Khi “Hạt gạo làng ta” hóa vũ kịch: Nhà thơ Trần Đăng Khoa “xin… lạy” sinh viên Nhân văn
(PNTĐ) - Trước những nỗ lực thực hiện chương trình Talkshow và Biểu diễn Vũ kịch Hạt gạo làng ta của các sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn diễn ra hôm 14/5, nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả bài thơ “Hạt gạo làng ta” đã phải xúc động thốt lên: “Tôi xin… lạy! Các bạn làm quá giỏi!”
Lời khen “vui mà thật” ấy không phải sự phóng đại, mà là sự ghi nhận chân thành dành cho một nỗ lực đặc biệt từ các sinh viên chuyên ngành Quản trị sự kiện - Khoa Du lịch học của trường. Từ một thử thách ban đầu: “0 đồng ngân sách”, nhóm sinh viên đã chứng minh bản lĩnh và tài năng của mình khi tự mình đảm nhận mọi khâu - từ lên ý tưởng, tìm kiếm tài trợ, truyền thông cho đến sản xuất vở vũ kịch và tổ chức sự kiện. Tất cả đều do sinh viên thực hiện, với một tinh thần chuyên nghiệp khiến nhiều khán giả lầm tưởng đây là một ekip biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Chia sẻ trong đêm diễn, nhà thơ Trần Đăng Khoa không giấu nổi sự xúc động: “Đến đây tôi thật sự choáng ngợp, các bạn làm giỏi quá đi thôi! Không ai có thể nghĩ rằng, đấy là các cô, các cậu của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – mà thực sự các bạn là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Các bạn đã làm được một việc không dễ làm - và làm thành công”.
Lấy cảm hứng từ bài thơ Hạt gạo làng ta, chương trình gồm hai phần chính: biểu diễn vũ kịch và phần talkshow với nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng đạo diễn, biên đạo múa Phan Hảo - người đã trực tiếp dàn dựng vở vũ kịch. MC Trịnh Lê Anh - người dẫn dắt talkshow - cho biết đây là mô hình thường thấy trong các vở nhạc kịch quốc tế, kết hợp phần trình diễn với trò chuyện để giúp khán giả hiểu rõ hơn về quá trình sáng tạo cũng như chiều sâu của tác phẩm.

Dưới sự hướng dẫn nghệ thuật của đạo diễn Phan Hảo, các sinh viên đã khéo léo đưa bài thơ lên sân khấu bằng ngôn ngữ múa hiện đại, sống động và đầy cảm xúc. Những động tác cấy lúa, vẩy mạ, đi bừa, gánh lúa; hình ảnh con trâu, cái cày; hay cả âm thanh của những ngày bom đạn… tất cả hiện lên chân thực, gợi nhắc một thời gian khó mà hào hùng. Vũ kịch không chỉ đơn thuần là chuyển thể thơ - mà đã “làm đầy” bài thơ, bằng cách mở rộng nội dung, kết nối với ký ức lịch sử và truyền tải thông điệp về sự tri ân, biết ơn thế hệ đi trước.
Không ít khán giả đã xúc động khi chứng kiến cách tái hiện hình ảnh những người nông dân âm thầm hy sinh để “nuôi quân” bằng từng hạt gạo - hạt gạo chan mồ hôi, nước mắt và máu. Vở diễn được đánh giá là sự hòa quyện thành công giữa nghệ thuật và lịch sử, giữa chất thơ truyền thống và hình thức thể hiện đương đại.

Dù là sinh viên không chuyên ngành sân khấu, lại làm việc trong điều kiện thiếu thốn về kinh phí, thời gian và kỹ thuật, nhưng sự nghiêm túc, lòng đam mê và tinh thần sáng tạo đã giúp các bạn sinh viên tạo nên một đêm nghệ thuật “đủ đầy” về cả hình thức lẫn nội dung. Không chỉ khán giả xúc động, chính nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã chủ động xin bản ghi hình chương trình để giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Ông cho biết: “Các bạn không chỉ biểu diễn bài thơ của tôi – mà còn nâng tầm nó. Các bạn đã kể lại bài thơ bằng một cách kể mới mẻ, sâu sắc và xúc động hơn rất nhiều”.
Sự kiện này một lần nữa cho thấy khả năng “làm mới” các giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ hôm nay. Không dừng lại ở việc tiếp nhận thơ ca như một di sản, các bạn sinh viên đã biết cách chuyển hóa, làm sống động lại bài thơ bằng một hình thức nghệ thuật khác - vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa đưa vào đó hơi thở của thời đại.

Trong một thời đại mà thơ ca đôi khi bị coi là xa rời cuộc sống, việc vở vũ kịch Hạt gạo làng ta gây được tiếng vang mạnh mẽ cho thấy thơ vẫn có thể sống, có thể lan tỏa, khi được truyền tải bằng những cách mới - từ chính thế hệ trẻ. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật đương đại và giáo dục sáng tạo trong nhà trường.