Để sen Hà Nội góp phần phát triển công nghiệp văn hóa
(PNTĐ) - Hà Nội hiện có diện tích trồng sen khoảng 600ha. Việc gìn giữ, phát triển, tôn vinh giá trị độc đáo của hoa sen không chỉ mang lại giá trị kinh tế, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần người Hà Nội nói riêng, người Việt nói chung, mà còn góp phần vào sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Từ nét đẹp và giá trị độc đáo của hoa sen
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay” do Báo Hànộimới phối hợp với UBND quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức sáng 4/7, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Không chỉ trong Phật giáo, mà cả Lão giáo và Nho giáo, hoa sen được sử dụng và là biểu tượng cho sự bình an, thanh khiết. Ngoài ra, hoa sen cũng đi vào văn học, nghệ thuật với những bài thơ, văn, ca khúc được nhiều người biết đến, mang ý nghĩa đối với đời sống tinh thần.
Đặc biệt, hoa sen còn có giá trị cao về kinh tế. Là người trồng sen lâu năm ở Tây Hồ, cũng là người mang giống sen quý Bách Diệp nhân rộng thành công ở một số điểm trên địa bàn Hà Nôi, ông Bùi Mạnh Hiếu chia sẻ: “Từ xa xưa, người Tây Hồ nói chung và người Quảng An, Nhật Tân nói riêng đã biết cho trà vào hoa sen để ướp và hứng những giọt nước mưa đêm trên lá sen để thưởng trà sen, lấy gạo sen để ướp trà sen khô, là một đặc sản của người Tây Hồ”.
Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức trong 5 ngày, từ 12-16/7/2024, tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội). Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức nhằm tôn vinh và khẳng định giá trị của sen Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu định vị thương hiệu văn hóa, du lịch Thủ đô. Lễ hội Sen có nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi động với 100 gian hàng trưng bày đặc sản về sen và giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, ẩm thực… Điểm nhấn của sự kiện là lễ khai mạc với chương trình trình diễn nghệ thuật bán thực cảnh tại không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Chương trình gồm 4 chương được đầu tư công phu với sự tham của 1.200 diễn viên chuyên và không chuyên cùng các ứng dụng công nghệ chiếu mapping ánh sáng dưới nước độc đáo tôn vinh sức sống của cây sen và vẻ đẹp văn hóa người Hà Nội. Trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động hội thảo, triển lãm… về sen, đêm nhạc, ngày hội đạp xe quanh Hồ Tây.
Ngày nay, giá trị của hoa sen và cây sen không chỉ dừng lại ở việc ướp trà hay khai thác sản phẩm hoa, hạt sen tươi, hạt sen khô, củ sen... Với trí tuệ, bàn tay tài khéo của các nghệ nhân, doanh nhân, cây sen đã trở thành nguyên liệu chính để làm nên nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày của người Việt.
Đặc biệt, ở Hà Nội có Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) đã nghiên cứu thành công tơ sen để cho ra đời những sản phẩm hoàn mỹ, thân thiện với môi trường, có độ bền bỉ, mềm mại và thoáng mát từ tơ sen. Thông qua các sản phẩm đã quảng bá hình ảnh của Hà Nội tới bạn bè cả nước và du khách quốc tế.
“Ngoài ra, nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận OCOP tiêu biểu như: Khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao); trà sen Quảng An (4 sao), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao như: Giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng” - ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin.
Từng bước đưa sen Hà Nội vươn tầm quốc tế
Khẳng định, sen không chỉ mang giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng: Từ giá trị tổng thể của cây sen, có thể hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cũng có cơ hội phát triển thương hiệu về sen. Nếu như sen hồ Tây trở thành thương hiệu quốc gia thì sẽ tạo cơ hội quảng bá du lịch rất lớn. Thành phố đã có 600ha trồng sen, trong đó, sen Tây Hồ sẽ trở thành điểm nhấn để phát triển.
Hiểu rõ giá trị ấy, những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh khuyến khích người dân trồng sen từ việc chuyển đổi diện tích đồng trũng, đất hồ ao, ruộng bỏ hoang hóa, kém hiệu quả; đưa các giống sen mới chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất tại một số địa phương như: Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và quận Tây Hồ với tổng diện tích gần 30ha; góp phần phát huy hết lợi thế và giá trị của cây sen.
Tại quận Tây Hồ, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024, UBND quận đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội”. Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha. Mô hình được Sở NN&PTNT hỗ trợ 50% giống sen Bách Diệp (tương đương 7.000 cây), 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, để mô hình mẫu về sản xuất sen tại quận Tây Hồ phát huy hiệu quả hơn, thời gian tới quận sẽ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội khai thác thêm giá trị mới từ sen. Nhằm quy hoạch, khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, trải nghiệm về sen trên địa bàn, từ đó thu hút du khách trong và ngoài nước một cách bền vững, quận cũng đã liên kết để tổ chức các ngày hội đạp xe bên hồ Tây - hồ sen, các hoạt động đua thuyền rồng, dù lượn…; chọn địa điểm cố định tại phố Trịnh Công Sơn thành không gian sáng tạo để trưng bày, giới thiệu và tổ chức các hoạt động về sen; hướng Tây Hồ trở thành điểm đến du lịch về sen cho du khách.