Để sân khấu khởi sắc trở lại

Chia sẻ

Các rạp hát, rạp chiếu phim đã sáng đèn trở lại. Đó là những hình ảnh rất đẹp, mang tính biểu tượng của thời kỳ “hậu Covid-19”, mặc dù chúng ta vẫn đang ở trong trạng thái “bình thường mới”, ý thức phòng chống, cũng như tinh thần cảnh giác với Covid-19 vẫn luôn thường trực.

“Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam hút khán giả trở lại sân khấu“Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam hút khán giả trở lại sân khấu (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng).

Vẫn còn quá sớm để đánh giá sự trở lại của các nhà hát sau dịch. Nhưng có thể thấy ngay rằng, ngay trong những ngày đầu tiên khi sân khấu sáng đèn trở lại đã có những hình ảnh rất đẹp, chứa đầy lạc quan hy vọng. Đó là hình ảnh khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội được lấp đầy khán giả với gần 600 ghế trong buổi công diễn vở kịch “Bệnh sĩ” của cố tác giả Lưu Quang Vũ tối 23/5. Nó cũng là “phép thử” chính xác nhất cho khả năng thu hút công chúng Thủ đô. Phép thử ấy đã cho kết quả đầu tiên. Không chỉ khán phòng chật kín, mà vở kịch còn đón chào những khán giả đặc biệt. Đó là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Bên cạnh đó còn có các khán giả là các đại biểu Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành TƯ cùng đông đảo khán giả…

Việc các đồng chí lãnh đạo dành thời gian đến thưởng thức các buổi diễn cho thấy sự quan tâm to lớn của các cấp chính quyền đối với nghệ thuật sân khấu nói riêng và sự phục hồi các hoạt động văn hóa giai đoạn “hậu Covid” nói chung. Nó cũng phản ánh sức hút hết sức tự nhiên của vở diễn, khi các vấn đề mà vở kịch nêu ra không hề cũ, và những cảm xúc mà vở diễn mang lại vẫn tươi mới công chúng hôm nay. Không khí tại sân khấu Nhà hát Lớn tối 23/5 không hề mang tính “xã giao”, “báo cáo”… Trái lại, mặc dù vở kịch đã kết thúc nhưng có rất nhiều khán giả nán lại tặng hoa, chia sẻ những cảm xúc và ấn tượng đối với vở diễn.

Nhiều năm nay, trong khi sân khấu phía Nam hết sức sôi động thì sân khấu phía Bắc lại lâm vào cảnh đìu hiu. Khán giả Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc dần đánh mất thói quen đến rạp hát vào các buổi tối. Họ dần chuyển sang các hình thức giải trí khác. Lớp người đứng tuổi chủ yếu… về nhà xem tivi, còn lớp trẻ chuyển sang phim ảnh, game, hay các hình thức giải trí tân kỳ khác. Có nghệ sĩ đã phải thốt lên rằng: Thật khó để kéo người Hà Nội ra khỏi nhà sau giờ “gà lên chuồng”.

Để thay đổi thói quen đó thì rõ ràng các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu phải có sức lôi cuốn rất mạnh. Bên cạnh đó cũng cần phải có các hình thức “vận động”, “nêu gương”, “truyền cảm hứng”… Nhiều dự án sân khấu học đường hay đưa các vở diễn vào trường học đã được thực hiện như là những nỗ lực để “đào tạo” lại một thế hệ trẻ còn biết đến sân khấu. Trong bối cảnh đó, việc các đồng chí lãnh đạo quan tâm đến thưởng thức các vở diễn sân khấu có sức động viên rất lớn đối với các nghệ sĩ, và có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ cho một bộ phận công chúng vốn từ lâu thờ ơ với sân khấu.

Để kéo khán giả trở lại với sân khấu thời kỳ hậu Covid, Bộ VHTTDL đã có cả một chiến lược bài bản. Đó là triển khai chuỗi các chương trình biểu diễn chất lượng do các các nhà hát, đơn vị nghệ thuật thuộc bộ dàn dựng. Vở “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ diễn ra tối 23/5 chính là vở diễn mở màn chuỗi chương trình này.

Chúng ta hy vọng rằng với sự khởi đầu rất đẹp từ vở “Bệnh sĩ”, sân khấu Việt Nam nói chung, và sân khấu phía Bắc sẽ có cơ hội khởi sắc trở lại.

MỸ NGUYỄN 

Tin cùng chuyên mục