Việt Nam đề nghị thiết lập chuẩn mực đạo đức trong ứng xử với tài nguyên nước

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 22/3, tại Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.

Lễ khai mạc hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về nước được tổ chức lần đầu tiên sau 46 năm tại Liên hợp quốc.

Tại phiên toàn thể, dựa trên các số liệu thống kê về thực trạng tài nguyên nước hiện này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chia sẻ mối quan tâm, lo ngại trước thực tế gần 1/3 dân số thế giới đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng hoặc khan hiếm nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ tài nguyên nước chính là bảo vệ hành tinh, bảo vệ sự sống của con người cùng với những thành tựu kinh tế-xã hội, giá trị văn hóa, lịch sử đã được các thế hệ phát triển, vun đắp qua hàng nghìn năm qua.

Việt Nam đề nghị thiết lập chuẩn mực đạo đức trong ứng xử với tài nguyên nước - ảnh 1

Phó Thủ tướng cho rằng cần có khuôn khổ pháp lý toàn cầu dựa trên khoa học để định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững, phục hồi nguồn nước, đồng thời khẩn trương hình thành các trung tâm khoa học và công nghệ toàn cầu, khu vực về nước; xây dựng mạng lưới quan trắc, phát triển cơ sở dữ liệu về nước; quy hoạch khai thác sử dụng, cải thiện chất lượng nguồn nước cho các sông xuyên biên giới.

Đồng thời đề nghị hình thành các tổ chức, cơ quan thuộc Liên hợp quốc như ủy ban khoa học về nước xuyên biên giới, hội đồng sông quốc tế; thành lập quỹ tài chính lưu vực sông xuyên biên giới hoặc mở rộng chức năng tài chính lưu vực sông cho Quỹ môi trường toàn cầu.

“Chúng ta phải thiết lập một chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước, đặc biệt là nước xuyên biên giới theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, hợp lý, tôn trọng quyền và lợi ích của các nước trong lưu vực”- ông Hà nói.

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030.

Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện, củng cố khung thể chế, chính sách, đảm bảo người dân được tiếp cận với nước sạch, hợp vệ sinh; cam kết đảm bảo phát huy tối đa lợi ích mà nước mang lại, đồng thời giảm thiểu các tác hại liên quan đến nước góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Cụ thể, 100% các lưu vực sông lớn ở Việt Nam được điều hòa phân bổ nguồn nước nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước thông qua các quy hoạch tài nguyên nước.

Đến năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn. Phó Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục hợp tác với các nước về trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; tham gia các chương trình hành động, sáng kiến hợp tác về nước, ninh nguồn nước; tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin dữ liệu xuyên biên giới, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước, góp phần cho nỗ lực toàn cầu vì một thế giới phát triển bền vững.

Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023 đánh dấu sự thay đổi lớn, căn bản trong nhận thức của nhân loại về vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin cùng chuyên mục

Chia sẻ chiến lược tiếp thị sáng tạo về chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Chia sẻ chiến lược tiếp thị sáng tạo về chăm sóc sức khỏe cộng đồng

(PNTĐ) - “20 triệu phụ nữ chủ động hôm nay - Kiến tạo tương lai” - sáng kiến thúc đẩy ý thức và quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ là một trong những nội dung của Coffee Talk với chủ đề “Chiến lược phân phối và tiếp thị hiệu quả trong ngành Dược phẩm và Chăm sóc sức khỏe tại thị trường Việt Nam”.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Cuộc thi tìm hiểu “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 giúp cán bộ Mặt trận các cấp thấm nhuần quan điểm tư tưởng của Luật này, nhất là những quan điểm mới, cần có một đợt sinh hoạt chính trị lớn, để từ chỗ nắm vững, cán bộ có thể ứng dụng sáng tạo trong cuộc sống nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng thành công của Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029, chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô và 94 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.