Bản lĩnh nhà báo trước xã hội “ảo”

Chia sẻ

Thời gian gần đây, làng giải trí Việt rơi vào khủng hoảng với rất nhiều chuyện xấu xí bị hé lộ sau làn sóng livestream của một số nhân vật từ đại gia đến nghệ sĩ.

Bản lĩnh nhà báo trước xã hội “ảo” - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Mỗi người một mục đích khác nhau, nhưng với sự “vào cuộc” của nhiều tờ báo, trang tin, những chuyện từ "xã hội ảo” nghiễm nhiên bước vào “xã hội thật” gây nhiễu loạn đời sống. Là một nhà báo nên ứng xử ra sao trước những sự việc xa rời Thiện - Mỹ trên “xã hội ảo” này?

Hả hê, đó là cảm giác của rất nhiều cư dân mạng khi theo dõi các livestream của một nữ doanh nhân, hay livestream của nam ca sĩ Nathan Lee “bóc phốt”, “tố” đời sống cá nhân nhiều nghệ sĩ suốt thời gian vừa qua. Câu hỏi đặt ra là khi cư dân mạng “hả hê” xem livestream của những nhân vật này, thì nhà báo liệu cũng mang tâm trạng như họ khi vô tư “tường thuật” nội dung các livestream đó lên các phương tiện thông tin đại chúng? Thậm chí là “tung hô” trên trang cá nhân của mình?

Dĩ nhiên, việc một cá nhân livestream về điều gì, đúng hay sai thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn các nhà báo, ứng xử với các vấn đề xuất hiện trên mạng xã hội đó như thế nào? Trong xã hội 4.0 hiện nay, khi mạng xã hội cũng được cho là một nguồn tin, nhà báo khi muốn đăng tải các thông tin không phải cứ thế tường thuật một cách trần trụi sự việc (ở đây là tung hô, cổ xúy cho các livestream của các cá nhân trên mạng), mà phải dẫn nguồn, phải kiểm chứng, thẩm định lại và phải chịu trách nhiệm về các thông tin mình đăng tải, và quan trọng hơn là đứng trên một giá trị chuẩn để định hướng dư luận, chứ không phải chiều theo thị hiếu của một bộ phận độc giả lệch chuẩn. Càng không thể "ăn theo" livestream “bóc phốt”, bôi nhọ người khác để giật tít, câu view.

Đáng tiếc là thời gian vừa qua, không ít tờ báo, trang tin điện tử bất chấp đạo đức làm nghề hay quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã “tiếp tay” cho việc này. Tòa soạn báo không đăng thì hào hứng tự post lên facebook cá nhân… khiến dư luận càng bị kích động, cổ xuý cho các hành vi lệch chuẩn "có đất" lộng hành. Điều đáng nói là, từ một livestream được cổ xúy trên mạng xã hội, ngay lập tức có những cá nhân khác vào "còm-men", rồi không ít nghệ sĩ khác đua nhau livestream tính kế “bóc phốt” ai đó. Chính vì những hành vi thiếu văn hóa, vi phạm nghiêm trọng thuần phong mỹ tục này mà ngay thời điểm livestream của một nữ đại gia đang "làm mưa làm gió" cộng đồng mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời có văn bản đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, nên vấn nạn này đã được chấn chỉnh.

Rất nhiều trường hợp mạng xã hội đã phát hiện ra những hành vi lệch chuẩn trong cộng đồng và lên tiếng phản đối. Chẳng hạn như chuyện các nghệ sĩ quảng bá sai sự thật về giá trị, công dụng của các sản phẩm, nhất là thực phẩm chức năng. Nghệ sĩ có những hành vi, phát ngôn thiếu chuẩn mực như nghệ sĩ Đức Hải…Hàng vạn, hàng triệu người dùng mạng xã hội đã chia sẻ những gì họ biết lên nền tảng đó, có những thứ là thông tin, là tri thức, là tình cảm, tâm nguyện…; nhưng cũng có cả những mưu toan, những rác rưởi.

Trao đổi với Báo Phụ nữ Thủ đô về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng: Hội Nhà báo VN đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội đối với người làm báo đến nay đã được 3 năm. Bản quy tắc này được cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam về cơ bản tôn trọng và thực hiện đúng. Tuy nhiên, gần đây có những hiện tượng người làm báo không thực hiện đúng quy tắc mạng xã hội, có những đăng tải thông tin, hoặc tham gia vào chia sẻ thông tin trên mạng xã hội không đúng mực, không đúng theo 4 điều người làm báo nên làm và 8 điều không được làm khi tham gia mạng xã hội. Một số người làm báo đã vi phạm, có những trường hợp đã bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt là gần đây có hiện tượng những cá nhân thực hiện livestream trên mạng xã hội thu hút hàng trăm ngàn người xem, nhưng lại có những ngôn ngữ phản cảm, mang tính xúc phạm danh dự cá nhân người khác. Thế nhưng trên báo chí lại thiếu những bài viết đúng tầm phê phán hành vi sai trái trên mạng xã hội ấy, hoặc có nhưng chưa đúng mức, chưa sâu sắc. Trong khi đó một số cơ quan báo chí có hiện tượng cổ vũ, thậm chí có cả nhà báo tham gia vào cổ vũ, khích lệ những hành vi sai trái ấy trên mạng xã hội.

Theo ông Hồ Quang Lợi, để chấn chỉnh tình trạng này, tại các cuộc giao ban báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã phát biểu và yêu cầu các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo phải rà soát, chấn chỉnh sự tham gia của hội viên, nhà báo trên mạng xã hội, cần có hành xử đúng mực và không cổ xúy cho những hành vi lệch chuẩn. Trong nội bộ Hội Nhà báo cũng như các cơ quan báo chí phải có những cuộc sinh hoạt, trao đổi để làm sao cho các hội viên nhận thức đúng đắn sứ mạng, vai trò của người cầm bút. Người làm báo cách mạng Việt Nam phải có vai trò dẫn dắt dư luận xã hội đi đúng hướng, bằng sản phẩm báo chí, bằng ứng xử chuẩn mực của nhà báo trên mạng xã hội.

MỸ - HẠ

Tin cùng chuyên mục

Long Nhật gây xôn xao khi đột ngột từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo 2 cuộc thi sắp diễn ra

Long Nhật gây xôn xao khi đột ngột từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo 2 cuộc thi sắp diễn ra

(PNTĐ) - Ca sĩ Long Nhật đang gây chú ý khi vừa đột ngột tuyên bố từ chức Chủ tịch Hội đồng giám khảo của hai cuộc thi: Giọng ca vàng Bolero Việt Nam và Tình ca Quê hương Việt Nam do Trung tâm Giọng ca vàng Việt Nam tổ chức. Điều này dấy lên nghi ngờ nam ca sĩ có sự không hài lòng nào đó với hai cuộc thi này.
Hàng chục nghìn khán giả cùng hát, cùng khóc với “Anh Trai Say Hi” dưới cơn mưa Hà Nội

Hàng chục nghìn khán giả cùng hát, cùng khóc với “Anh Trai Say Hi” dưới cơn mưa Hà Nội

(PNTĐ) - Tối 10/5, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) một lần nữa trở thành tâm điểm của làn sóng giải trí, khi hơn 50.000 khán giả bất chấp mưa tầm tả để hòa mình trong đêm nhạc “Anh Trai Say Hi - Concert Đêm 6” với chủ đề Pas Plus Encore. Đây là đêm cuối cùng, khép lại chuỗi sáu đêm concert tại TP. HCM và Hà Nội, đồng thời là mốc son đánh dấu hành trình gần một năm của 30 “Anh Trai” - những chàng trai đa tài đang làm mưa làm gió trên thị trường giải trí Việt.
Các nữ nhà văn gốc Việt được tôn vinh tại Những ngày Văn học Châu Âu 2025

Các nữ nhà văn gốc Việt được tôn vinh tại Những ngày Văn học Châu Âu 2025

(PNTĐ) - Từ ngày 8 – 12/5, sự kiện thường niên “Những ngày Văn học Châu Âu” sẽ quay trở lại với công chúng yêu văn chương tại Hà Nội bằng một chuỗi hoạt động sôi nổi và đặc sắc, lần đầu tiên đặt trọng tâm vào các nhà văn di dân gốc Việt đang tạo dấu ấn tại văn đàn châu Âu.
Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

Truyền thuyết dân gian rùng rợn được đưa lên màn ảnh rộng trong “Út Lan- Oán linh giữ của”

(PNTĐ) - Bộ phim kinh dị Việt mùa hè năm nay Út Lan: Oán linh giữ của vừa tung đoạn teaser poster và teaser trailer khiến khán giả rùng mình. Đạo diễn Trần Trọng Dần và ê-kíp đã có một hướng tiếp cận đặc biệt cho câu chuyện dân gian bí ẩn về loại “bùa ngải” khét tiếng này.