Hà Nội công bố danh mục di sản, di tích cần bảo vệ
(PNTĐ) - Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết số 24/NQ-HĐND tại kỳ họp thứ 22 (khóa XVI), ngày 29/4/2025, ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản và công trình kiến trúc cần được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Đây là bước triển khai cụ thể Luật Thủ đô và các quy định liên quan trong công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố.
Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, Hà Nội hiện là địa phương sở hữu số lượng di sản, di tích lớn nhất cả nước. Theo Nghị quyết, danh mục di sản văn hóa vật thể được phân loại thành nhiều nhóm, nhằm xây dựng phương án bảo vệ, tôn tạo phù hợp.
Nhóm di tích đại diện bao gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và 22 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, có 1.164 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 1.600 di tích xếp hạng cấp thành phố. Riêng nhóm di tích đặc biệt còn bao gồm 46 di tích cách mạng, kháng chiến đã được xếp hạng, 354 địa điểm được gắn biển lưu niệm các sự kiện cách mạng, và 34 bảo vật quốc gia.

Về di sản văn hóa phi vật thể, danh mục xác định gồm 6 di sản đã được UNESCO ghi danh, 42 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống và 7 nghề thủ công tiêu biểu đặc trưng của Hà Nội.
Một nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết là danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng cần được bảo tồn. Trong khu phố cổ Hà Nội, có 21 tuyến phố thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I và 40 tuyến phố thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II được đưa vào danh mục. Ngoài ra, tại khu phố cũ, Nghị quyết liệt kê 16 đoạn tuyến phố có nhiều biệt thự mang giá trị kiến trúc đặc biệt và 11 đoạn tuyến phố có biệt thự với giá trị kiến trúc đáng chú ý cũng được đưa vào diện bảo vệ.

Đối với các công trình kiến trúc có giá trị, danh mục bao gồm 222 biệt thự thuộc nhóm 1 và 356 biệt thự nhóm 2, được xây dựng từ trước năm 1954. Bên cạnh đó là 40 công trình kiến trúc công cộng có giá trị đặc biệt và 21 công trình kiến trúc công cộng có giá trị cần được chú ý, cũng đều được xây dựng trong cùng giai đoạn.
Về tổ chức thực hiện, UBND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị quyết thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, huy động nguồn lực xã hội để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản theo danh mục đã được xác định. UBND Thành phố cũng được giao nhiệm vụ định kỳ tổng kết, rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục này cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển và quy hoạch của Thủ đô, đặc biệt là sau khi thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Cùng với đó, Nghị quyết giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND Thành phố thực hiện vai trò giám sát việc triển khai Nghị quyết. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội cũng được đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia và giám sát thực hiện các nội dung của Nghị quyết.

Việc ban hành Danh mục di sản, di tích, công trình kiến trúc cần bảo vệ lần này được đánh giá là bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội. Không chỉ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa ngàn năm văn hiến, Nghị quyết còn góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn di sản - một trong những trụ cột chiến lược trong định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới.