Báo chí với vai trò xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới

CVCC.ThS Hà Thị Thanh Vân
Chia sẻ

(PNTĐ) - CVCC.ThS Hà Thị Thanh Vân- Phó GĐ Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh trong bài tham luận của mình tại Tọa đàm: “Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức vừa qua: “Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới nói chung theo định hướng của Đảng và xây dựng người phụ nữ Việt Nam nói riêng theo phát động của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một công việc không dễ, ngay cả khi các tiêu chí đã được xác định rõ ràng…”

Tháng 9/2022, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua trên phạm vi cả nước, trong đó đã cụ thể hóa các tiêu chí theo hai nhóm dành cho phụ nữ, hội viên và cán bộ Hội các cấp. Đồng thời, xác định nhiều hoạt động xây dựng tiêu chí đánh giá, phát hiện điển hình, giao lưu, tuyên dương, khen thưởng…

Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới nói chung theo định hướng của Đảng và xây dựng người phụ nữ Việt Nam nói riêng theo phát động của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một công việc không dễ, ngay cả khi các tiêu chí đã được xác định rõ ràng vì sự kiến tạo một con người có khả năng phát triển toàn diện, hài hòa và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tri thức, đạo đức, sức khỏe và trách nhiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó luôn có sự tham gia của nhiều chủ thể với tư cách là những người có mối quan hệ liên quan trong các giai đoạn khác nhau của đời người, trong đó, giai đoạn dưới 18 tuổi, nhất là từ 13 tuổi trở xuống đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Mặc dù vậy, việc phát động phong trào mang ý nghĩa tích cực và quan trọng để định hướng cho mỗi cá nhân phụ nữ tự phấn đấu và đánh giá mức độ đạt được của bản thân theo các tiêu chí chung đã được xác định (tạm gọi là chuẩn mực thời đại mới). Để phong trào thật sự có hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội, rất cần sự tham gia của các cơ quan Báo chí trong và ngoài Hội để tuyên truyền, cổ vũ, động viên, hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ thực hiện và đạt các tiêu chí.

Báo chí với vai trò xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới  - ảnh 1
Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới nói chung theo định hướng của Đảng và xây dựng người phụ nữ Việt Nam nói riêng theo phát động của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một công việc không dễ

Tham gia xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, với vị thế và tầm ảnh hưởng thực tế, Báo chí có vai trò rất quan trọng thể hiện như sau:

1. Cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin để xã hội không định kiến, không hiểu lầm về lý do xây dựng người phụ nữ thời đại mới

Trong bối cảnh Đảng định hướng xây dựng con người Việt Nam thời đại mới nhưng chưa có sự cụ thể hóa và phát động ở cấp độ nhà nước với các hoạt động cụ thể cho con người nói chung không phân biệt theo giới tính, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tiên phong phát động và tổ chức thực hiện phong trào dành riêng cho phụ nữ, nên quá trình thực hiện, nhất là việc tuyên truyền, vận động nếu không có phương pháp, kỹ thuật thể hiện tốt, sẽ dễ dẫn đến tình trạng hiểu lầm, định kiến tương tự như xã hội đã từng định kiến đối với hoạt động bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, đó là hiểu lầm về “bình đẳng giới” là cho phụ nữ, hiểu lầm về “tiến bộ phụ nữ” là do phụ nữ chưa tiến bộ nên phải làm cho họ tiến bộ, là định kiến về việc phụ nữ cao tuổi lấy chồng ít tuổi không xứng đáng với danh xưng người mẹ do đáng tuổi mẹ của người chồng, còn nam giới cao tuổi lấy vợ ít tuổi được coi là phúc…những định kiến và hiểu lầm này là rào cản để những kết quả đạt được về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ gần 20 năm qua chưa trọn vẹn.

Do quan điểm nhìn nhận về vai trò, trách nhiệm làm vợ, làm mẹ của phụ nữ trong xã hội chưa hoàn toàn đúng về bản chất, đôi khi vẫn còn có định kiến, nên việc tuyên truyền trên Báo chí dưới bất cứ hình thức nào cũng cần bảo đảm không khắc sâu thêm định kiến; không gây hiểu lầm việc xây dựng con người Việt Nam thời đại mới là vai trò, trách nhiệm chỉ thuộc về người phụ nữ. Đặc biệt, giúp cho xã hội hiểu rõ, hiểu đầy đủ, hiểu toàn diện về ý nghĩa của việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới là góp phần thực hiện định hướng xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, ít nhất với ba lý do sau:

