Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước

Chia sẻ

Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố và Chương trình Công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Nghị quyết “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Thành uỷ Hà Nội ban hành đã xác định rõ mục tiêu, giải pháp để phát triển công nghiệp văn hoá Hà Nội. 

Nghị quyết nêu rõ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia tiến bộ nhanh hơn, thành công hơn dựa trên việc phát huy lợi thế, đặc sắc về văn hóa của đất nước và xác định văn hóa là yếu tố cốt lõi, là động lực mới cho sự phát triển. Nhiều nước phát triển đã xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra toàn cầu. Quan điểm và hành động hướng tới các ngành công nghiệp văn hóa (hay công nghiệp sáng tạo) đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của thế giới, một trong những chiến lược phát triển quan trọng, toàn diện và bền vững, thu hút nguồn lực hợp tác quốc tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và có đóng góp khá lớn vào tăng trưởng GDP, đồng thời góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Việc ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Chính phủ.

Hà Nội sở hữu nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng- ảnh Tuyết MinhHà Nội sở hữu nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng- ảnh Tuyết Minh

Với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, từ Thăng Long biểu thị cho khát vọng vươn lên, đến những danh hiệu cao quý: Thủ đô ngàn năm văn hiến; Thủ đô anh hùng; “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”, đã góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển.

Với bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, thời gian qua Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nói chung và CNVH nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao ở cả trong nước và quốc tế. Với những chính sách cụ thể, CNVH đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Năm 2018, ngành CNVH đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Thành phố.

 Tuy nhiên, để hiện thực hóa việc phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển cả về chất và lượng, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới.

Bên cạnh những thuận lợi, Thành phố Hà Nội cũng nhận thấy còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra như: Nhận thức văn hóa là động lực, nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm văn hiến, cũng như về CNVH của một số cấp, ngành, đơn vị còn hạn chế. Việc đầu tư, khơi thông nguồn lực văn hóa, lịch sử cho phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở hạ tầng cho CNVH thiếu đồng bộ. Sự tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác thế mạnh văn hóa chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện.

Thiếu sự phối hợp, liên kết đồng bộ hiệu quả, liên ngành giữa các lĩnh vực khác nhau có liên quan. Giáo dục, đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực văn hóa và CNVH chưa được quan tâm đúng mức và chưa theo kịp sự tiến bộ, phát triển chung của khu vực và thế giới. Việc triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO về “Thành phố sáng tạo” chưa được tập trung đẩy mạnh. Tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; thị trường văn hoá phát triển chưa đồng bộ; chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19…

Nghị quyết cũng chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò của văn hóa và CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội. Thiếu nền tảng lý luận, thiếu quy hoạch, chiến lược, kế hoạch tổng thể và quản lý chi tiết đối với từng ngành CNVH theo hướng phát triển bền vững. Nguồn lực dành cho hoạt động của CNVH còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ; doanh nghiệp văn hóa phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Chính sách xã hội hóa phát triển CNVH còn hạn chế. Việc đầu tư, hợp tác, liên kết, phát triển CNVH từ khâu tạo sản phẩm, dịch vụ, đến phát triển thị trường trong và ngoài nước chưa được chú trọng đúng mức, chưa gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng môi trường hỗ trợ sáng tạo, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNVH còn nhiều khó khăn; chưa xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội và các nhà đầu tư lớn vào phát triển CNVH.

 Từ đây, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố đề ra mục tiêu chung là cần tạo bước phát triển toàn diện các ngành CNVH của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản,…phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.

Là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm công nghiệp văn hoá hàng đầu cả nướcLà Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm công nghiệp văn hoá hàng đầu cả nước

 Theo đó, từ nay đến năm 2025 ngành CNVH Thủ đô phải trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển CNVH vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành CNVH gắn với phát triển du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống chỉ tiêu thống kê, triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu số đảm bảo cho phát triển CNVH có tính liên thông vàchuyên nghiệp; đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá Hà Nội; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích Quốc gia, di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long…; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, "Thành phố sáng tạo". Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố.

Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm CNVH có sẵn lợi thế như: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời, quan tâm phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện Ảnh; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản; Thời trang …

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 thì ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các Thành phố trong khu vực; là "Thành phố sáng tạo" có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố.

Duy trì phát triển ổn định, bền vững các ngành: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đẩy mạnh phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện Ảnh. Tiếp tục phát triển các ngành: Nhiếp ảnh và triển lãm, Thời trang, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản...

Mục tiêu đến năm 2045 ngành CNVH Thủ đô phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.

Để thực hiện các mục tiêu trên Nghị quyết cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm như cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, thu hút và hỗ trợ đầu tư, mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa, tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo" của UNESCO

 P.V

Tin cùng chuyên mục