EU sẽ nới lỏng kiểm soát mỳ ăn liền Việt Nam

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - EU đánh giá, Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mỳ ăn liền.

Theo đó, Tổng vụ An toàn và sức khỏe (SANTE) của Ủy ban châu Âu ghi nhận bước đầu thành công của Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm 2022, EU không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam đối với các sản phẩm mỳ ăn liền.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Việt Nam đã quản lý tốt xuất khẩu mỳ ăn liền vào EU trong 6 tháng cuối năm 2022 nên Ủy ban châu Âu đã đề nghi đưa mỳ ăn liền từ Phụ lục II - yêu cầu có chứng thư và kiểm soát 20% tại cửa khẩu sang Phụ lục 1- kiểm soát tại cửa khẩu EU với tần suất 20%, không yêu cầu có chứng thư. “Tuy nhiên, đề xuất này cần được đại diện các nước thành viên thông qua vào cuối tháng 04/2023”- đại diện Thương vụ cho biết.

EU sẽ nới lỏng kiểm soát mỳ ăn liền Việt Nam - ảnh 1

Nhà chức trách nhấn mạnh, trên thực tế, để đưa sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II sang Phụ lục I cần nỗ lực rất lớn của Bộ Công thương và các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc kiểm soát chất lượng để từ đó nâng cao uy tín của hàng hóa Việt Nam vào EU và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Để thực hiện được điều này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị kiểm nghiệm tiếp tục thực hiện tốt các quy định kiểm nghiệm theo các tiêu chuẩn của EU. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền cần tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm của EU và các thị trường xuất khẩu.

Về phần các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền lớn như: Công ty CP Acecook Việt Nam; Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON), Công ty CP Thực phẩm Á Châu cũng đã cam kết kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, đảm bảo không sử dụng EO (Ethylen Oxide) trong bất kể khâu nào của sản xuất và sản phẩm khi xuất khẩu sang EU theo Quy định số (EU) 2021/2246, ban hành ngày 15/12/2021, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào thị trường EU.

Quá trình này đã minh chứng những nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương trong việc cấp chứng thư cho các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền. Đồng thời cũng cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã chấp hành rất tốt các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục