Anh Thơ và Lê Anh Dũng hát “Biển trời quê hương” của Ngọc Lê Ninh chào Xuân Ất Tỵ
(PNTĐ) - Ít ai biết, ca khúc “Biển trời quê hương” là sáng tác đã được Tiến sỹ, thi sỹ, nhạc sỹ Ngọc Lê Ninh ấp ủ đã 30 năm, kể từ khi anh vừa bước chân vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Đây là ca khúc Ngọc Lê Ninh viết tặng quê hương Thanh Hóa của mình, và mời hai nghệ sĩ xứ Thanh là Anh Thơ và Lê Anh Dũng thể hiện. Họ đã đồng điệu và hòa điệu để có một nhạc phẩm đầy xúc cảm, tha thiết tình yêu quê nhà trước thềm xuân Ất Tỵ.
Tác giả Ngọc Lê Ninh cho biết “Biển trời quê hương” là ca khúc được Ngọc Lê Ninh ấp ủ sáng tác ngay từ khi anh còn là sinh viên hằng tháng đi qua vùng đồi dứa thơm và lúa xanh khu vực từ Bỉm Sơn đến Nghi Sơn Thanh Hóa.
Nhiều lần đi lại về thăm quê và khi trưởng thành, trở thành cán bộ quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, được cử đi công tác ở nhiều huyện trên địa bản của Tỉnh Thanh Hóa, anh ngày càng hiểu sâu về con người, phong tục, tập quán của quê hương mình.
Tuy nhiên, mãi đến gần cuối năm 2024, sau 30 năm ấp ủ Ngọc Lê Ninh viết một ca khúc mới về xứ Thanh để tặng nơi chôn rau, cắt rốn của mình.
“Biển trời quê hương” là ca khúc mang màu dân ca Bắc Bộ hiện đại, lời ca phản ánh được đời sống văn hóa, chính trị, phong tục tập quán, các địa danh nổi tiếng, các khu du lịch mới, thông qua các cây cầu, dòng sông, con suối,..., đặc biệt trong đó nêu được truyển thống lịch sử vẻ vang, chủ quyền biển đảo của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung như câu hát: “Tiếng trống đồng Đông Sơn dội vang dòng lịch sử/ Từ sóng Hoàng Sa hòa sóng Sầm Sơn hòa sóng lòng ta”.
Ca khúc cũng kể câu chuyện tình yêu đẹp của một chàng trai xứ Thanh đem lòng yêu cô gái phương xa nay đưa về ra mắt gia đình. Trên chuyến xe đưa người yêu trở về quê hương, cả 2 người cùng nhau ngắm nhìn cảnh đồng lúa xanh rờn, bao đồi dứa thơm ngào ngạt và các danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa…
Trên những cung đường phơi phới tình yêu lứa đôi hòa trong tình yêu quê hương đất nước đó, họ được hòa mình vào giai điệu dân ca hiện đại thấm đẫm tâm hồn người Xứ Thanh. Đan ngón tay nhau mỉm cười đầy hạnh phúc, cô gái cảm nhận rõ nét sự thay da đổi thịt của quê hương Xứ Thanh, nhất là những vùng đất Trạng Quỳnh (Hoằng Hóa), Thành Nhà Hồ, Lam Kinh…
Nghe Anh Thơ và Lê Anh Dũng hát "Biển trời quê hương".
Điều đặc biệt ca khúc thể hiện tự nhiên được các cây cầu nổi tiếng, hệ thống sông suối của Thanh Hóa, các khu di tích, danh lam, thắng cảnh và dẫn dắt cuốn hút người nghe đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, làm thay đổi mọi góc nhìn của mọi người về tỉnh Thanh Hóa vốn là một tỉnh nghèo trước đây nhưng bây giờ là một thành phố lớn có nền nông nghiệp hiện đại “Vang tiếng máy Cha cày thơm hương màu đất mới/ Nghe bước chân Mẹ hiền theo máy cấy lúa rợp trời xanh bao la” và đầy tiềm năng du lịch đóng góp một phần lớn vào nguồn ngân sách cho cả nước trong tương lai gần.
Ca khúc cũng là thông điệp tác giả gửi gắm tới người xứ Thanh nói riêng cũng như khán giả cả nước nói chung, đặc biệt là lớp trẻ, hãy tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang mà cha ông ta đã tạo dựng được từ nhiều đời nay để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Với tình yêu sâu sắc quê hương từ ca khúc, ca sĩ Anh Thơ và Lê Anh Dũng đã mang đến cho người nghe những giai điệu tươi mới nhưng vẫn giữ được chất trữ tình, sâu lắng của dòng nhạc dân ca hiện đại.
Thi sĩ, Nhạc sỹ Ngọc Lê Ninh là cái tên được nhiều người biết đến trong giới văn chương Việt Nam đương đại. Dù chuyên môn chính là Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật, hiện công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng anh có những đóng góp rất đáng kể cho thi ca và âm nhạc Việt Nam.
Anh đã xuất bản 3 tập thơ: Vỡ cùng hy vọng (NXB Hội Nhà văn - 2016), Chưa thể đặt tên (NXB Hội Nhà văn - 2017), Hạt mưa thầm (NXB Thanh niên - 2018). Hiện anh đang có trong tay tập thơ thứ 4 “Đôi mắt thời @” sắp xuất bản.
Thơ Ngọc Lê Ninh đã được dịch ra tiếng Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và được đăng trên các báo và tạp chí của các nước. Anh từng đoạt giải thơ của Hội Nhà văn Quốc tế Iwa - Bogdani năm 2019 và một số tổ chức thơ quốc tế khác.
Ngọc Lê Ninh cũng nhiều lần xuất hiện trên Sân thơ Trẻ trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam.
Trong lĩnh vực âm nhạc, Ngọc Lê Ninh đã sáng tác được 17 ca khúc, đặc biệt ca khúc “Hành khúc Đại học Mỏ - Địa chất” đã được chọn làm bài hát truyền thống của trường Đại học Mỏ Địa chất, “Quyết thắng Việt Nam ơi!”, “Khúc nhạc xuân”, “Chưa thể đặt tên”, “Lạc hồn quê”, “Hồn gió”, “Mùa mất nhau”, “Sóng yêu”, “Nép vào thinh không”, “Sắc Yêu Thương”, “Tình ta Hà Tĩnh” và “Biển trời quê hương”.