Dâng sao giải hạn: Đừng làm xấu xí phong tục

Chia sẻ

PNTĐ-Những ngày đầu năm, tại các ngôi chùa trên khắp cả nước không khó để bắt gặp hình ảnh đông đúc, tấp nập người dân đến cúng sao giải hạn.

 
Theo quan niệm dân gian, trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng đều phải trải qua những ngôi sao chiếu mệnh xấu làm ảnh hưởng đến vận mệnh từng năm. Bởi vậy, vào đầu năm, nhiều người thường tìm đến các ngôi chùa để dâng sao giải hạn với mong muốn sẽ hóa giải được những điều xui xẻo, đón nhận vận may…
 
Dâng sao giải hạn: Đừng làm xấu xí phong tục  - ảnh 1
Hàng nghìn người kéo đến chùa Phúc Khánh làm lễ dâng sao giải hạn mỗi năm

 
Một tập tục khó bỏ
 
Những ngày đầu năm, tại các ngôi chùa trên khắp cả nước không khó để bắt gặp hình ảnh đông đúc, tấp nập người dân đến cúng sao giải hạn. Với suy nghĩ “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhiều người coi dâng sao giải hạn là một việc làm quan trọng, không thể thiếu vào dịp đầu năm. 
 
Theo TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, tập tục dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, mỗi một năm con người sẽ ứng với một sao chủ cụ thể như: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hớn, Thủy Diệu. Trong đó, sao Thái Dương, Thái Âm là sao tốt. La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là sao xấu. Theo quan niệm, những ngôi sao xấu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự bình an, sức khỏe, tiền tài, vận mệnh của con người.   
 
Thời gian dâng sao giải hạn thường được diễn ra từ ngày 8 tháng Giêng đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, nhiều nơi làm trong cả tháng Giêng. Vào khoảng thời gian này, tại một số ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội, hàng nghìn người dân đua nhau kéo đến làm lễ tiễn sao xấu, đón sao tốt và cầu bình an cho cả gia đình. Các chùa làm lễ dâng sao giải hạn có riêng một bàn tiếp nhận nguyện vọng một cách rất chuyên nghiệp và chu đáo. 
 
Chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa vẫn nổi tiếng với cả vạn người đến làm lễ dâng sao dịp đầu năm, lúc nào cũng đông nghịt khiến chùa luôn rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều người không có chỗ ngồi nên đã không ngại nguy hiểm tràn xuống lòng đường, ngồi hàng giờ đồng hồ vái vọng vào bên trong để cầu mong được giải hạn. Họ tin rằng, chỉ trong một buổi tối sau lễ cầu cúng, những ngôi sao xấu của hàng nghìn người được hóa giải cùng một lúc.
 
Khi tới dâng sao giải hạn ở chùa, mỗi gia đình đều phải nộp một khoản tiền. Số tiền này dao động từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/sao (tùy từng chùa). Nếu trong một gia đình, mỗi thành viên trong năm ấy đều ứng với sao chiếu mệnh xấu thì số tiền dâng sao giải hạn lên đến hàng triệu đồng. Với niềm tin mãnh liệt vào “sức mạnh” của lễ dâng sao giải hạn, nhiều người đã không ngần ngại bỏ thời gian và công sức để chạy theo hình thức này.
 
Nhiều người dâng sao ở chùa chưa yên tâm, còn lập đàn lễ lớn mời thầy chùa, thầy cúng về nhà cúng kiếng cả ngày trời cực kỳ tốn kém. Các thầy cúng cũng lợi dụng dịp này để đưa ra những lời dụ dỗ cúng sao giải hạn rầm rộ nhằm kinh doanh trục lợi. 
 
Sống thiện để được an yên
 
Trao đổi về tập tục dâng sao giải hạn đầu năm, TS. Nguyễn Viết Chức khẳng định, việc cúng sao giải hạn không phải là hình thức có thể giúp con người hóa giải được mọi điều xui xẻo, tất cả chỉ là quan niệm dân gian. Mỗi một năm, con người ứng với một sao, nếu năm ấy ứng với ngôi sao tốt thì không phải là mọi thứ đều tốt tuyệt đối, kể cả với sao tốt nhất trong một năm thì vẫn có điều không tốt. 
 
Nếu dâng sao giải hạn rồi mà làm những điều tồi tệ, không tốt cho bản thân và người khác thì không bao giờ giải được hạn” - chuyên gia khẳng định. 
 
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng, đây cũng không phải tập tục xấu hay hủ tục cần phải loại trừ, bởi sau khi dâng sao, quan trọng nhất người được giải hạn an tâm. Vì vậy, có thể coi dâng sao giải hạn là một liệu pháp tâm lý. 
 
Theo Đại đức Thích Tuệ Nhật, Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng - Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, người ta thường quan niệm rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều có một vì sao chiếu mạng, có một ông thần cai quản, nói rộng hơn là có sổ Nam Tào ghi tên tuổi, phán quyết vận hạn của mỗi người trong một năm.
 
“Mọi người đến chùa dâng sao giải hạn, ai cũng đều mong muốn cầu sự bình an, sức khoẻ, công việc thuận lợi cho bản thân và gia đình. Dâng sao giải hạn là một phong tục dân gian có từ nhiều đời nay. Những thế hệ đi sau nên thực hiện hợp lý để biến dâng sao giải hạn trở thành một phong tục đẹp, thổi vào đó cái hồn, nội dung, ý nghĩa thay vì lợi dụng và làm xấu đi. Dâng sao giải hạn chỉ là hình thức, quan trọng người dâng sao giải hạn và các vị ở đền, chùa, miếu mạo đứng ra làm lễ dâng sao. Hai đối tượng này cần hiểu rõ để biến hình thức này thành văn hoá tốt đẹp và hài hoà xã hội” - Đại đức Thích Tuệ Nhật nói.
 
Hải Hương

Tin cùng chuyên mục

“Theo dấu chân Người” tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

“Theo dấu chân Người” tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - “Theo dấu chân Người” là chủ đề hoạt động trong suốt tháng 5/2024 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhằm hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn.
Kết thúc Giải bóng rổ 3×3 Hà Nội mở rộng 2024

Kết thúc Giải bóng rổ 3×3 Hà Nội mở rộng 2024

(PNTĐ) - Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, tối 5/5, Giải bóng rổ 3×3 Hà Nội mở rộng lần thứ V năm 2024 - “3×3 Hanoi Open Cup 2024 Powered by MB” đã khép lại với ngôi vô địch các nội dung thuộc về: 3F Galaxy (Nam Pro), Women Chicken Dunk (Nữ Pro), Hanoi Amigos (U18 nam), Fire Sport (U16 nam).