Hà Nội cần nâng cao giá trị điểm đến để hút khách du lịch

Hoàng Nguyên
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngành du lịch Hà Nội đang trên đà hồi phục mạnh mẽ. 10 tháng năm 2022, Hà Nội đón 15,38 triệu lượt khách, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế là gần 983 nghìn lượt khách. Để thu hút du khách đến với Thủ đô hơn nữa, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao giá trị các điểm đến, tăng chất lượng dịch vụ du lịch.

Hà Nội cần nâng cao giá trị điểm đến để hút khách du lịch - ảnh 1
Khách du lịch quốc tế thưởng thức món ăn ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây 
Ảnh: Đăng Nguyễn

Tăng dịch vụ trải nghiệm, tận dụng nguồn lực nhân dân
Nhận định về tình hình du lịch Thủ đô, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cho rằng: Giai đoạn này giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra. Không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ, mà vào ngày thường cũng đông nên đã xảy ra tình trạng hầu hết các điểm du lịch đều quá tải. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

 Để bảo đảm phục vụ khách du lịch tốt hơn, tiếp tục duy trì lượng khách nội địa, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, ông Lê Hồng Thái nhấn mạnh: “Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo uy tín cho du lịch Thủ đô”.
Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, qua khảo sát cho thấy, phần lớn du khách đến có quy mô nhóm nhỏ, hộ gia đình, đi bằng phương tiện cá nhân, điều này rất phù hợp với công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Khi thị trường du lịch hoạt động trở lại, địa phương cũng định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng. Du lịch thị xã Sơn Tây chủ yếu là du lịch tâm linh, du lịch văn hóa nên đa số khách tham quan đến gói gọn trong một ngày. Vì vậy, địa phương đã chú trọng việc kết nối điểm đến với các khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để tạo điều kiện cho khách lưu trú. Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây cũng tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, “photo tour” (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ... 
Khẳng định rằng ưu tiên đầu tư cho du lịch là một trong những định hướng phát triển của huyện Ba Vì, ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, huyện đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo đà tăng trưởng cho du lịch địa phương. Cụ thể như, xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; tổ chức năm du lịch, tăng cường thông tin, quảng bá… mang lại khởi sắc cho du lịch. Đến nay, lượng khách tham quan trở lại với Ba Vì đã ghi nhận 1,9 triệu lượt người. Với mục tiêu từ nay đến cuối năm 2022, Ba Vì sẽ vượt 2 triệu lượt khách, huyện sẽ tiếp tục thúc đẩy du lịch địa phương thông qua xây dựng mô hình du lịch homestay, tổ chức tọa đàm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cho mô hình này ngày một hấp dẫn, có màu sắc riêng hơn.

Tăng chất lượng dịch vụ, tạo sản phẩm hấp dẫn
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, các địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp thế mạnh để thu hút đầu tư cho du lịch. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn có ưu thế, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan sạch đẹp, môi trường sạch, trong lành, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp lữ hành - "mắt xích" quan trọng giúp du lịch nông nghiệp có sức hút cao nhất.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, du lịch nội địa vẫn là khâu đột phá để phát triển. Điều quan trọng là phải kết nối các dịch vụ du lịch, tiếp tục ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực… Đặc biệt, cần tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.

Với mục tiêu năm 2022, Hà Nội đón 1,2 triệu khách du lịch quốc tế và tăng thêm nữa trong thời gian tới, bà Phạm Diễm Hảo, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở sẽ đồng hành với các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương để khắc phục khó khăn, tổ chức tốt nhất cho việc đón khách du lịch. Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng các đơn vị, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, làng nghề có sẵn như: Tour du lịch Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Đường Lâm… Trong đó, tăng cường những sản phẩm mới như tour đêm, tour du lịch mùa lúa chín, du lịch khinh khí cầu, du lịch thể thao. Sở cũng sẽ mở lớp tập huấn cho nhân lực du lịch địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ khách, đặc biệt là khách quốc tế. Sở cũng sẽ rà soát các cơ sở lưu trú hiện tại bị xuống cấp để hỗ trợ các đơn vị có động lực tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm mới. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng báo chí, mạng xã hội trong nước và quốc tế.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo thủ đoạn hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa

Cảnh báo thủ đoạn hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều tài khoản giả danh Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) hỗ trợ tiếp nhận thông tin điều tra, giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.