Từ ánh sáng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam:

Động lực thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển

Mai Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đã định hướng đúng đắn cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa nghệ thuật nói riêng suốt 80 năm qua. Có thể nói, Đề cương là ánh sáng soi đường, thúc đẩy nền văn hóa nghệ thuật nước ta phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.

Động lực thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển - ảnh 1
Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh - nguyên Tổng Bí thư soạn thảo. Ảnh: Int

Trong suốt chiều dài lịch sử, sự phát triển quan điểm lý luận của Đảng về văn hóa nghệ thuật đã góp phần thúc đẩy nền văn hóa nghệ thuật nước ta phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. 

Từ tầm nhìn chiến lược
80 năm qua, Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 được các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và nước ngoài coi là một hiện tượng đặc biệt, hiếm có đối với một Đảng chưa cầm quyền, bởi Đề cương thể hiện một tầm nhìn chiến lược không kém phần quan trọng như tầm nhìn đối với chính trị và kinh tế. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân: “Đề cương phản ánh sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta bắt nguồn từ một thực trạng đất nước đang bị “một cổ ba tròng” của phong kiến, thực dân Pháp và phát xít Nhật đua nhau thống trị, đàn áp nhân dân. Vì vậy, Đề cương là sự cảnh báo cần thiết và kịp thời đối với toàn dân tộc, bóc trần mối nguy hại của chính sách văn hóa phản động, như tuyên truyền phô trương văn hóa của thực dân và phát xít; đề cao chủ nghĩa Đại Đông Á, mua chuộc nhà văn có tài, hăm dọa các nhà văn tiến bộ có tư tưởng cách mạng, tuyên truyền chủ nghĩa ái quốc mù quáng... Trước nguy cơ đó, Đề cương đã chỉ rõ muốn hoàn thành cách mạng chính trị, Đảng ta phải đồng thời lãnh đạo cách mạng văn hóa. Phải xây dựng văn hóa tân dân chủ. Về văn nghệ cần đề cao xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và làm giàu tiếng nói, chữ viết dân tộc... Tất cả những hoạt động đó đều dựa trên ba nguyên tắc: Dân tộc, khoa học, đại chúng”. 

Khẳng định Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 mở đường lý luận văn hóa của Đảng, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng: “Đề cương về Văn hóa đã giải quyết vấn đề trước mắt của văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh trước cách mạng Tháng Tám. Đó là thu hút và tập hợp văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đồng thời đập tan văn hóa nô dịch của ngoại xâm, văn hóa phản tiến bộ của thế lực phong kiến. Đảng ta đã công bố quan điểm của mình về văn hóa theo quan điểm Mác-xít. Đề cương chỉ rõ văn hóa Việt Nam phải đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng để bảo vệ chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phải gắn mình với trào lưu văn hóa tiến bộ trên thế giới. Bản Đề cương đã đưa ra một dự báo quan trọng là nền văn hóa mới toàn Đảng, toàn dân ta phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa”. 

Đến phát triển tư duy lý luận về văn hóa nghệ thuật
Những nội dung cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã trở thành nền tảng tư duy lý luận về văn học nghệ thuật của Đảng ta trong suốt 80 năm qua. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: “Đề cương về Văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng về cách mạng và văn hóa. Đề cương như ngọn đèn soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới; động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ dấn thân cùng đồng lòng cứu nước, cứu dân; hăng hái tham gia mặt  trận văn hóa, tư tưởng”. 

Vấn đề này có thể thấy rõ, với tầm nhìn cách mạng và khoa học, ngay từ khi mới ra đời, Đề cương đã có sức lan tỏa, thu hút đông đảo đội ngũ những người hoạt động văn hóa văn nghệ ưu tú của đất nước, đưa họ đến với cách mạng, đến với Hội Văn hóa cứu quốc. Đây chính là giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương đối với cuộc vận động văn hóa nước nhà, góp phần đắc lực trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong giai đoạn 1945-1954, đường lối văn hóa của Đảng tiếp tục phát triển dưới ánh sáng của Đề cương. Các lĩnh vực hoạt động văn hóa đều tập trung vào nhiệm vụ phục vụ kháng chiến. Trong những bức thư Bác Hồ gửi cho đội ngũ văn hóa và trí thức, Bác thường xuyên có ý kiến chỉ đạo mang tính chiến lược, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa văn hóa và sự nghiệp cách mạng “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. 

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi”. Văn hóa được coi như một mặt trận, một động lực và mục tiêu của cuộc kháng chiến. Kết quả là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn hóa nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay”.  

Theo nhận định của PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, trong báo cáo do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và trình bày tại Hội nghị về Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 - năm 1948 đã khẳng định quan điểm chung làm cơ sở cho xây dựng nền văn hóa mới: “Về tư tưởng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc; về chính trị lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa làm gốc; về xã hội lấy giai cấp công nhân làm gốc; về sáng tác văn nghệ lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”. Cũng theo PGS.TS. Trần Khánh Thành, công cuộc đổi mới được Đảng ta chính thức khởi động từ Đại hội lần thứ VI (1986) đã tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, góp phần mở ra một thời đại mới trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Lý luận văn hóa văn nghệ cũng đã chuyển động nhịp nhàng với thời cuộc, trở nên giàu có, đa dạng và sống động chưa từng thấy. 

Đặc biệt, tại cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ vào tháng 10/1987 đã đưa lại một luồng sinh khí mới cho văn hóa nghệ thuật, khiến cho đội ngũ văn nghệ sĩ tự tin bước sang một thời kỳ mới của văn nghệ nước nhà. Thời gian này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng cũng ban hành Nghị quyết 05 về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn hóa nghệ thuật phát triển lên một bước mới. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (tháng 7/1998) đã ra Nghị quyết chuyên đề về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đảng khẳng định, để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa thì phải chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước.

Sự đổi mới tư duy lý luận về văn hóa nghệ thuật cũng được biểu hiện trong phương pháp lãnh đạo, quản lý văn hóa nghệ thuật. Đảng đã tập trung vào phương diện định hướng tư tưởng, không can thiệp quá sâu vào những vấn đề chuyên môn học thuật, nghệ thuật. Điều này đổi mới so với trước đây là trực tiếp chỉ đạo hoạt động phê bình văn nghệ bằng những bài nói chuyện, những ý kiến phát biểu về những vấn đề cụ thể của văn nghệ. Đảng ta cũng xác định để xây dựng nền văn hóa tiên tiến phải không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đây là quan điểm mới, phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế, góp phần làm cho nền văn hóa nước ta ngày càng tiên tiến hơn. Có thể khẳng định rằng, cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng, tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa nghệ thuật đã có những sự phát triển dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa, góp phần định hướng về tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động của văn hóa, văn học nghệ thuật cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cho nền văn hóa cách mạng 80 năm qua.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.