Âm nhạc hàn lâm sẽ “bùng nổ” trong đời sống nghệ thuật?

Chia sẻ

Nghệ thuật hàn lâm như giao hưởng, thính phòng, ballet, nhạc kịch… lâu nay vốn được coi là kén người xem. Tuy nhiên, thời gian gần đây các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm không chỉ được trình diễn tại các thành phố lớn, mà đến nhiều địa phương khác. Các buổi hòa nhạc đặt vé trước đã tạo được thói quen nghe nhạc hàn lâm cho công chúng.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịchViệt NamMột cảnh trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

Những “cơn địa chấn” trong đời sống nghệ thuật

Năm 2019, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với vở ballet “Hồ thiên nga” đã tạo nên “cơn địa chấn” trong đời sống nghệ thuật, với 7 đêm diễn “cháy vé”. Năm 2020, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nghệ thuật, nhưng âm nhạc hàn lâm lại bất ngờ “sống dậy” mạnh mẽ và tạo được nhiều “cơn địa chấn”. Tháng 11/2020, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thành công với bốn đêm công diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”. Đây là lần đầu tiên, khán giả Việt Nam được thưởng thức “Những người khốn khổ” trên sân khấu bằng hình thức nhạc kịch trọn vẹn, sống động.

Có mặt trong buổi công diễn đầu tiên vở nhạc kịch, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery đã phải thốt lên: “Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” đã được các nghệ sĩ Việt Nam thể hiện rất tuyệt vời. Kết cấu nội dung và giá trị tư tưởng của tác phẩm đã được chuyển tải một cách nguyên vẹn. Tôi rất thích cách dàn dựng của ê kíp sáng tạo Việt Nam, nó khiến những nhân vật điển hình trong trang sách của Victor Hugo “bước lên” sân khấu một cách tự nhiên và chân thật. Tôi tin rằng không chỉ khán giả trong nước mà khán giả Pháp hay bất kì quốc gia nào khi thưởng thức vở này cũng có thể cảm nhận được trọn vẹn đời sống và nội tâm của các nhân vật”.

Trước đó, Viện Goethe Hà Nội đã mang đến cho khán giả buổi hòa nhạc mang tên Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc với hình thức khá lạ. Các nghệ sĩ đã trình diễn 4 chương trình riêng biệt từ 4 thời kỳ âm nhạc khác nhau gồm: Tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn và hiện đại, tại 4 không gian khác nhau của Viện Goethe. Và để thưởng thức, khán giả phải di chuyển qua các khán phòng khác nhau, giống như đang di chuyển “từ kỷ nguyên này tới kỷ nguyên khác”. Vì vậy, dù vẫn là những tác phẩm kinh điển của Beethoven, Schumann... nhưng tâm thế đón nhận của khán giả có sự mới mẻ.

Cũng với những sáng tạo theo hình thức mới, buổi hòa nhạc nhỏ theo hình thức cine - concert (hình thức hòa nhạc kết hợp với hình ảnh động) mang tên Song đôi diễn ra tại Không gian văn hóa Manzi, HN hồi tháng 10/2020, khán giả vừa được thưởng thức tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Trí Minh, tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Ngô Trà My, vừa được xem những thước phim đen trắng từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Sự kết hợp âm nhạc với những hình ảnh đầy hoài niệm thực sự mang đến cho người nghe rất nhiều cảm xúc.

Trong năm 2020, hàng loạt buổi hoà nhạc trực tuyến quy mô trong nước, có chương trình mang tầm vóc thế giới do các nghệ sĩ Việt Nam liên tục được tổ chức đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo công chúng. Không ít người đã bất ngờ khi âm nhạc hàn lâm lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến vậy trong đời sống nghệ thuật Việt.

“Một lứa công chúng trẻ văn minh coi nhạc giao hưởng như một thực đơn tinh thần không thể thiếu đang dần xuất hiện. Hơn nữa, so với trước đây, âm nhạc hàn lâm không bị bó hẹp trong các dàn nhạc giao hưởng và các phòng hòa nhạc tiêu chuẩn nữa”- nhạc sĩ Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chia sẻ.

Nỗ lực vượt khó để gặt hái “quả ngọt”

Không đơn giản để thực hiện được tác phẩm nghệ thuật hàn lâm chuẩn mực, đáp ứng nhu cầu của khán giả Việt Nam. Để vở ballet “Hồ thiên nga” ra mắt công chúng, 60 nghệ sĩ ballet, 60 nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng đã mất 6 tháng nỗ lực trên sàn tập. Nghệ sĩ ballet Thu Huệ, diễn viên chính trong tác phẩm này chia sẻ, mỗi ngày chị dành 12 giờ trực tiếp tập và nhiều giờ suy nghĩ về vai diễn.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly, để nghệ thuật ở Việt Nam phát triển, những người trong nghề phải đồng lòng kiến tạo, thay đổi, đưa nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực đến công chúng.

Có thể nhìn thấy sự công phu, kỹ lưỡng và đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo khi xem “Những người khốn khổ”, với những tên tuổi nổi tiếng. Tất cả đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát, diễn và thiết kế sân khấu.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Triều Dương cho biết: “Điều khó nhất khi thực hiện vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ Việt Nam có hát Opera rất tốt nhưng lại không được học về kỹ năng trình diễn trên sân khấu”.

Một tín hiệu rất đáng chú ý là trong suốt thời gian này khi các chương trình nghệ thuật vẫn còn nhiều dè dặt tổ chức thì các buổi hoà nhạc vẫn liên tục được tổ chức, đặc biệt là các chương trình chào mừng năm mới. Khán giả Việt đã dần quen với những ấn tượng về các buổi hoà nhạc mừng năm mới như một dấu ấn của sự chuyển mình ở các giai đoạn quan trọng trong đời sống như chương trình “Hoà nhạc hạnh phúc” lần thứ 6 sắp tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Những giai điệu tươi vui, ngập tràn hương vị tình yêu và hơi thở cuộc sống đã chinh phục khán giả suốt 6 mùa tổ chức.

Với nhiệt huyết, đam mê của những người làm nghề, sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước, dự báo, năm 2021 sẽ có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật hàn lâm tốt được giới thiệu với công chúng, đưa nghệ thuật hàn lâm “bùng nổ” trong đời sống nghệ thuật.

Bài và ảnh NGỌC QUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

Nhiều sách hay về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn được nhắc nhớ tới thế hệ trẻ thông qua những ấn phẩm được xuất bản.
Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

Khúc tráng ca xúc động “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”

(PNTĐ) - Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội”. Chương trình đưa khán giả đi suốt dọc hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc cho tới thắng lợi Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày về Thủ đô trong khải hoàn chiến thắng.
Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

Phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ”

(PNTĐ) - Nhân cuộc đua xe đạp "Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi ảnh trực tuyến “Khoảnh khắc về Điện Biên Phủ” nhằm lưu giữ và lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của các vận động viên và người dân cổ vũ trên hành trình cuộc đua.
Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

Chiếu miễn phí phim tài liệu về Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Cục Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ” trình chiếu miễn phí 6 bộ phim: Điện Biên Phủ, Hồi ức Điện Biên, Chuyện những người lính già, Đồng hành cùng lịch sử, Chia lửa cùng Điện Biên, Điện Biên Phủ niềm hy vọng.