Một là, trên vai trò, thiên chức người mẹ, phụ nữ trao truyền và chuyển giao nền tảng từ mẹ sang con trai, con gái của mình để có công dân đạt chuẩn tiêu chí thời đại mới nói chung và đạt chuẩn công dân toàn cầu. Phụ nữ góp phần làm cho con của họ trở thành người có tri thức và quan điểm tự tin, tự trọng; biết xác định hài hòa lợi ích nhân loại trong mối quan tâm chung và lợi ích cá nhân; luôn hành động có trách nhiệm và văn hóa với môi trường sống xã hội và tự nhiên; có khả năng thành thạo nhiều ngoại ngữ; có tâm thế và cách làm việc khoa học; tư duy logic, biện chứng; có thái độ làm việc, sinh sống ở quốc gia nào cũng luôn thể hiện bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quốc gia, không quên nguồn cội…

Hai là, trên vai trò thành viên gia đình, phụ nữ cùng hợp tác, chia sẻ với chồng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, giúp đỡ các thành viên gia đình hợp lý, hài hòa, đúng mực, nhân nghĩa để mọi thành viên đạt chuẩn tiêu chí thời đại mới.

Ba là, trên vai trò là đồng nghiệp, phụ nữ chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ là đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ để thực hiện tốt các công việc theo vị trí việc làm được giao, nhất là việc hài hòa cả công việc cơ quan và gia đình trong bối cảnh vai trò kép của phụ nữ.

2. Tạo diễn đàn tương tác cho nam giới và phụ nữ để mỗi người đều biết mình là ai và hiểu sâu sắc, đầy đủ những người khác xung quanh mình, nhất là trong các mối quan hệ từ vị trí, vai trò đến trách nhiệm với bản thân và với người khác, từ đó chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để đạt tiêu chí thời đại mới

Báo chí với vai trò xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới  - ảnh 2
Các tiêu chí phụ nữ thời đại mới đều ít nhiều đã có trong mỗi người phụ nữ hiện tại

Phụ nữ là con người, là công dân có đặc thù riêng về giới tính nữ và thiên chức người mẹ nên việc đạt các tiêu chí không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân họ mà còn cần sự sẻ chia, hợp tác thiện chí, yêu thương thường xuyên của những người nam giới trong các mối quan hệ họ đã và đang thiết lập.

Xuất phát từ giới tính thực tế chi phối bởi chức năng sinh sản đã tạo ra nhiều điểm tương đồng, khác biệt trên tương đồng và khác biệt hoàn toàn về cấu trúc cơ thể, cơ địa, dẫn đến nhiều khía cạnh xã hội của phụ nữ và nam giới được quyết định không giống nhau, không bằng nhau, chỉ ngang nhau và như nhau tùy đặc điểm, vai trò thực tế. Theo đó, sẽ có những việc giới tính này sẽ làm tốt hơn giới tính ngược lại, nhưng nếu họ kết hợp điểm mạnh của người này với điểm yếu của người kia và ngược lại, sẽ tạo ra sức mạnh mới.

Diễn đàn tương tác qua Báo chí có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp mọi người nhận ra mình là ai, mình có vị trí, vai trò như thế nào trong các mối quan hệ, mình đã và đang có những gì, những gì cần phải thay đổi, bổ sung…từ đó, giảm định kiến, hiểu lầm về giới tính ngược lại với mình, biết tôn trọng tự nhiên, thấu hiểu, đồng cảm và đồng hành hiệu quả nhất.

3. Trao cơ hội cho phụ nữ chia sẻ và tương tác với nhau những điều đã biết, đã hiểu về các tiêu chí phụ nữ thời đại mới

Các tiêu chí phụ nữ thời đại mới đều ít nhiều đã có trong mỗi người phụ nữ hiện tại (tính từ 18 tuổi trở lên) nhưng ở các mức độ khác nhau. Đồng thời, mỗi người cũng có thể có những kỳ vọng, mong muốn khác nhau về việc kiến tạo một người phụ nữ cho tương lai thông qua việc nuôi dạy trẻ em gái (dưới 16 tuổi) và người chưa thành niên nữ (từ 16 đến dưới 18 tuổi).

