75 năm nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam và những mốc son chói lọi

Chia sẻ

Ca khúc hào hùng “19.8” được tác giả Xuân Oanh (nguyên là cán bộ Việt Minh) viết những nốt nhạc đầu tiên khi cùng đoàn tuần hành của dân chúng xuất phát từ Thanh Trì đi tới quảng trường Nhà hát Lớn sáng ngày 19/8/1945 tham gia cuộc khởi nghĩa “long trời lở đất” giành chính quyền của người dân Hà Nội. Và ngay trong chiều 19/8 - ca khúc bất hủ đi vào

Âm nhạc cách mạng Việt Nam khắc họa lịch sử hào hùng của dân tộcÂm nhạc cách mạng Việt Nam khắc họa lịch sử hào hùng của dân tộc

Nếu những bài ca cách mạng xuất hiện trước ngày 19/8/1945 như Tiến quân ca của Văn Cao, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, Du kích ca của Đỗ Nhuận… như những “trái bom” ném vào dinh lũy thực dân, phát xít, thì bài ca 19.8 của Xuân Oanh chính là mốc son đầu tiên bằng âm nhạc ghi nhận sức công phá của những “trái bom” trên. Mở ra một hành trình âm nhạc cách mạng suốt 75 năm qua với nhiều mốc son chói lọi của lịch sử đất nước và lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Âm nhạc cách mạng là vũ khí sắc bén

Cuộc thăng hoa của toàn dân tộc từ đêm trường nô lệ sang bình minh tự do đã chắp cánh cho bao giai điệu vang lên trên dải đất hình chữ S - Tổ quốc Việt Nam mới. Người thăng hoa nhất chắc không ai có thể quên chính là nhạc sĩ Văn Cao. Nếu trước ngày khởi nghĩa, ông đã có hai “trái bom” là Tiến quân ca và Chiến sĩ Việt Nam thì sau khi cách mạng thành công, Văn Cao đã viết thêm Không quân Việt Nam và Hải quân Việt Nam, cùng việc hoàn thiện trường ca Trương Chi với tinh thần khát khao chủ nghĩa cộng sản ngay trong năm 1945. Sang năm 1946, Văn Cao lại viết Bắc Sơn vừa dành cho vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, vừa là bài ca dành cho dân quân du kích cùng hàng loạt tác phẩm lừng danh khác.

Người thăng hoa không kém là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Sau khi viết Du kích ca và vượt ngục Sơn La cuối xuân 1945, Đỗ Nhuận về Hà Nội tiếp tục hoạt động đến khi cướp chính quyền. Khi cách mạng Tháng Tám thành công, Đỗ Nhuận tham gia làm báo Cứu quốc và viết Nhớ chiến khu. Khi Nam Bộ kháng chiến, ông viết Tiếng súng Nam Bộ và ca khúc thiếu nhi Bé yêu già Hồ.

Lúc này, âm nhạc cách mạng Việt Nam đã bắt đầu có những bài ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Người dân đã hát vang Biết ơn cụ Hồ của Lưu Bách Thụ, rồi Hồ Chí Minh - cứu tinh dân tộc của Phạm Công Nhiều. Thiếu nhi ngoài Bé yêu già Hồ là Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của Phong Nhã. Phong Nhã chính là người bắt đầu dòng chảy ca khúc thiếu nhi trong âm nhạc cách mạng với Nhanh bước nhanh nhi đồng; Kim Đồng…

Ở miền Nam, sau ngày 25/8/1945 giành chính quyền tại Sài Gòn, người dân Nam Bộ đã có bài ca Khúc khải hoàn của Lưu Hữu Phước viết cùng bạn ông là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca. Đến khi Nam Bộ kháng chiến thì năm 1948, Tạ Thanh Sơn đã viết bài ca Nam Bộ kháng chiến ca ngợi cuộc chiến tranh du kích của đồng bào mình. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng ghi dấu với những ca khúc Chinh phụ ca, Xuất quân, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh và Nợ xương máu.

Ở Đà Nẵng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã viết Đoàn quân giải phóng (sau đổi là Đoàn vệ quốc quân) để ngợi ca những người lính nói chung và đặc biệt là những người lính Nam tiến. Ông còn viết tiếp Mùa đông binh sĩ khi cuộc kháng chiến từ Nam Bộ lan ra tới Khánh Hòa. Đấy là những ngày đầu sôi sục của âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Khi toàn quốc kháng chiến mà mở đầu là mặt trận Hà Nội, người lính và người dân ngoài những bài đã thuộc để hát trên chiến lũy thì bắt đầu hát thêm Cảm tử quân - một sáng tác cuối cùng nhạc sĩ Hoàng Quý viết trước khi tạ thế. Cùng với đó là Mơ đời chiến sĩ; Thủ đô huyết thệ (thơ Lĩnh Nam) của Lương Ngọc Trác. Và kết thúc gần hai tháng cầm cự là trường ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.

Âm nhạc bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến cùng dân tộc. Trong những năm chiến đấu anh dũng và bất khuất ấy, âm nhạc như một liều thuốc tăng lực cực mạnh cho từng con người dấn thân và dâng hiến vì lý tưởng độc lập dân tộc. Chính trong gian khổ và khốc liệt tột cùng, lại sinh ra những thể loại lớn như trường ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.

Khắc họa lịch sử hào hùng của dân tộc

Âm nhạc cách mạng đã thực sự khắc hoạ trọn vẹn quá trình đấu tranh, dựng xây đất nước của dân tộc. Người ta có thể thấy được đầy đủ tinh thần chiến đấu quật cường của chiến sĩ, nhân dân Việt Nam trên mọi miền Tổ Quốc qua những trường ca như: Trường ca sông Lô của Văn Cao, Lô giang của Lương Ngọc Trác, Chiến sĩ sông Lô của Nguyễn Đình Phúc và Tiếng hát trên sông Lô của Phạm Duy, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có bộ ba hành khúc nổi tiếng là Hành quân xa, Trên đồi Him Lam và đặc biệt nhất là Chiến thắng Điện Biên.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn tới Hiệp định Genève và miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Âm nhạc Việt Nam lại tưng bừng những bài ca chiến thắng, những bài ngợi ca thanh bình như: Ca ngợi chế độ ta tươi đẹp của Xuân Oanh, Việt Nam quê hương tôi của Đỗ Nhuận, Lúa thu của Nguyễn Xuân Khoát, Quê tôi giải phóng của Nguyễn Văn Chung, Đảng đã cho ta một mùa xuân của Phạm Tuyên.

Âm nhạc thiếu nhi cũng vang lừng những giai điệu mến thương như: Quê em bừng sáng của Mộng Lân, Em được nghe kể chuyện Bác Hồ của Phạm Tuyên... Một thế hệ nhạc sĩ trẻ kế tục bước đi của cha anh đã tạo nên những hợp xướng mới như: Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải, Sóng Cửa Tùng của Doãn Nho, Ca ngợi tổ quốc của Hồ Bắc, Miền Nam anh dũng và bất khuất của Phạm Tuyên. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam được thành lập để rồi bắt đầu nền giao hưởng Việt Nam với giao hưởng Quê hương, Thành đồng tổ quốc, Đồng khởi... Nhạc kịch cũng bắt đầu với Cô Sao, Người tạc tượng, Bên bờ Kroong pa…

Khi miền Nam đứng lên vì mục tiêu thống nhất đất nước của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng thì một bài ca chính thức của mặt trận đã được viết ra bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (với bí danh Huỳnh Minh Siêng) mang tên Giải phóng miền Nam. Miền Bắc bắt đầu cuộc chiến tranh chống máy bay Mỹ ném bom phá hoại từ ngày 5/8/1964, đã vang lên đanh thép những giai điệu bài ca như: Giặc đến nhà ta đánh của Đỗ Nhuận, Đánh đích đáng của Ngô Sỹ Hiển, Không cho chúng nó thoát của Hoàng Vân... Khi thanh niên miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, cũng đã có bao nhiêu bài ca dành cho những người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” như: Bài ca Trường Sơn của Trần Chung (thơ Gia Dũng), Bước chân trên dải Trường Sơn của Vũ Trọng Hối (Lời Đăng Thục), Chiếc gậy Trường Sơn của Phạm Tuyên...

Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 cũng đã vang lên bao bài ca rực lửa như Bão nổi lên rồi của Trọng Bằng, Chào anh giải phóng quân, Mừng mùa xuân đại thắng của Hoàng Vân, Sài Gòn quật khởi của Hồ Bắc... Đến khi ký hiệp định Paris chấm dứt sự can thiệp của Mỹ ở miền Nam thì vang lừng không gian Đường chúng ta đi của Huy Du (Lời Xuân Sách) qua giọng hát đặc biệt của Doãn Tần trên đất Bắc, còn Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn thì vang lên ở miền Nam.

