Gìn giữ lễ hội truyền thống trong mạch nguồn văn hóa dân tộc

Bài 2: Tỏa sáng văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Bài và ảnh: Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mỗi lễ hội dân gian của Hà Nội có một đặc điểm riêng, ở đó chất tinh tế, thanh lịch của người Tràng An cũng thể hiện rõ qua cách ứng xử của người tham gia lễ hội, không gian lễ hội, lễ vật dâng cúng, các trò chơi dân gian và cả tín ngưỡng. Cùng với sự đổi mới mà vẫn bảo tồn bản sắc giá trị văn hóa, các lễ hội sẽ ngày càng thể hiện rõ hơn nét thanh lịch, văn minh của con người Thủ đô.

Bài 2: Tỏa sáng văn hóa Thăng Long - Hà Nội - ảnh 1
Chương trình “Âm vang Mê Linh” tại lễ hội đền Hai Bà Trưng.

Đổi mới văn minh
Năm nay, ngày khai hội Chùa Hương chính thức diễn ra vào ngày 15/2, tức ngày mùng 6 Tết Giáp Thìn. Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết: “Để du khách thấy được công tác đổi mới của lễ hội, Ban tổ chức tiếp tục sử dụng xe điện phục vụ du khách theo lộ trình với ba tuyến đường. Số lượng xe điện đưa vào hoạt động tăng gấp đôi so với năm trước (với khoảng 110 xe). Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chuyển đổi việc bán vé từ mô hình truyền thống, sang bán vé điện tử, bỏ bán vé tại 2 cổng Đục Khê và Tiên Mai, chuyển sang phục vụ bán vé thắng cảnh và vé thuyền đò tại bến đỗ phương tiện của du khách.

Việc đổi mới hình thức bán vé điện tử tạo sự văn minh, minh bạch công khai về giá, tránh thất thu ngân sách, tránh tình trạng vé giả, vé lậu trong việc kiểm soát vé. Ngoài ra, năm nay là năm đầu tiên Ban Quản lý Khu di tích chùa Hương thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương để vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật, qua đó đã không còn tình trạng chèo kéo khách, bảo đảm an toàn, văn minh”. 

Những năm trước đây, khi về Lễ hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), ai cũng “ngán ngẩm” chứng kiến hình ảnh phản cảm khi hàng nghìn người xô đẩy, tranh giành nhau cướp lộc tại Lễ hội. Tại lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã chuẩn bị đủ lộc hoa tre để phát đến tận tay người dân và du khách tham gia lễ hội có nhu cầu. Do đó, tình trạng tranh cướp lộc đã không còn diễn ra, góp phần tạo sự văn minh cho lễ hội.

 Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, Ban Tổ chức cũng thực hiện siết chặt các hoạt động trông giữ xe, bảo đảm an ninh trật tự cho người dự hội. Ngoài ra, mở rộng thêm khu vực hội để tổ chức các chương trình nghệ thuật và trò chơi dân gian. Khu vực bán hàng được quy hoạch lại quy củ hơn, có kiểm soát của Ban tổ chức. Tại các ban thờ, Ban tổ chức bố trí lực lượng đón tiếp khách, hướng dẫn du khách hành lễ trang nghiêm, văn minh.

Trong mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn, ngoài việc tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì (Hà Nội) còn kết hợp tổ chức Khai trương Du lịch huyện Ba Vì năm 2024. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, tại lễ hội, huyện Ba Vì bố trí các gian hàng chợ quê để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của địa phương và các sản phẩm du lịch của huyện như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng... Qua đó, tạo sự phong phú, hấp dẫn thêm cho du khách khi đến với lễ hội. 

Tại Lễ kỷ niệm 1.984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm nay diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Âm vang Mê Linh”. Đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại được tổ chức lần đầu tiên tại huyện Mê Linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị. Chương trình nghệ thuật "Âm vang Mê Linh" thu hút đông đảo người tham dự và đã trở thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật, du lịch độc đáo; mang tính là sự đổi mới của lễ hội. Đồng thời giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc. 

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, công tác tổ chức lễ hội năm 2024 trên địa bàn Hà Nội được đánh giá có nhiều nét mới. Tiêu biểu như Ban tổ chức lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đã áp dụng hình thức bán vé điện tử, tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá; nhiều di tích tại quận Ba Đình như đền Voi Phục, đền Quán Thánh quản lý tiền công đức với hình thức nhận tiền qua mã QR… Do đó, cơ bản các lễ hội đã diễn ra văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui, lượng khách dự hội tăng cao so với những năm trước. 