Theo đó, báo chí nên dựa trên các nhóm mục tiêu định hướng để tạo ra các chuyên mục dành riêng cho phụ nữ thời đại mới với tên gọi phù hợp, có sự dẫn dắt, tương tác để phụ nữ nói lên thực trạng, nhu cầu và mong muốn, kỳ vọng, đồng thời có các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chia sẻ thông tin, cung cấp kiến thức, kỹ thuật phù hợp giúp phụ nữ tự nhận diện, đánh giá mức độ và đề ra mục tiêu thay đổi/bổ sung/điều chỉnh.

4. Tránh mô tả chi tiết về tiêu chí và định kiến khi thể hiện thông tin

Phụ nữ là người đánh giá tốt nhất các mức độ đạt tiêu chí của bản thân đến đâu và họ xác định rõ những gì mình cần, nên nếu Báo chí mô tả quá chi tiết các tiêu chí sẽ có thể đúng với người hoặc nhóm này mà không đúng với người hoặc nhóm khác. Theo đó, việc mô tả tiêu chí chỉ nên dừng lại ở những thông tin đã có trong các văn bản chính thức (cũng cần nghiên cứu kỹ các văn bản để cân nhắc sử dụng thông tin cho phù hợp). Ngay cả trong trường hợp muốn nêu một điển hình, một tấm gương cũng không nên mô tả quá chi tiết, quan trọng nhất là mô tả được cách thức/phương pháp đã làm để có/đạt tiêu chí chung và kết quả thực tế.

Định kiến trên Báo chí nếu không nghiên cứu, phân tích kỹ đôi khi sẽ rất khó nhận ra, nhất là đối với những thông tin thể hiện gắn với phụ nữ. Ví dụ nếu muốn chia sẻ với phụ nữ về trách nhiệm trong gia đình liên quan đến việc nhà, không nên viết theo kiểu đưa ra nhận định “Dọn dẹp nhà cửa thì có nhiều nhặn gì đâu, vậy mà một số chị em cũng thuê người một tuần dọn dẹp, giặt giũ một lần”, nên viết theo hướng để mọi người hiểu rõ “Dọn dẹp nhà cửa là trách nhiệm của các thành viên gia đình. Tuy nhiên, do còn nặng quan niệm phân biệt về vai trò nên nhiều nam giới vẫn coi là công việc của phụ nữ trong gia đình”, từ đó có thể gợi ý giải pháp cho phụ nữ “Trong hoàn cảnh ấy, chị em cần tìm cách động viên chồng, con cùng chia sẻ để bớt chi phí thuê người làm và tăng sự gắn kết tình nghĩa vợ chồng và các thành viên gia đình”…

Định kiến khi thể hiện thông tin trên Báo chí có thể và thường tập trung vào một số dạng như sau cần được lưu ý để tránh trong quá trình hoạt động:

Thứ nhất, khai thác quá mức khía cạnh giới tính nữ theo xu hướng “đơn” và “tĩnh”, nghĩa là chỉ nhìn phụ nữ trong mối tương quan với chính họ, không có các mối quan hệ khác chi phối trong gia đình, cơ quan và xã hội.

Thứ hai, ngộ nhận về sự “hy sinh”, “nhẫn nhịn” của phụ nữ trong gia đình.

Thứ ba, củng cố định kiến tiêu cực về nhóm phụ nữ này thông qua các thông điệp về hoạt động hoặc kết quả đạt được của một số phụ nữ khác.

Thứ tư, mặc định cho phụ nữ là đối tượng duy nhất phải tự nhìn lại mình trong tất cả mọi hoàn cảnh và mặc định những gì phụ nữ chưa đạt được là do chính chị em phụ nữ vẫn muốn dành nỗ lực cho gia đình hoặc hy sinh con con cái…

Thứ năm, không vô nhân xưng (là cách thể hiện hành động không dựa trên quan điểm cá nhân, hoàn toàn xuất phát từ khách quan trong thể hiện thông điệp), có xu hướng quy chụp, viết, nói, hỏi thể hiện ý nghĩa hạn chế, loại trừ, không công nhận/thừa nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của phụ nữ. Ví dụ “nếu không có chồng ủng hộ thì chắc chắn chị sẽ gặp nhiều khó khăn khi đạt tiêu chí này phải không?”

