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến tất cả các ngày trong tuần. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong phục vụ nhân dân, mô hình còn thể hiện vai trò tiên phong của thanh niên Thủ đô trong việc lan tỏa tri thức số, thúc đẩy người dân trở thành công dân số một cách thiết thực và gần gũi.

Hay như tại quận Đống Đa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nguyễn Thanh Tùng cho biết, chuyển đổi số chính là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa tương lai. Để “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào toàn dân, toàn diện, đồng bộ, rộng khắp và đạt được mục tiêu đặt ra, các cấp ủy, chính quyền từ quận tới cơ sở, đặc biệt là thế hệ trẻ cần nhất quán quan điểm coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Với quyết tâm lớn, quận Đống Đa đặt mục tiêu tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản về thể chế, “không để ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số”; 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ băng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc (chỉ tiêu năm 2026 đạt 100%); 100% học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số; 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số…

Hay như cô giáo Nguyễn Ngọc Anh (giáo viên tiếng Anh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ Trường Trung học cơ sở Giảng Võ 2, quận Ba Đình) hơn 15 năm miệt mài trên bục giảng, luôn hết lòng với công việc. Cô cũng mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, khai thác các nền tảng học tập số hay xây dựng những trò chơi học tập giúp học sinh tiếp cận kiến thức tự nhiên, hứng thú. Mặc dù tất cả đều là những bước đi mới mẻ, nhưng cô đã kiên trì thử nghiệm, điều chỉnh và lan tỏa. Với cô, công nghệ thông tin không thay thế được giáo viên, nhưng là công cụ giúp giáo viên làm tốt hơn vai trò của mình trong lớp học hiện đại.

Có thể khẳng định, phong trào "Bình dân học vụ số" không chỉ là một sáng kiến kỹ thuật mà còn là biểu tượng của khát vọng dân tộc. Nó kết nối bài học từ quá khứ với tầm nhìn tương lai, biến tri thức và công nghệ thành chìa khóa mở ra cánh cửa thịnh vượng. Với sự đồng lòng của toàn dân và sự dẫn dắt của Đảng, Nhà nước, phong trào này hứa hẹn sẽ tạo nên một làn sóng đổi mới mạnh mẽ, đưa Việt Nam tiến xa trên bản đồ thế giới trong kỷ nguyên số.

Tin cùng chuyên mục

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

(PNTĐ) - Thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với 126 xã, phường. Hầu hết người dân cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.
Điều chỉnh vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Điều chỉnh vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

(PNTĐ) -Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 864/QĐ-TTg điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của các địa phương tại các Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Những nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm trong tháng 5 của các cơ quan báo chí Hà Nội

Những nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm trong tháng 5 của các cơ quan báo chí Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 6/5 Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố tháng 5/2025. Đồng chí Nguyễn Huy Cường – Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo Hội nghị.
Chủ tịch nước dự khai mạc Đại Lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Chủ tịch nước dự khai mạc Đại Lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025

(PNTĐ) - Đại Lễ Vesak LHQ 2025 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người; Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc vào sáng nay (6/5) tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Lương Cường dự và có bài phát biểu tại buổi lễ.