Doanh nghiệp do nữ làm chủ:

Tận dụng lợi thế chuyển đổi số để phát triển

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đang nỗ lực tận dụng tối đa các lợi thế từ chuyển đổi số để phát triển kinh doanh, đưa doanh nghiệp tiếp cận tối đa người tiêu dùng.

Tận dụng lợi thế chuyển đổi số để phát triển - ảnh 1
Chị Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty CP Trà xạ đen MD Queens sử dụng card visit điện tử để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tại ngày hội Giao lưu nữ doanh nhân Thủ đô Kết nối - Phát triển

Được gây dựng từ năm 2012, bằng niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đến nay Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) là mô hình điểm trên địa bàn thành phố. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã có quy mô nhỏ, lại quản trị theo mô hình cũ, nên gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều trăn trở, không chịu bằng lòng với tư duy “chỉ đủ ăn là được”, chị Hà quyết tâm đưa hợp tác xã lên một tầm cao mới, bằng việc chủ động xây dựng chuỗi khép kín, theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, đơn vị có khu trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1,15ha, hiện có 15 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm rau của Hợp tác xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 100% sản phẩm được dán tem QRcode, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. 

Câu chuyện trên được chị Thanh Hà chia sẻ tại hội thảo về phát triển và ứng dụng chuyển đổi số quảng bá sản phẩm OCOP do Hội LHPN Hà Nội phối hợp Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức ngày 13/10. Theo chị Hà, chuyển đổi số là điều đương nhiên để đẩy nhanh quy trình và nâng cao chất lượng, quy mô sản phẩm, nhưng điều tiên quyết hơn cả vẫn phải là thương hiệu được khẳng định bằng các chứng nhận, chỉ số uy tín. Đồng tình với chị Hà, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thành phố cho rằng, đã từ lâu, OCOP được cho là một bảo chứng trong định vị sản phẩm, là mục thương hiệu nỗ lực để đạt được. Khi đã được chứng nhận, các sản phẩm OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. “Mới đây, chúng tôi đã tổ chức chương trình livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên nền tảng mạng xã hội TikTok, thể hiện một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream); triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân”, ông Ngôn cho hay.

Một trong những điểm sáng khác về doanh nghiệp do nữ làm chủ nỗ lực chuyển đổi số là công ty cổ phần MD Queens (huyện Đan Phượng, Hà Nội) do chị Trịnh Kim Thư làm chủ. Sau khi sản phẩm trà xạ đen của công ty được gắn sao OCOP, không chỉ giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ… chị Thư còn tận dụng công nghệ để đẩy mạnh kinh doanh online qua các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội và livestream, từ đó mở rộng tiếp cận đến cả khách hàng quốc tế. Mới đây, chị Thư cùng các cộng sự đã có ý tưởng và cho ra đời card visit điện tử - không những thay thế card visit truyền thống mà còn tích hợp, chứa đựng nhiều thông tin hơn hẳn. “Chỉ cần chạm nhẹ chiếc card vào màn hình điện thoại, một đường link sẽ hiện ra và thế là tôi đã giới thiệu được công ty của mình với đối tác, khách hàng, nhanh gọn hơn rất nhiều so với card truyền thống”, chị Thư cho hay. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Đến năm 2022, Hà Nội có gần 300.000 doanh nghiệp trong đó phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 26,7%; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm 67%. Chị em đã thích ứng nhanh, đổi mới ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử, chủ động sáng tạo trong quản lý sản xuất, kinh doanh, vừa phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, để tận dụng hơn nữa các cơ hội chưa từng có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp do nữ làm chủ cần không ngừng đổi mới sáng tạo hơn nữa, sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động để bứt phá. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo thủ đoạn hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa

Cảnh báo thủ đoạn hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều tài khoản giả danh Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) hỗ trợ tiếp nhận thông tin điều tra, giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.