Giới làm phim ký văn bản khẩn mong Quốc hội cân nhắc thuế GTGT

Nguyên Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hơn 30 nhà làm phim, doanh nghiệp điện ảnh cùng ký vào văn bản khẩn về điều chỉnh mức Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo dự thảo này, thuế GTGT đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong đó có điện ảnh dự kiến tăng từ 5% lên 10%.

Giới làm phim ký văn bản khẩn mong Quốc hội cân nhắc thuế GTGT - ảnh 1
Ảnh trong "Nhà gia tiên" - một bộ phim 
của Huỳnh Lập. 

Trong văn bản được gửi đến Chính phủ và Quốc hội, có những cái tên hàng đầu trong giới làm phim Việt. Họ cho biết, "không xin Nhà nước đầu tư tài chính, không xin cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực, mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp ổn định", trong đó có vấn đề thuế VAT.

Trong nội dung văn bản, các doanh nghiệp, giới làm phim chỉ ra 3 lý do để không đồng thuận với đề xuất tăng thuế VAT lên 10% đối với lĩnh vực điện ảnh. Một là, điện ảnh là một phần quan trọng của hoạt động văn hóa dân tộc, Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến lĩnh vực này. Các doanh nghiệp điện ảnh đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu chung của ngành mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Quyết định 2156/QĐ-TTg. 

Hai là, sau Covid-19, tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (thời điểm trước dịch) và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ba là, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch giảm, tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp điện ảnh.

Văn bản cho rằng đề xuất tăng thuế suất từ 5% lên 10% là không có bất kỳ lý giải hay lập luận khoa học và thực tiễn nào. Thậm chí các doanh nghiệp còn đề nghị giảm 2% so với mức hiện nay.

Trên trang cá nhân, nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà, Giám đốc Sản xuất - CJ HK Entertainment chia sẻ thêm: “Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh này, khi nền điện ảnh Việt Nam đang đối diện với những khó khăn và đang chuyển mình để phát triển, cùng với các chính sách đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đề ra, chính sách thuế nên “khoan thư sức dân” để người dân có cơ hội sử dụng các dịch vụ văn hóa chất lượng cao, doanh nghiệp có cơ hội phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”.

Đạo diễn Đỗ Đức Thịnh cũng bày tỏ: “Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế đối với ngành văn hóa, trong đó có điện ảnh. Thật là đã khó nay càng khó hơn đối với điện ảnh Việt. Rất mong Quốc hội xem xét và có chính sách hỗ trợ ngành văn hóa và điện ảnh có thêm nguồn lực, để có cơ hội tồn tại và phát triển”.

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26/11.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi có những đóng góp to lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi có những đóng góp to lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam

(PNTĐ) - Chiều 12/12/2024, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024).
Phát triển hệ giá trị gia đình và chuẩn mực của người Hà Nội

Phát triển hệ giá trị gia đình và chuẩn mực của người Hà Nội

(PNTĐ) - Tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là cơ hội quý báu để các đại biểu cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm xây dựng các tiêu chí con người Thủ đô mang đậm tính đại diện cho vị thế Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.