5. Đồng hành với phụ nữ trong các thông điệp thực tế

Phong trào do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động tập trung vào 4 tiêu chí “CÓ”. Báo chí với sức mạnh thực tế của mình, nên thiết lập các hoạt động thể hiện vai trò đồng hành hỗ trợ phụ nữ thật sự “CÓ” bền vững thông qua các hoạt động không chỉ giúp phụ nữ biết và chia sẻ về 4 có mà còn giúp phụ nữ nhận diện và vượt qua được rào cản của chính bản thân để nói “KHÔNG” với những bất lợi, chỉ có như vậy kết quả phong trào mới thật sự có ý nghĩa thực tế. Điều này có nghĩa là, bên cạnh “có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe và có trách nhiệm”, phụ nữ rất cần được trang bị thêm các thông tin, kiến thức, kỹ thuật về “4 không”: không định kiến, không ôm đồm, không an phận, không cáu giận” để biết tự cân bằng bản thân - gia đình và công việc, biết sử dụng vitamin 3B (“Buông” để giảm áp lực bản thân; giúp người khác phát huy nội lực gồm: buông sự bao bọc người khác, thói quen nhận xét, đánh giá về người khác và thói quen làm thay công việc của người khác. B2. “Bỏ” để không tạo áp lực cho người khác: bỏ cách sống bằng cảm nhận, đánh giá của người khác và bỏ thói quen lưu giữ những thứ không phải của mình. B3. “Bớt”: để có thời gian cho bản thân và trao cơ hội trưởng thành cho người khác: bớt ôm đồm công việc, bớt can thiệp vào công việc của người khác, bớt lo sợ người khác không làm được), và 3C (“Cười” để ghi nhận, động viên nỗ lực của người khác và không làm cho người khác lo lắng về bản thân. C2. “Chia sẻ” làm công việc phù hợp với đặc điểm thể chất và khả năng thực tế, hỗ trợ, hướng dẫn người khác thực hiện. C3 “Cư xử” không hủy hoại mình và hủy hoại người khác, nói không với những hành vi không có lợi cho gia đình), biết hành động với tư duy mở “nhìn thấy rừng, thấy cây và thấy tất cả mọi thứ liên quan đến rừng và cây”.

Vai trò đồng hành của Báo chí trong việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới nên được thể hiện như sau:

Một là, bất cứ chủ đề nào gắn với các tiêu chí người phụ nữ thời đại mới cũng phải được nêu rõ vấn đề/thực trạng → phân tích rõ nguyên nhân → gợi ý giải pháp xử lý KHÔNG ĐỊNH KIẾN

Hai là, tăng thông tin về hình mẫu người phụ nữ biết vượt qua rào cản giới của bản thân và phát huy tốt đặc thù giới tính thực tế.

Ba là, tăng thông tin/thông điệp khích lệ phụ nữ trẻ vượt qua định kiến giới

Bốn là, nêu định kiến giới, phân tích tác hại và mô tả phương pháp/cách thức vượt qua định kiến để đạt các tiêu chí “có”.

Năm là, nói “không” với việc sử dụng các từ, cụm từ “hy sinh”, “bản năng”, “thiên chức làm vợ” và các hình ảnh không có lợi đối với phụ nữ.

Sáu là, tăng thông tin khích lệ nam giới chia sẻ công việc theo tinh thần “trách nhiệm và văn hóa” để phụ nữ thực hiện quyền và cơ hội của bản thân.

Để thực hiện 05 vai trò nêu trên, thiết nghĩ Báo chí cần có giải pháp bồi dưỡng năng lực hỗ trợ “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để hiểu thống nhất và hành động hiệu quả.

Phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” được xác định có ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc, nhưng chỉ thật sự phát huy tác dụng khi được đo bằng kết quả thực tế phụ nữ đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng tốt nhất. Hy vọng, với sự tham gia của Báo chí, phong trào sẽ đạt được kết quả kỳ vọng, góp phần thiết thực vào việc thực hiện định hướng xây dựng con người Việt Nam thời đại mới đã được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.

CVCC.ThS Hà Thị Thanh Vân- Phó GĐ Học viện Phụ nữ Việt Nam

 

Tin cùng chuyên mục

 Hà Nội phấn đấu 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa

Hà Nội phấn đấu 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa

(PNTĐ) - Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo: 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 65% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; 75% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa…
Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại

Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại

(PNTĐ) - Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý và cả người dân bình thường khi nói về văn hóa Thăng Long - Hà Nội đều dùng những khái niệm có tính khái quát “Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn vật”. Các khái niệm đó đã nói đến nguồn vốn văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Chỉ cần điểm qua một số yếu tố của nguồn vốn văn hóa (cũng là nguồn lực văn hóa) đã đủ thấy tiềm năng cho công nghiệp văn hoá Thủ đô lớn đến mức nào.