Đại thắng mùa xuân 1975 đã xum họp Bắc - Nam trong những nụ cười trào nước mắt. Chiều ngày 30/4/1975, trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam đã vang lên bản đồng ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên và những ngày sau là Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà qua giọng ca Trung Kiên.

Âm nhạc luôn mang theo hơi thở dân tộc

Mùa xuân thống nhất đầu tiên năm 1976 đã dào dạt bao cung bậc cảm xúc của các nhạc sĩ. Người Sài Gòn thì hát vang Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng. Người ngoài bắc thì da diết Cung đàn mùa xuân của Cao Việt Bách (thơ Lưu Trọng Lư). Rồi biết bao giai điệu nữa, nhưng có một bài ca được viết vào thời điểm đó song phải 20 năm sau, khi tác giả của nó là nhạc sĩ Văn Cao đã đi vào cõi vĩnh hằng thì mới thực sự vang lên và trở thành “khúc khải huyền” ở lại mãi cùng dân tộc như bài Quốc ca.

Nhưng thanh bình chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới đã xảy ra ở cả miền Tây Nam và phương Bắc của Tổ quốc. Âm nhạc lại cắm những mốc son mới qua âm hưởng các hành khúc Chiều dài biên giới của Trần Chung, Tiến lên vì độc lập tự do của Phạm Tuyên, Lời tạm biệt lúc lên đường của Vũ Trọng Hối...

Công cuộc đổi mới đã đem lại cho dân tộc trọn vẹn âm hưởng những tình ca của một thời xa xưa và những tình ca của thời mở cửa. Khi biển đảo nổi sóng với những xâm nhập bất chấp luật pháp và dư luận thế giới, cả dân tộc lại hát lên ý chí độc lập chủ quyền với Nơi đảo xa của Thế Song, Tổ quốc nhìn từ biển của Quỳnh Hợp (thơ Nguyễn Việt Chiến), Tổ quốc gọi tên mình của Đinh Trung Cẩn (thơ Nguyễn Phan Quế Mai)... Những bài ca ca ngợi Tổ quốc Việt Nam ngày hôm nay vang lên các đấu trường thể thao đã là của thế hệ 9X như Việt Nam ơi! của Minh Bêta...

Có thể thấy rằng, 75 năm âm nhạc cách mạng Việt Nam thật đáng tự hào với những mốc son chói lọi luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc.

Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA 

Tin cùng chuyên mục

Khi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” hòa nhịp cùng “Đất nước trọn niềm vui”

Khi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” hòa nhịp cùng “Đất nước trọn niềm vui”

(PNTĐ) - Tối 25/4/2025, trong không khí rộn ràng cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại vườn hoa Vạn Xuân - góc phố lịch sử Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” và vòng chung khảo Hội thi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” đã được tổ chức trang trọng, ấm cúng rực rỡ sắc màu.
Thạch Thất tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”

Thạch Thất tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Thạch Thất, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, tối 22/4, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thạch Thất long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”. Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đến dự cùng đại diện lãnh đạo huyện Thạch Thất và đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ, nhân dân trên địa bàn huyện.
“Hẹn ước Bắc - Nam”- khi lịch sử, nghệ thuật và tinh thần dân tộc giao hòa

“Hẹn ước Bắc - Nam”- khi lịch sử, nghệ thuật và tinh thần dân tộc giao hòa

(PNTĐ) - Tối 22/4, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình trở thành tâm điểm ánh nhìn của cả nước khi chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” được dàn dựng công phu, hoành tráng, diễn ra dưới bầu trời Hà Nội - nơi kết nối mạch nguồn truyền thống và khát vọng tương lai.
“Đất ơi nở hoa” - khúc hát mừng kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung

“Đất ơi nở hoa” - khúc hát mừng kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung

(PNTĐ) - Ca khúc “Đất ơi nở hoa” - sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung, qua phần thể hiện đầy xúc cảm của NSƯT Hoàng Tùng và bản phối tinh tế của nhạc sĩ Đức Thụy - đã đưa người nghe trở lại những miền ký ức thiêng liêng, nơi có mẹ, có quê hương, có đất trời hun đúc bao kỷ niệm sâu sắc. Đây là món quà tri ân giàu cảm xúc mà người nhạc sĩ dành cho đất mẹ, cho Tổ quốc thân yêu nhân dịp tháng Tư lịch sử - thời điểm cả dân tộc hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).