Xu hướng bán hàng đa kênh thu hút người tiêu dùng

Bài và ảnh: HÀ LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mô hình bán hàng đa kênh với nhiều tiện ích cho khách hàng đang trở thành xu hướng của ngành bán lẻ Việt Nam. Đó là thay đổi lớn và cần thiết của các doanh nghiệp để thu hút người tiêu dùng, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế, đời sống, xã hội.

Xu hướng bán hàng đa kênh thu hút người tiêu dùng - ảnh 1
Các doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực phát triển mô hình bán hàng đa kênh
 

Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực thành thị đang quen dần với việc mua sắm, tiêu dùng trên nhiều kênh như các cửa hàng truyền thống, website của nhãn hàng, nền tảng trao đổi của bên thứ ba, ứng dụng giao đồ ăn sau khi họ đã cân nhắc các yếu tố về thời gian giao hàng, giá cả, khuyến mãi và ưu đãi… 

Trước sự chuyển đổi này của ngành bán lẻ, ông Vũ Đức Nguyên - Phó Tổng Giám đốc phụ trách ngành hàng tiêu dùng (Deloitte Việt Nam) cho biết, với dự báo phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới của ngành bán lẻ, thói quen tiêu dùng gắn với mô hình đa kênh sẽ không chỉ là tạm thời, mà sẽ trở thành thói quen lâu dài khi người tiêu dùng quen với sự tiện lợi mà mô hình này đem lại.

Nắm bắt được hành vi tiêu dùng này, các nhà bán lẻ tại Việt Nam đang tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích ứng dụng (app) bán hàng, đồng thời tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy việc tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tăng trưởng doanh số bán hàng qua kênh online từ 100-200%, nhất là ở thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Mô hình bán hàng đa kênh giúp người tiêu dùng có trải nghiệm tự do mua hàng với nhiều dịch vụ và lựa chọn nhất có thể. Ví dụ, các tùy chọn trình mua hàng như lựa chọn phương thức vận chuyển (giao hàng hoặc nhận hàng tại cửa hàng). Về phía khách hàng, họ sẽ biết được sản phẩm mình đặt mua có chính xác hay không. Về phía người bán, đây là cơ hội để kích thích tiêu dùng của khách hàng. Hay người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin sản phẩm và đặt hàng ngay trên ứng dụng để dễ dàng mua sắm, lựa chọn phương thức giao hàng mà không cần mất nhiều thời gian đến tận cửa hàng, siêu thị… mua.

Cô Nguyễn Thị Thu, 51 tuổi, (trú tại Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, thời đại công nghệ phát triển, xu hướng bán hàng trên nhiều nền tảng cũng tăng theo. Sau khi được con gái hướng dẫn những bước thao tác, cô đã có thể đặt hàng các sản phẩm của siêu thị BigC qua ứng dụng Zalo một cách thuận tiện, nhanh chóng; đồng thời có thể dễ dàng, chủ động cập nhật các chương trình khuyến mại mà không cần đến tận siêu thị như trước đây.

Còn chị Hoàng Minh Phương, 30 tuổi (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cùng một thương hiệu thời trang chị hay mua có nhiều kênh bán hàng khác nhau như mua trực tiếp tại cửa hàng, sàn thương mại điện tử Shopee, hiện nay mới có thêm gian hàng của hãng thời trang đó trên ứng dụng Tiktok… Với công việc bận rộn cùng thói quen, sở thích đặt hàng online nên chị càng ưa chuộng mua sản phẩm trên các phương tiện kể trên vì tính tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian của chúng.

Trước xu thế trên, để cạnh tranh, các nhà bán lẻ nội địa đã và đang tích cực chuyển đổi để nâng cao sức cạnh tranh và giữ vững thị phần. Masan Group hướng tới mục tiêu chuyển đổi từ điểm mua sắm thuần túy trở thành điểm đến “tất cả trong một”, tích hợp từ offline đến online, phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và thường xuyên như mua sắm nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, F&B và chăm sóc sức khỏe. Những “ông lớn” khác cũng đã bắt kịp xu thế này, một số nhà bán lẻ có tiếng như Lotte Mart, FPT Shop hay Thegioididong... tất cả đều đã và đang đầu tư vào bán hàng trực tuyến thông qua nền tảng thương mại điện tử song song với bán hàng truyền thống.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đa dạng quà tặng cho ngày Valentine

Đa dạng quà tặng cho ngày Valentine

(PNTĐ) - Valentine năm nay rơi vào ngày mùng Năm Tết Nguyên đán 2024 nhưng thị trường quà tặng cho dịp này diễn ra không kém phần sôi động với lượng hàng dồi dào và mẫu mã đa dạng.