Giữ gìn bản sắc 
Dù trải qua bao thời gian, song màn múa chạy cờ tại hội làng Triều Khúc (Thanh Trì) vẫn được người dân gìn giữ, tái hiện mỗi khi mở hội. Điệu múa cờ (còn gọi là múa chạy cờ) nhằm diễn lại tích Phùng Hưng chọn người tài đi đánh giặc. Xưa kia, nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Phùng Hưng trước khi đánh vào thành Tống Bình (sau là thành Thăng Long). Ông đã chọn làng Triều Khúc làm nơi tập luyện và kén chọn quân sĩ lần cuối cùng. Múa cờ chính là điệu múa mang ý nghĩa biểu dương tinh thần luyện quân của Phùng Hưng. Ngoài ra, hội làng Triều Khúc còn nổi tiếng với điệu múa trống bồng (hay con đĩ đánh bồng) với những điệu múa uyển chuyển, lả lơi, nhưng lại là điệu múa chỉ dành riêng cho nam giới. Với sự nỗ lực gìn giữ của người dân nơi đây mà điệu múa trống bồng nay đã trở thành một trong những điệu múa nổi tiếng nhất của Hà Nội.

Bài 2: Tỏa sáng văn hóa Thăng Long - Hà Nội - ảnh 2
Múa cờ tại hội làng Triều Khúc.

Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, Lễ hội đền Sái lại được người dân làng Thụy Lôi (Đông Anh) tổ chức long trọng với những nghi thức rước “Vua, Chúa” sống thu hút lượng lớn người tham gia trẩy hội. Khác với nhiều lễ hội khác, “Vua” đền Sái là người thật, mặc áo long bào, không phải đeo mặt nạ hay rước kiệu tượng trưng. Nghi thức này được xem là độc nhất vô nhị ở Hà Nội và được nhân dân nơi đây gìn giữ, tái hiện vào mỗi mùa lễ hội. Trong nghi lễ, người được chọn đóng vua sẽ tự lên đền Thượng làm lễ tế Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương, trong khi người được chọn đóng chúa sẽ lên đền Sái làm lễ thỉnh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Sau đó, chúa sẽ vòng sang đền Thượng cùng vua làm lễ ướm gươm, chém ba nhát vào tảng đá lớn. Đây là hành động biểu trưng cho việc chém đầu tinh gà trắng ngày trước. Tiếp đến lễ mừng tựa, tức bêu đầu gà tượng trưng cho việc tinh gà trắng đã bị tiêu diệt, nhà vua có thể yên tâm tiếp tục xây thành. 

Năm nay, tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng, cùng với ấn tượng về Chương tình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại được tổ chức lần đầu tiên, nghi thức truyền thống rước kiệu Hai Bà Trưng từ đền thờ Hai Bà đến Đình làng Hạ Lôi vẫn hấp dẫn không kém người dân và du khách tham gia. Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Ban lễ tân nghi lễ của lễ hội, rước kiệu là nghi thức đặc biệt quan trọng được gìn giữ, tái hiện trong phần lễ từ bao đời nay. Nghi lễ rước kiệu từ đình Hạ Lôi về đền Hai Bà Trưng đi hộ giá có các đội nghi trương gồm: Cờ lệnh, đội cờ ngũ hành, đội cờ tứ linh, đội cờ thần tàn lọng, đội gươm trường bát bửu, đội nữ binh hộ giá, hai voi trắng, ngựa hồng, ngựa bạch… Các đội múa xênh tiền vừa đi vừa múa trong tiếng nhạc lễ cung đình của dàn nhạc bát âm. Trong quá trình rước kiệu, nhiều lần đội rước dừng lại, thực hiện động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu. Rước kiệu là một nghi thức đặc sắc, độc đáo chỉ có tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng. 

Có thể nói lễ hội dân gian của Hà Nội như một bảo tàng lớn, vô cùng phong phú về truyền thống văn hóa, đa dạng, phong phú và cả tính phức hợp của lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội, phản chiếu quá trình dựng nước và giữ nước, quá trình sáng tạo, bồi đắp nên bản sắc văn hóa không chỉ riêng có của đất Kinh kỳ mà còn của cả dân tộc trong suốt lịch sử mấy nghìn năm. Sự đổi mới văn minh cùng với sự nỗ lực gìn giữ bản sắc giá trị văn hóa trong mỗi lễ hội dân gian nơi đây sẽ là yếu tố quan trọng để gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội và hun đúc làm nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bài 3: Để lễ hội truyền thống trường tồn cùng năm tháng

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.