Hà Nội đầu tư vở diễn tiền tỷ để hút khách du lịch
(PNTĐ) -Những người làm nghệ thuật Hà Nội đang hào hứng chờ đợi những vở diễn mang tính dấu ấn và thành công như Ký ức Hội An, Festival Huế… được thực hiện tại Hà Nội, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2023. Đây sẽ là một dấu mốc mới cho du lịch Hà Nội, góp phần vào mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô…

Những kỳ vọng mới
Tuần qua, tại cuộc họp của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) với 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) để thực hiện Quyết định triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch của Bộ VHTTDL, nguồn kinh phí được lấy từ Quỹ phát triển du lịch đã hé lộ một thông tin quan trọng. Đó là Hà Nội sẽ có 2 chương trình nghệ thuật được đầu tư lớn, nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô, phát triển công nghiệp văn hóa. Cụ thể là vở diễn thực cảnh tại Hoàng thành Thăng Long với tên tạm gọi là Bình minh Đế Đô (thời lượng 60 phút). Tác phẩm lớn này dự trù sẽ có chi phí đầu tư 8 tỷ đồng, được phân cho một nhóm Nhà hát phối hợp thực hiện. 5 vở diễn thực hiện trong 10 đêm tại các địa điểm xung quanh phố cổ và nhà hát nằm trong khu vực này, chi phí đầu tư 4,5 tỷ đồng.
Cục Nghệ thuật biểu diễn - đơn vị phụ trách dự án này khẳng định, nếu các công việc được triển khai quyết liệt để có thể dàn dựng các tác phẩm trong quý II/2023 thì sẽ có thể chính thức công diễn vào khoảng tháng 11/2023, mùa cao điểm của du lịch Hà Nội. Những người làm nghệ thuật đều nhận thấy đây là tín hiệu đáng mừng, tạo thêm những dấu ấn nghệ thuật mới cho văn hóa và du lịch Thủ đô. Ai cũng cho rằng, Hà Nội nên bắt tay làm những việc tương tự từ rất lâu rồi.
Theo bà Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục NTBD, thì vở diễn thực cảnh Bình minh Đế Đô, sẽ lấy bối cảnh là kiến trúc và không gian hiện có của Hoàng thành Thăng Long để lên ý tưởng triển khai kịch bản. Ước tính, dự kiến sẽ có khoảng 200 diễn viên tham gia, vở diễn không sử dụng màn hình led, hoàn toàn dùng bối cảnh thực. Hiện nay, tại Hoàng thành Thăng Long đang có các sản phẩm văn hóa - du lịch rất hấp dẫn du khách là “Giải mã đêm Hoàng thành Thăng Long”. Tuy nhiên, sản phẩm chưa thực sự tạo nên sự mãn nhãn cần thiết ở các phần tái hiện không khí triều đại xưa đáp ứng sự mong đợi của khách tham quan. Vì vậy, một vở diễn thực cảnh làm sao để khắc họa được những vàng son thuở trước ở Hoàng thành chắc chắn sẽ là sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn du khách.
Các vở diễn dự kiến thực hiện quanh phố cổ cũng đem đến những kỳ vọng mới cho việc vừa quảng bá các loại hình sân khấu truyền thống của Hà Nội, vừa tạo thêm những không gian thưởng thức nghệ thuật sinh động, thu hút du khách. Lâu nay, Hà Nội thi thoảng vẫn có các buổi biểu diễn của các nhà hát tại khu vực phố cổ tạo nên những không gian nghệ thuật nhằm tăng sức hấp dẫn của Hà Nội với du khách quốc tế, nhưng đa phần là các buổi diễn nhỏ lẻ, các trích đoạn nhỏ, quy mô nhỏ. Với dự án mới hé lộ, sẽ là những vở diễn, chương trình quy mô, công phu hơn.
Hiện có hai ý tưởng được đánh giá cao thuộc về Nhà hát Cải lương Việt Nam là xây dựng câu chuyện 100 năm Hà Nội cùng nhiều lát cắt thú vị thực hiện tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm). Vở diễn được bố trí với hình thức sân khấu tương tác, 4 mặt, khán giả thưởng thức từ tất cả các phía, trải nghiệm bằng sự cảm xúc chân thực. Ý tưởng còn lại do Nhà hát Tuổi trẻ đề xuất, thực hiện tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, sân khấu thực hiện trên các hộp công ten nơ. Mỗi hộp sẽ chứa đựng một nội dung về văn hóa, con người Hà Nội.
Vẫn khó khăn bề bộn
Tuy nhiên, để triển khai được dự án lại không phải câu chuyện dễ dàng khi Cục NTBD và các nhà hát cùng nhìn vào thực tế. Vở diễn thực cảnh huy động tới 200 diễn viên, đòi hỏi một sự kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn giữa các nhà hát với nhau. Nếu như Ký ức Hội An hay Tinh hoa Bắc Bộ thì câu chuyện sẽ dễ dàng hơn khi do các đơn vị tư nhân thực hiện độc lập. Nhưng, việc phối hợp giữa các đơn vị với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau sẽ có không ít khó khăn bởi mỗi đơn vị còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn riêng của mình. Tuy nhiên, khát vọng to lớn của dự án chính là hướng đến một vở diễn, một sản phẩm nghệ thuật có sự kết hợp chung của những người làm nghệ thuật Thủ đô như bà Trần Ly Ly bày tỏ: “Thực hiện vở diễn riêng thì đơn giản, nhưng cần các nhà hát đồng lòng sát cánh để tạo ra một tác phẩm giá trị. Điều đó mới có ý nghĩa”.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác chính là làm sao để kết hợp được tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, ca múa dân tộc, nhạc giao hưởng… trong một vở diễn thực cảnh và phải khoe được hết sự đặc sắc của từng loại hình nghệ thuật cũng không dễ dàng. Điều này cần đến những tính toán kỹ lưỡng và bàn tay tài hoa của đạo diễn. Thêm một điều đáng lưu tâm là theo kế hoạch, vở diễn thực cảnh tại Hoàng thành Thăng Long sẽ chỉ công diễn 2 buổi, như vậy sẽ là “muối bỏ bể” đối với khát vọng hấp dẫn du lịch Hà Nội. Một số đơn vị khác như dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng nêu ra trở ngại là khó biểu diễn ở phố đi bộ do đặc thù loại hình phụ thuộc vào âm thanh và nhiều thiết bị không phù hợp không gian công cộng.
Thực tế, Hà Nội vẫn luôn nỗ lực để trở thành điểm đến trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên tiến trình công nghiệp văn hóa, việc xây dựng vở diễn thực cảnh cũng như các vở diễn, chương trình biểu diễn như dự án nêu trên là cần thiết bởi sẽ đem đến những hiệu ứng kép, vừa hiệu quả về thu hút du khách, vừa quảng bá cho văn hóa nghệ thuật của Hà Nội, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Vì thế, hy vọng các khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ để các dự án sớm triển khai, đưa vào phục vụ công chúng, tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô.