Trở lại vụ việc xâm phạm tại Cụm di tích đình, chùa xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội):
Bao giờ Cụm di tích lịch sử quốc gia được “cứu“?
(PNTĐ) - Hơn một năm rưỡi theo đuổi sự việc (tính từ đầu năm 2022) cùng 5 loạt bài đã khởi đăng, đầu tháng 8/2023, trở lại với Cụm di tích đình, chùa xã La Phù, chúng tôi nhận thấy, sai phạm xâm phạm Cụm di tích vẫn tồn tại, thậm chí còn có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Đã yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc
Cụm di tích đình chùa xã La Phù (đình làng La Phù, chùa Trung Hưng, chùa Cả) đã có lịch sử hàng ngàn năm, các kiến trúc hiện còn có tuổi đời trên 500 năm. Ngày 22/3/1988, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Quyết định số 191/VH-QĐ về việc công nhận xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đối Cụm di tích đình, chùa xã La Phù. Quyết định này được ban hành trên cơ sở Hồ sơ xếp hạng kèm theo Biên bản quy định khu vực bảo vệ di tích ngày 4/12/1986 và Bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu di tích La Phù do chính quyền 3 cấp (xã, huyện, thành phố) và Sở Văn hóa - Thông tin lập, tỷ lệ 1/1000.
Song, theo phản ánh của Ban Khánh tiết cụm di tích và một số người dân xã La Phù, nhiều năm qua, Cụm di tích cấp quốc gia này thường xuyên bị xâm hại. Trong đó, nổi lên sự việc hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí (Chí) xây nhà cao tầng sát với Tam Bảo - chùa Trung Hưng, vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa, làm phá vỡ cảnh quan của Cụm di tích. Điều đáng nói, không hiểu sao, dù nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của Cụm di tích nhưng khu đất của hộ ông Trí và một số hộ dân khác vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trước sự việc trên, ngày 7/7/2021, UBND xã La Phù đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-ĐC về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình, chấm dứt ngay hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với gia đình ông Trịnh Đắc Trí.
Ngày 1/6/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có văn bản số 1688/SVHTT-DTDT gửi UBND huyện Hoài Đức, trong đó đưa ra quan điểm, sai phạm xảy ra tại Cụm di tích đình, chùa xã La Phù là do chính quyền chưa thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản của pháp luật liên quan và Thành phố về di sản văn hóa. Căn cứ Biên bản và Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đình - chùa La Phù (lập ngày 4/12/1986), khu vực đang thi công nhà ở của gia đình ông Trịnh Đắc Trí cùng 5 hộ dân khác đều nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của di tích. Việc những công trình trong khu vực này đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân là không tuân thủ quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa và các quy định của Thành phố về di sản văn hóa.
Để giải quyết vụ việc, Sở đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo UBND xã La Phù và các phòng, ban liên quan xác định rõ thực trạng, quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của Cụm di tích từ trước đến nay để đối chiếu với các quy định pháp luật và Thành phố liên quan về di sản văn hóa; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra tình trạng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã được xếp hạng. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu xác định chính xác thời gian các hộ dân đã sinh sống (ổn định) trong khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích để tổ chức xin ý kiến đồng thuận của nhân dân (các tổ chức, cá nhân liên quan); hiện trạng quản lý cụm di tích đình - chùa La Phù về đất đai để làm căn cứ đề xuất phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, hoặc điều chỉnh chỉ giới bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật hiện hành.
Được biết, cùng với văn bản này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn có nhiều văn bản với nội dung tương tự gửi UBND huyện Hoài Đức đề nghị UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND xã La Phù kiểm tra, xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc.
Nhưng sai phạm vẫn tồn tại
Tuy nhiên, trước các văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng như quyết định của UBND xã La Phù về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình, hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí vẫn tiếp tục thi công, hoàn thiện công trình.

Cụ thể, tháng 7/2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo phòng, ban chức năng phối hợp với UBND xã La Phù, Tiểu ban quản lý cụm di tích đình-chùa La Phù, sư trụ trì và các thành viên liên quan kiểm tra hiện trạng di tích đình chùa La Phù. Qua kiểm tra cho thấy, hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí vẫn đang tiếp tục thi công xây dựng công trình đến tầng 3. Đoàn công tác đã đề nghị UBND xã La Phù, UBND huyện Hoài Đức được giao trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đúng quy định phân cấp của UBND thành phố Hà Nội, có trách nhiệm thực hiện thường xuyên công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, giữ nguyên hiện trạng công trình, kịp thời xử lý vi phạm đúng thẩm quyền, báo cáo Sở Văn hoá và Thể thao các nội dung vượt thẩm quyền để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội sau đó, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục khẳng định quan điểm: Việc hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí xây dựng công trình nhà ở trong phạm vi khoanh vùng khu vực bảo vệ I cụm di tích đình-chùa La Phù là vi phạm pháp luật về di sản văn hoá. Sở Văn hoá và Thể thao báo cáo, đề xuất và kính đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng UBND huyện Hoài Đức, UBND xã La Phù tổ chức thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ và kết luận việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi khoanh vùng khu vực I cụm di tích đình-chùa La Phù.
Những tưởng đến đây, thì vụ việc xâm phạm di tích đã được giải quyết nhưng trở lại với Cụm di tích, ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 18/8/2023 cho thấy, công trình xây dựng của hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí vẫn tồn tại. Ông Nguyễn Phan Đích, Phó Ban Khánh tiết Cụm di tích và ni sư Thích Đàm Thuận, Trụ trì chùa Trung Hưng cho biết, công trình vẫn tiếp tục được thi công và không có dấu hiệu dừng lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù thừa nhận, so với thời điểm đầu năm 2022, những khó khăn của chính quyền xã trong xử lý vụ việc về cơ bản vẫn… “giữ nguyên”. Từ chối bình luận về việc vì sao hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí và một số hộ dân khác dù nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của Cụm di tích nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Bình cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận diễn ra từ thời kỳ trước và có hội đồng xét duyệt dựa theo quy định của thời điểm đó. Song, bà Bình giải thích thêm, việc cấp Giấy chứng nhận hay không căn cứ vào việc khoanh vùng bảo vệ di tích. Tuy nhiên, thời điểm sau khi khoanh vùng bảo vệ di tích xong thì không công khai, hồ sơ liên quan đến khoanh vùng bảo vệ di tích sau đó lại bị thất lạc, xã cũng không còn lưu giữ. Vì vậy, thời gian qua, việc quản lý khoanh vùng bảo vệ di tích của chính quyền chỉ dựa trên hiện trạng sử dụng.
Theo bà Bình, hộ ông Trí và các hộ dân khác đã ở ổn định từ trước khi quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích. Theo quy định, ở nông thôn, khi xây dựng nhà ở khu dân cư không cần xin cấp phép xây dựng. Chính quyền địa phương đã kiểm tra, thấy rằng hộ ông Trí có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ dân cũng ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường khi xây dựng. Vì vậy, sau khi chính quyền xã yêu cầu hộ ông Trí tạm dừng việc thi công, sau một thời gian phía ông Trí lại kiến nghị về quyết định đình chỉ của xã và yêu cầu xác định hành vi xây dựng nhà ở là vi phạm quy định nào. Trong khi đó, xã cũng không thể cử người canh gác 24/24h cũng như phá khóa để vào nếu gia đình khóa cửa thi công bên trong.
Cũng theo Phó Chủ tịch xã La Phù, chính quyền xã đã đề xuất UBND huyện giải quyết sự việc theo hướng di dời tái định cư đối với cả 6 hộ dân hiện đang nằm trong vùng bảo vệ I của Cụm di tích. Ngoài ra tới đây một Dự án tu bổ Cụm di tích cũng dự kiến được triển khai. Dự án hiện đang trong quá trình xin cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với các giải pháp này, bà Bình hy vọng vụ việc sẽ được giải quyết dứt điểm.
Có thể thấy, mấu chốt sự việc xâm phạm di tích này liên quan tới việc ai là người đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của Cụm di tích. Từ đây, hộ gia đình ông Trí lấy làm cơ sở để bảo vệ hành vi xây nhà cao tầng vi phạm Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm vụ việc, cần khẩn trương làm rõ trách nhiệm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của Cụm di tích đình, chùa xã La Phù.